Phát triển các kỹ năng cho nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình (Trang 26 - 27)

Kỹ năng của người lao động là sự thành thạo, tinh thông về các thao tác, động tác, nghiệp vụ trong quá trình hoàn thành một công việc cụ thể nào đó. Những kỹ năng sẽ giúp cho người lao động hoàn thành tốt công việc của mình, quy định tính hiệu quả của công việc. Những kỹ năng đó được hoàn thiện thông qua đào tạo, bồi dưỡng và thực tiễn công việc mang lại.

Kỹ năng của người lao động phản ánh sự hiểu biết về trình độ nghề nghiệp, mức độ thành thạo, khéo léo của người lao động. Đó là khả năng làm chủ các công cụ, phương tiện giải quyết công việc. Người lao động khi tham gia vào bất kỳ hoạt động nghề nghiệp nào đều phải đáp ứng những kỹ năng mà nghề nghiệp đó đòi hỏi. Nếu không họ sẽ bị tụt hậu, lạc lõng trong môi trường làm việc đó.

Phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động là nâng cao khả năng chuyên biệt của con người trên nhiều khía cạnh để đáp ứng các yêu cầu cao hơn trong hoạt động nghề nghiệp hiện tại hoặc để trang bị kỹ năng mới cho việc thay đổi công việc trong tương lai.

Nâng cao kỹ năng là làm cho kỹ năng cụ thể nào đó của người lao động được hoàn thiện, tinh thông để thực hiện một công việc có chất lượng và hiệu quả hơn. Sự rèn luyện và tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn sẽ giúp cho người lao động nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

Phải phát triển kỹ năng cho người lao động bởi vì nó làm gia tăng sự khéo léo, thuần thục và thành thạo trong công việc, đồng thời kỹ năng chính là yêu cầu của quá trình lao động trong tổ chức, đơn vị và cũng là nhu cầu của xã hội.

Để nâng cao kỹ năng cho người lao động cần phải tổ chức tập huấn, đào tạo cho người lao động thích nghi với môi trường làm việc mới; mặt khác bản thân người lao động phải thường xuyên tiếp xúc với công việc để rèn luyện kỹ năng và tích luỹ kinh nghiệm.

Phát triển kỹ năng cho người lao động là nội dung căn bản của phát triển nguồn nhân lực trong các tổ chức, nó ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực. Vì vậy, các đơn vị cần tạo điều kiện để đội ngũ lao động có cơ hội được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, định hướng nghề nghiệp nhằm hoàn thiện và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của đơn vị và thoả mãn nhu cầu của cá nhân người lao động .

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình (Trang 26 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(107 trang)
w