Động lực là những gì thôi thúc con người có những ứng xử nhất định hoặc thúc đẩy, kích thích người lao động làm việc. Động lực ở đây là cái có tác dụng chi phối, dẫn dắt người lao động suy nghĩ và hành động để đạt được những mục tiêu đã đề ra với nỗ lực lớn nhất. Động lực thường gắn với nhu cầu của con người, là những đòi hỏi của người lao động cho bản thân để sống và phát triển. Người lao động có động lực làm việc một cách tự nhiên bắt nguồn từ việc họ muốn có thu nhập cá nhân ngày càng cao đến việc muốn được khẳng định mình, được tôn trọng, được tự chủ, có thẩm quyền đối với công việc và được thành đạt trong cuộc sống.
Tạo động lực thúc đẩy là một hệ thống các hoạt động của nhà quản lý nhằm duy trì và động viên, khích lệ người lao động làm việc. Đối với tổ chức làm tốt công tác tạo động lực sẽ làm cho các mối quan hệ trong tổ chức trở nên tốt hơn và lành mạnh hơn, tạo được bầu không khí làm việc thoải mái.
Đặc biệt là tạo được khả năng cạnh tranh giữa các cá nhân trong tổ chức cũng như với các tổ chức bên ngoài. Đối với người lao động, động lực thúc đẩy là điều kiện và là nhân tố quyết định đến hành vi và hiệu quả công việc. Một khi có động lực thúc đẩy người lao động sẽ hăng say hơn trong công việc, luôn cố gắng phấn đấu, đóng góp những giá trị thiết thực và hữu hiệu nhất. Nhờ đó công việc đạt hiệu quả hơn, năng suất cũng cao hơn.
Động lực thúc đẩy người lao động được thực hiện thông qua các yếu tố như: sự cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và kiến thức; quyền tham gia hoạt động chính trị, xã hội theo quy định của pháp luật; được tạo điều kiện để học tập nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc, được quyền nghiên cứu khoa học, sáng tạo, được khen thưởng khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công vụ được giao... Đây là các yếu tố đem lại sự thoả mãn cả về mặt vật chất lẫn tinh thần cho người lao động, được sử dụng như một đòn bẩy để kích thích sự hăng hái, tích cực làm việc đối với người lao động.
Tuy nhiên, các yếu tố này cần phải được thực hiện một cách công bằng và minh bạch nếu không sẽ gây bất bình giữa những người lao động với nhau và giữa người lao động với cấp trên. Mọi người luôn mong muốn có sự công bằng trong đánh giá năng lực, kết quả làm việc cũng như mức thưởng, phạt mà họ nhận được từ tổ chức. Sự công bằng không chỉ thể hiện ở chỗ phần khen thưởng và các khoản khác được nhận phù hợp với những đóng góp, cống hiến của họ mà còn phải phù hợp giữa các cá nhân với nhau trong tổ chức, thực sự tạo động lực để họ tiếp tục phấn đấu, nổ lực nếu không sẽ gây phản ứng ngược, làm giảm đi sự nổ lực phấn đấu, cống hiến của người lao động, làm kìm hãm sự phát triển của tổ chức.
Vì vậy, để nâng cao động lực thúc đẩy người lao động tham gia học tập và làm việc, tổ chức cần thiết phải loại trừ những tác động tiêu cực ảnh hưởng xấu đến động lực học tập và làm việc của người lao động, đồng thời cần tập trung quan tâm đến những yếu tố có tác động tích cực, làm thoả mãn nhu cầu của người lao động nhằm tăng cường khả năng học tập và làm việc của người lao động.