I. TÌNH HÌNH QUẢN LÝ ĐẤT ĐA
2. Phân tích, đánh giá những mặt được, những tồn tại và nguyên nhân
2.1. Kết quả đạt được trong quản lý nhà nước về đất đai
Nhìn chung, từ khi triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013 đến nay công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện Phù Yên đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, làm cho hoạt động quản lý, sử dụng đất ngày càng đi vào kỷ cương và đúng pháp luật. Công tác quản lý, sử dụng đất từng bước đi vào ổn định, phân định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ theo luật định. Cùng với các chính sách về đất đai Nhà nước ngày càng hoàn thiện, các văn bản do UBND tỉnh, UBND huyện ban hành đã tạo ra một hệ thống pháp lý tương đối đầy đủ, giải quyết khá tốt các quan hệ liên quan đến đất đai, bước đầu đã điều chỉnh được quan hệ đất đai mới hình thành trong quá trình đô thị hoá.
Thực hiện tốt công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã góp phần sắp xếp, bố trí quỹ đất hợp lý đối với từng loại đất, mục đích sử dụng, đảm bảo sử dụng đất hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, phù hợp với quan điểm phát triển chung của tỉnh.
Công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký biến động sử dụng đất, thực hiện các quyền sử dụng đất được đẩy mạnh, các thủ tục hành chính về đất đai được chú trọng cải cách theo hướng ngày càng đơn giản, gọn nhẹ hơn; các cấp, các ngành đã có sự phối hợp nhịp nhàng hơn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, do vậy đã giải quyết cơ bản tình trạng tồn đọng hồ sơ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người có đất bị thu hồi. Chính sách tài chính về đất đai, giá đất được hoàn thiện, các khoản thu từ đất được quy định cụ thể đã tạo được nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương.
Việc chuyển đổi các loại đất được thực hiện trên cơ sở tuân thủ theo quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành được phê duyệt. Cơ cấu sử dụng đất theo quy hoạch được phê duyệt đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng giá trị hiệu quả sử dụng đối với đất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị trên đơn vị diện tích ngày càng tăng. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tình hình quản lý đất đai được chính quyền địa phương quan tâm, thực hiện thường xuyên, kịp thời uốn nắn để công tác quản lý, sử dụng đất ngày càng chặt chẽ theo quy định của Luật Đất đai.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến lĩnh vực đất đai được UBND huyện quan tâm giải quyết và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị thực hiện nghiêm túc theo quy định. Do vậy, các tranh chấp, khiếu kiện về đất đai kéo đài, phức tạp, đông người phát sinh do công tác quản lý nhà nước về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ít xảy ra.
2.2. Một số hạn chế bất cập trong quản lý nhà nước về đất đai
Công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được quan tâm nhưng thiếu thường xuyên. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hoá các văn bản của Trung ương và của tỉnh còn hạn chế, thiếu kịp thời.
Công tác lập và hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn còn chậm, kinh phí đầu tư còn hạn chế. Công tác điều tra, rà soát quy hoạch “treo”, dự án “treo” trên địa bàn để điều chỉnh hoặc huỷ bỏ vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tuy đã được chú trọng, thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được đẩy nhanh và đạt tỷ lệ cao, song có thời điểm vẫn thiếu kịp thời, thời gian cấp giấy chứng nhận vẫn còn kéo dài, chưa đáp ứng được yêu cầu của một bộ phận nhân dân… Hoạt động dịch vụ trên lĩnh lực quản lý, sử dụng đất tuy đã được hình thành nhưng hiệu quả chưa cao. Việc thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền quyết định của UBND huyện gặp nhiều khó khăn do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai không thuộc quản lý của UBND huyện.
Công tác quản lý tài chính về đất đai vẫn còn thiếu chặt chẽ và thống nhất, sự kết hợp của các cấp, các ngành trong việc quản lý và điều chỉnh đối với người sử dụng đất trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ tài chính vẫn còn hạn chế. Việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra chưa được triệt để, xử lý các sai phạm, khuyến điểm liên quan đến quản lý, sử dụng đất nhìn chung vẫn chưa nghiêm.