Theo giáo trình Kinh tế đầu tư của trường Đại học Kinh tế quốc dân (2013), quản lý ĐTC gồm sáu nguyên tắc sau:
Thứ nhất, thực hiện theo các chương trình, dự án đầu tư con phải phù hợp với
chiến lược, quy hoạch phát triển, phù hợp với kế hoạch đầu tư đã được duyệt.
Mục tiêu của quản lý ĐTC là tạo lập năng lực sản xuất và năng lực phục vụ của nền KTXH dựa trên nguồn lực của nhà nước. Vì vậy, quản lý ĐTC bắt buộc phải phù hợp với chiến lược phát triển KTXH, phù hợp với kế hoạch đầu tư đã được duyệt. Việc thực hiện các dự án ĐTC chính là việc cụ thể hóa, hiện thực hóa các
chiến lược, các kế hoạch đầu tư đã được phê duyệt. Không những thế, nguồn vốn ĐTC còn có ý nghĩa dẫn dắt, định hướng các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước để thực hiện chiến lược phát triển KTXH của quốc gia, của ngành, của vùng và của từng địa phương.
Thứ hai, ĐTC phải được thực hiện đúng mục tiêu, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, tiết kiệm và có hiệu quả.
Đây là một trong những nguyên tắc rất quan trọng bởi vì các dự án ĐTC thường được triển khai để đáp ứng nhiều mục tiêu, trong đó có cả mục tiêu kinh tế, xã hội, văn hóa... Tuy nhiên, để có thể thực hiện được các mục tiêu khác nhau thì phải đảm bảo hiệu quả kinh tế. Chính vì vậy, các yêu cầu về tiến độ, chất lượng cần phải xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc sao cho tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, trước khi quyết định triển khai thực hiện các dự án ĐTC, thì nhất thiết phải đảm bảo cân đối giữa vốn với quy mô, và tiến độ tài trợ phù hợp với năng lực của NSTW và NSĐP trên cơ sở đã cân nhắc, đánh giá các nhân tố ưu tiên.
Thứ ba, quản lý ĐTC phải đảm bảo tính công khai minh bạch.
Quá trình chuyển đổi nền kinh tế diễn ra ngày càng sâu sắc thì yêu cầu về tính công khai, minh bạch sẽ càng cao. Công khai, minh bạch trong hoạt động ĐTC sẽ góp phần tăng tính cạnh tranh, tính cân bằng trong huy động và phân bổ nguồn lực của nhà nước. Hơn nữa, công khai và minh bạch cũng là điều kiện để có thể giám sát hoạt động ĐTC được chặt chẽ và hiệu quả hơn. Đây cũng là điều kiện để hạn chế sự thất thoát và lãng phí trong đầu tư và xây dựng từ nguồn vốn ngân sách.
Thứ tư, quản lý ĐTC phải thực hiện trên cơ sở thống nhất quản lý nhà nước với
sự phân cấp quản lý phù hợp.
Để có thể tạo ra các kết quả đầu tư với hệ thống năng lực phục vụ được cải thiện, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chung của nền kinh tế, tránh dàn trải và lãng phí nguồn lực, ĐTC cần phải được quản lý thống nhất. Nhà nước có thể quản lý thống nhất hoạt động ĐTC thông qua quy hoạch và kế hoạch phân bổ nguồn lực. Tuy nhiên, để phát huy năng lực và sự chủ động của các ngành, các địa phương thì cần phải phân cấp trong ĐTC. Tuy nhiên, phân cấp ĐTC cần tính đến điều kiện cụ thể và năng lực của các ngành và các địa phương. Phân cấp ĐTC cho các địa phương chỉ nên giới hạn trong điều kiện năng lực NSĐP. Các dự án tài trợ từ NSTW cần phải
được quyết định bởi cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư của trung ương, và theo quy định của pháp luật về NSNN và quản lý, sử dụng tài sản công.
Thứ năm, Phân định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động quản lý ĐTC.
Đây là nguyên tắc bắt buộc để ĐTC hiệu quả hơn. Do nguồn lực ĐTC thuộc sở hữu toàn dân nên sự phân định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia có ý nghĩa quan trọng, nhằm gia tăng trách nhiệm giải trình và đảm bảo sự giám sát của toàn xã hội đối với kết quả và hiệu quả ĐTC.
Thứ sáu, Đa dạng hóa các hình thức ĐTC.
Nhà nước có thể có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư hoặc góp vốn cùng nhà nước đầu tư vào các dự án ĐTC. Khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn để nhận quyền kinh doanh, khai thác thu lợi các dự án đầu tư có điều kiện. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư chủ yếu của các dự án ĐTC vẫn phải là của nhà nước (trung ương hoặc địa phương).
Ngoài ra, vấn đề này cũng đề cập trong Luật Đầu tư công (2019) tại chương IV và V, cụ thể về công tác thực hiện và theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra, giám sát kế hoạt, chương trình, dự án ĐTC tại chương IV của Luật; và nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động ĐTC tại chương V của Luật.