Hoạt động ĐTC bao gồm toàn bộ quá trình từ lập phê duyệt kế hoạch, chương trình dự án ĐTC đến triển khai thực hiện đầu tư, và quản lý khai thác sử dụng các dự án ĐTC, đánh giá sau ĐTC (giáo trình Kinh tế đầu tư của trường Đại học Kinh tế quốc dân, 2013). Như vậy, quản lý ĐTC là sự tác động liên tục, có tổ chức, có định hướng của nhà nước vào quá trình đầu tư bằng một hệ thống đồng bộ các biện pháp KTXH và tổ chức kỹ thuật cùng các biện pháp khác nhằm đạt được hiệu quả KTXH cao nhất trong điều kiện cụ thể.
ĐTC nhằm mục tiêu tạo mới, nâng cấp, củng cố năng lực hoạt động của nền kinh tế thông qua giá trị gia tăng của các tài sản công. Thông qua hoạt động ĐTC,
năng lực phục vụ của hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội dưới hình thức sở hữu toàn dân sẽ được cải thiện và gia tăng (giáo trình Kinh tế đầu tư của trường Đại học Kinh tế quốc dân, 2013).
Trên thực tế, quản lý ĐTC góp phần thực hiện một số mục tiêu xã hội trong chiến lược phát triển KTXH của quốc gia, của ngành, của vùng và của địa phương. Thông qua các chương trình MTQG, nhiều vấn đề về xã hội, văn hóa, môi trường được giải quyết; mục tiêu phát triển và phát triển bền vững được đảm bảo. Về cơ bản trong thời gian qua, các khoản chi ĐTC đã mang lại hiệu quả trong phát triển KTXH, đặc biệt là các chương trình MTQG tại các vùng kinh tế khó khăn, như: chương trình 135, chương trình MTQG về nước sạch, cải thiện vệ sinh môi trường... đầu tư về hạ tầng giao thông lớp học, trường học, kiên cố hóa kênh mương, hỗ trợ sản xuất cho các hộ nghèo, chương trình trồng rừng, chương trình sức khỏe cộng đồng… Hoạt động ĐTC còn góp phần điều tiết nền kinh tế, thông qua việc tác động trực tiếp đến tổng cầu của nền kinh tế.
Thực tiễn cho thấy, đầu tư mở rộng thông qua tăng chi ngân sách, tín dụng đầu tư phát triển nhà nước và tín dụng đối với các đối tượng chính sách cùng với hiệu quả đầu tư xã hội và ĐTC chưa cao, kéo theo chi phí sản xuất, kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng tín dụng tăng lên, làm gia tăng tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế. Để duy trì tăng trưởng ở mức cao và bền vững, đảm bảo cho các cân đối kinh tế vĩ mô, vấn đề cấp thiết phải nâng cao hiệu quả ĐTC, và hiệu quả đầu tư toàn xã hội thông qua việc khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, giảm tương đối ĐTC và tăng đầu tư tư nhân, sửa đổi các cơ chế liên quan đến đầu tư nhất là ĐTC phù hợp với cơ chế thị trường là điều cần thiết đối với Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung.