Khảo sát các nghiên cứu trước cho thấy, hầu hết đều phân tích về tác động của ĐTC đến tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu ở các nước phát triển và đang phát triển đều có bằng chứng cho rằng ĐTC có tác động đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ĐTC cho cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực - Zainah (2009), Reungsri (2010), Omri và Kahouli (2014), Tang và Tan (2015), Tahir, M., & Azid, M. (2015), Alagidede và Ibrahim (2017), Jibir và Abdu (2017), Siddique và ctg (2017), Sapkota và Bastola (2017) Bakari và Ahmadi (2018), Sepehrdoust (2018), Golitsis và ctg (2018).
Tại Việt Nam cũng có một số công bố nghiên cứu định lượng về tác động của ĐTC lên tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu của Tô Trung Thành (2011) sử dụng mô hình vector hiệu chỉnh sai số VECM để ước lượng các hàm phản ứng với các biến đầu tư khu vực nhà nước, đầu tư tư nhân và GDP. Nghiên cứu của Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư và Lê Hoàng Phong (2014) về tác động ĐTC với tăng trưởng kinh tế đã sử dụng mô hình tự hồi quy phân phối trễ (ARDL)…Tuy nhiên có thể nói, hầu hết các nghiên cứu tại Việt Nam đều sử dụng số liệu quốc gia để nghiên cứu, chưa nghiên cứu chuyên sâu về ĐTC cấp tỉnh, thành cụ thể, chưa nghiên cứu tác động của cấu trúc thành phần ĐTC đến tăng trưởng kinh tế cấp tỉnh.
Tóm lại, khoảng trống nghiên cứu hiện nay gồm:
(1) Chưa có nghiên cứu nào ở Việt Nam nghiên cứu quản lý ĐTC tại Tiền Giang, cụ thể là quy trình quản lý ĐTC tại Tiền Giang giai đoạn 1998–2018.
(2) Chưa có nghiên cứu nào ở phạm vi cấp Tỉnh nghiên cứu mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với ĐTC tại ba lĩnh vực Nông nghiệp, Giao thông, CNTT&TT cả trong ngắn hạn và dài hạn.