Có thể nói ĐTC là một trong những vấn đề quan trọng của chính sách tài chính quốc gia, tài chính nhà nước và là vấn đề mang tính vĩ mô của nền kinh tế. ĐTC không chỉ là hoạt động đầu tư cho cơ sở hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội mà quan trọng hơn là nuôi dưỡng, phát triển, khai thác nguồn thu; phân phối, quản lý và sử
dụng có hiệu quả các công trình được hình thành từ các kế hoạch đầu tư công đó, nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tăng thu nhập của dân và tăng trưởng kinh tế của vùng.
Trong một số nghiên cứu, phần lớn cho thấy ĐTC có tác động dương đối với tăng trưởng kinh tế như Clive Harris (2003), Satish & Pragya Shah (2009), Osborne và ctg (2006). Các nghiên cứu này dựa trên cơ sở mô hình tăng trưởng kinh tế tân cổ điển để xem xét mối quan hệ của ĐTC đến tăng trưởng kinh tế, cho thấy việc tăng vốn ĐTC làm tăng đầu ra của nền kinh tế, tăng năng suất của các nhân tố trong hàm sản xuất, trong đó bao gồm cả lao động. Nhà nước chi cho các công trình ĐTC như trường học, đường xá, cầu cống, bệnh viện trường học… tạo điều kiện thông thương qua các vùng, phát triển buôn bán giữa các địa phương, nâng cao dân trí, sức khỏe đời sống vật chất tinh thần trong dân chúng. Và ngược lại, các tầng lớp dân cư khi đời sống vật chất tinh thần được cải thiện, sẽ đóng góp lại bằng sức lao động tạo ra của cải vật chất và lại đóng góp vào tiền thuế và phí, lệ phí thông qua quá trình chi tiêu và đầu tư. Do đó, mối quan hệ này có quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau. Và mối quan hệ giữa ĐTC và tăng trưởng kinh tế địa phương không chỉ là số thu chi cho ĐTC, mà lớn hơn là chính sách phát triển, bồi dưỡng nguồn thu về lâu dài, hiệu quả kinh tế thu được từ các kế hoạch đầu tư công đó. Vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế vùng, vừa thực hiện được nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội của nhà nước, vừa đảm bảo duy trì nền tài chính có tiềm lực mạnh, công khai, minh bạch, được hạch toán, được kiểm tra, kiểm soát.
Sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả quản lý ĐTC nằm ở vấn đề cực kỳ quan trọng là việc quản trị các công trình này phải hiệu quả và tránh lãng phí: cụ thể như phải được phê duyệt, quyết định trên cơ sở xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối các nguồn vốn, đồng thời, đảm bảo bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện và tiến độ hoàn thành quy định trong kế hoạch ĐTC trung hạn. Cần đảm bảo bố trí đủ vốn theo tiến độ được phê duyệt ngay trong năm đầu thực hiện dự án và có tính tới những năm tiếp theo trong kế hoạch đầu tư trung hạn. Việc sử dụng vốn ĐTC còn chưa hiệu quả mang tính dàn trải sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư khi thời gian hoàn thành các công trình kéo dài hơn dự kiến. Điều này gây lãng phí nguồn lực, đặc biệt trong bối cảnh năng lực quản trị các dự án ĐTC ở cấp địa phương tại Việt Nam chưa được cải thiện nhiều.
Chất lượng quản lý công có tác động đến tăng trưởng kinh tế, quản lý tốt làm tăng mức độ ảnh hưởng của vốn ĐTC đến tăng trưởng, trong khi quản lý kém sẽ làm yếu đi mối quan hệ này hoặc làm thay đổi chiều ảnh hưởng. Bên cạnh tác dụng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động… thì ĐTC còn là động lực rất quan trọng trong phát triển kinh tế thể hiện việc dẫn dắt và lan tỏa đối với nền kinh tế. Do đó, có thể nói giữa ĐTC, quản trị hiệu quả ĐTC và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ qua lại, cộng hưởng lẫn nhau trong việc phát triển kinh tế của địa phương.