Thứ nhất, về cơ chế, chính sách quản lý về ĐTC.
Mục tiêu chủ yếu của các chương trình, dự án ĐTC là hướng tới mục tiêu chung của toàn xã hội, nhằm cải thiện đời sống người dân, nâng cao trình độ dân trí, tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng GDP, tăng thu nhập cho người dân. Vì thế, xây dựng một hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ĐTC chặt chẽ, hoàn chỉnh, công khai và minh bạch là một yêu cầu quan trọng để đảm bảo cho hoạt động ĐTC được thực hiện một cách hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý các dự án đầu tư công, giảm bớt tình trạng lãng phí, tham nhũng (North, 1990; Pham Thị Tuý, 2014).
Thứ hai, công tác quy hoạch, kế hoạch hóa ĐTC.
Nghiên cứu về quy hoạch và kế hoạch hoá ĐTC không chỉ là một trong những căn cứ phát hiện cơ hội đầu tư, mà còn có ý nghĩa quan trọng quyết định đến chất lượng và hiệu quả của dự án đầu tư. Những định hướng này đảm bảo các dự án được lựa chọn trên phương diện ưu tiên phát triển KTXH. Về nguyên tắc, trong quản lý ĐTC, công tác quy hoạch cần đi trước một bước làm cơ sở cho công tác lập dự án. Công tác quy hoạch không tốt là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến khâu lập dự án yếu, khi triển khai sẽ thoát ly khỏi quy hoạch ban đầu. Dẫn đến những dự án phải thay đổi kế hoạch trong quá trình triển khai thực hiện, gây tổn thất, lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp (Nguyễn Bạch Nguyệt và Từ Quang Phương, 2007).
Thứ ba, bố trí, phân bổ vốn đầu tư.
Theo QĐ 40/2015/QĐ-TTg về việc ban hành các tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016–2020, tầm quan trọng của việc bố trí, phân bổ vốn đầu tư ảnh hưởng đến hiệu quả ĐTC trong tất cả các lĩnh vực. Nếu đầu tư dàn trải hàng loạt không kiểm soát được nguồn tài chính; xét trong dài hạn, nếu các dự án này sử dụng nguồn vốn nhà nước từ các khoản vay nợ nước ngoài sẽ tạo ra rủi ro, khi triển khai sẽ kéo dài tiến độ, phát sinh chi phí và còn ảnh hưởng đến thanh khoản tài chính của Chính phủ (Vũ Thành Tự Anh, 2012).
Quản lý và giám sát ĐTC gồm hai nhân tố quan trọng đó là năng lực, trình độ quản lý của các cơ quan, cán bộ làm công tác quản lý ĐTC và công tác kiểm tra, giám sát ĐTC. Cán bộ không có năng lực, trình độ quản lý yếu kém, phẩm chất đạo đức không tốt làm cho các dự án khi triển khai không đảm bảo chất lượng, từ đó làm giảm hiệu quả đầu tư. Vì thế, việc nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức của các cán bộ quản lý là vấn đề thiết yếu mang tính liên tục. Kiểm tra, giám sát là hoạt động thường xuyên không thể thiếu của quy trình đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng. Trong quá trình kiểm tra giám sát, nếu phát hiện sai phạm có thể xử lý, điều chỉnh các sai phạm kịp thời, góp phần ngăn chặn tình trạng lãng phí, tham nhũng, đảm bảo dự án ĐTC được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đi đúng kế hoạch, định hướng chiến lược của chính phủ, giảm thiểu các tổn thất lớn cho nền kinh tế và xã hội (Vũ Thành Tự Anh, 2012; Quyết định 40/2015/QĐ-TTg).
Thứ năm, sự công khai, minh bạch hoạt động các dự án đầu tư
Công khai, minh bạch trong hoạt động của các dự án đầu tư sẽ góp phần hạn chế tình trạng tham nhũng tại các dự án ĐTC, ngăn chặn ý tưởng, tư duy xấu của các cán bộ quản lý muốn trục lợi riêng cho cá nhân, tạo điều kiện và thu hút các chủ thể khác tham gia vào dự án. Nội dung công khai bao gồm cơ chế, chính sách, quy định về hoạt động quản lý trong ĐTC, phân bổ nguồn vốn, báo cáo tiến độ thực hiện dự án, đánh giá hiệu quả trong từng quá trình triển khai (Vũ Thành Tự Anh, 2012; Quyết định 40/2015/QĐ-TTg).