Để hiểu rõ về cán cân thương mại ta cần tìm hiểu sơ qua về cán cân thanh toán quốc tế. Cán cân thanh toán quốc tế (The Balance of Payments - BOP hay BP) là một bản báo cáo thống kê tổng hợp có hệ thống, ghi chép lại giá trị tất cả các giao dịch kinh tế giữa người cư trú với người không cư trú trong một thời kỳ nhất định, thường là 1 năm. Xét từ góc độ quốc gia, tất cả người trên thế giới được chia thành hai nhóm, đó là người cư trú và người không cư trú. Người cư trú và người không cư trú bao gồm: các cá nhân, các hộ gia đình, các công ty,
các nhà chức trách và các tổ chức quốc tế. Để trở thành người cư trú của một quốc gia cần hội đủ hai tiêu chí:
- Thời hạn cư trú từ 12 tháng trở lên.
- Có nguồn thu nhập từ quốc gia cư trú.
Những người không hội đủ đồng thời hai tiêu chí nêu trên đều trở thành người không cư trú. Cán cân thanh toán quốc tế bao gồm các cán cân bộ phận sau: cán cân vãng lai (Current Account - CA), cán cân vốn (Capital Balance - K), cán cân cơ bản (Basic Balance - BB), cán cân tổng thể (Overall Balance - OB), cán cân bù đắp chính thức (Official Finacing balance - OFB), nhầm lẫn và sai sót (OM).
Cán cân thương mại là một mục trong cán cân vãng lai. Cán cân thương mại còn được gọi là cán cân hữu hình (visible), bởi vì nó phản ánh chênh lệch giữa các khoản thu từ xuất khẩu và các khoản chi cho nhập khẩu hàng hóa, mà các hàng hóa này lại có thể quan sát bằng mắt thường khi di chuyển qua biên giới. Xuất khẩu làm phát sinh khoản thu nên được ghi có (+) trong BP; và nhập khẩu làm phát sinh khoản chi nên được ghi nợ (-) trong BP. Khi thu nhập từ xuất khẩu lớn hơn chi cho nhập khẩu hàng hóa, thì cán cân thương mại thặng dư hay xuất siêu. Ngược lại, khi thu nhập từ xuất khẩu thấp hơn chi cho nhập khẩu hàng hóa, thì cán cân thương mại thâm hụt hay nhập siêu.