duy trì ngang giá sức mua so với rổ tiền
Hiện nay, mỗi biến động của nền kinh tế thế giới đều có ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả của nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh hậu khủng hoảng tài chính thế giới, một loạt các nước Châu Âu đang rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách đáng báo động, phải thắt chặt chi tiêu; còn trong nước lạm phát đang là một vấn đề lớn. Đối với một sự biến động tăng hay giảm mặt bằng giá cả trên thị trường nội địa không hẳn là cơ sở cho một kết luận rằng đó là một sự giảm giá hay lên giá của đồng tiền nếu như sự thay đổi giá này là kết quả tất yếu của sự biến động giá thế giới.
Việt Nam là nước đang phát triển, Đồng Việt Nam hiện nay vẫn là đồng tiền yếu, không chuyển đổi tự do được trên thị trường quốc tế. Một chính sách được xem là ít rủi ro và dễ điều hành đối với các nước đang phát triển là chính sách neo tỷ giá đồng nội tệ vào một đồng tiền mạnh khác và Việt Nam chúng ta cũng vậy, khi đó đồng USD là một lựa chọn. Thực tế là, như đã phân tích ở chương 2, giá trị thực của VND không chỉ dựa vào tương quan sức mua với USD, đây là một thiếu sót; giá trị thực của VND phải nằm trong mối tương quan với các đồng tiền khác của các quốc gia có quan hệ thương mại với Việt Nam.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ sau suy thoái vẫn chứa đựng những bất ổn khó lường, giá trị đồng USD có những biến động trên thị trường tiền tệ quốc tế. Do đó, chính sách neo tỷ giá VND vào USD cần phải thay đổi và điều chỉnh dần nhằm đáp ứng ngang giá sức mua của VND trong mối tương quan sức mua với các đồng tiền của các đối tác thương mại chủ yếu, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, thiết nghĩ cần phải thực hiện ba nội dung sau:
Thứ nhất, thực hiện chính sách neo Đồng Việt Nam vào một rổ ngoại tệ
Từ kết quả phân tích ở chương 2, khi đánh giá tác động tỷ giá lên cán cân thương mại cho thấy, tỷ giá thực đa phương phản ánh trạng thái cán cân thương mại tốt hơn tỷ giá thực song phương USD/VND. Do đó, nhằm ổn định giá trị nội tê, duy trì ngang giá sức mua với rổ tiền, cần phải thực hiện hai vấn đề sau:
- Chọn rổ tiền tệ phù hợp nhất trong từng giai đoạn. Theo quan điểm chủ quan, rổ tiền tệ phải bao gồm những yếu tố như: là những đồng tiền có khả năng chuyển đổi trên thị trường quốc tế hoăc khu vực thương mại nào đó (thường là các ngoại tệ mạnh), đồng thời là đồng tiền của các đối tác có tỷ trọng thương mại khá lớn với Việt Nam cũng nên được lựa chọn.
Hiện nay, đồng USD vẫn là đồng tiền có vai trò chủ yếu trên thị trường tiền tệ Việt Nam và hiện tại vẫn chưa có đồng tiền nào đủ mạnh có thể thay thế vị trí đồng USD, khi công bố tỷ giá bình quân liên ngân hàng, NHNN vẫn chọn tỷ giá USD/VND để niêm yết hàng ngày.
Tuy nhiên từ phân tích ở chương 2, hiện nay Việt Nam có quan hệ ngoại thương với nhiều nước nên NHNN có thể lựa chọn một số ngoại tệ như USD, JPY, EUR, GBP, CNY, AUD, KRW để đưa vào tính toán chỉ số tỷ giá. Nếu làm được việc này, dù ban đầu chỉ là công bố mang tính chất tham khảo định hướng cho thị trường, điều đó cũng sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế nhất là đối với hoạt động xuất nhập khẩu.
- NHNN có những chính sách khuyến khích, kích thích sử dụng các loại ngoại tệ khác bên cạnh đồng USD trong thương mại quốc tế cũng như trong hoạt
động dự trữ ngoại hối của NHNN, qua đó từng bước đa dạng hóa ngoại tệ trong thanh toán quốc tế, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào đồng USD như hiện nay. Chúng ta chưa thể thả nổi hoàn toàn tỷ giá USD/VND trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay đó là một thực tế. Tuy nhiên, nên thả nổi hoàn toàn tỷ giá giữa VND với các ngoại tệ mạnh khác, sự biến động hoàn toàn theo thị trường như vậy sẽ là một tín hiệu tốt cho NHNN phân tích để có những quyết định tối ưu trong chính sách tỷ giá thả nổi có điều tiết hiện nay; đồng thời các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện nay có cơ sở định hướng, phân tích nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh từ đó giúp mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn trong kinh doanh thương mại quốc tế như việc lựa chọn mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp; lựa chọn thị trường tiêu thụ cũng như thời điểm chi trả, giúp cải thiện cán cân thương mại.
Như vậy, để Đồng Việt Nam đáp ứng ngang giá sức mua so với rổ tiền, việc tính toán chỉ số tỷ giá thực trong mối tương quan với rổ tiền là điều tất yếu và nó phản ánh tối ưu nhất quan hệ thương mại nước ta so với các đối tác thương mại, qua đó nâng cao sức cạnh tranh trong thương mại quốc tế của quốc gia.
Thứ hai, sử dụng tỷ giá thực đa phương khi đánh giá giá trị đồng nội tệ
Thực tế hiện nay, NHNN vẫn công bố tỷ giá danh nghĩa song phương USD/VND và tỷ giá này vẫn tác động lớn đến tâm lý của các chủ thể kinh tế nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Đồng thời, từ quá trình tìm hiểu ở chương 1 và phân tích ở chương 2 cho thấy, tỷ giá thực song phương USD/VND chỉ có tác động lên cán cân thương mại giữa hai quốc gia Việt Nam và Mỹ, do đó sử dụng tỷ giá thực song phương để đánh giá cũng chưa đầy đủ ý nghĩa trong thương mại quốc tế.
Trong khi đó, tỷ giá thực đa phương REER(VND) có ý nghĩa hơn nhiều vì tỷ giá này chính là thước đo tổng hợp vị thế cạnh tranh thương mại của Việt Nam so với các nước bạn hàng.
Từ những lý do đó, để đo lường giá trị thực của VND cần phải dùng tỷ giá thực đa phương thì mang lại ý nghĩa kinh tế hơn nhiều. Sau khi chọn và tính toán
tỷ giá thực đa phương REER, đó sẽ là cơ sở để đánh giá đồng nội tệ hiện đang bị định giá thực như thế nào so với rổ tiền, căn cứ vào tỷ giá này NHNN có thể điều chỉnh tỷ giá theo định hướng chính sách trong ngắn hạn và đạt mục tiêu ngang giá sức mua trong dài hạn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để NHNN dùng làm cơ sở trong điều hành chính sách tỷ giá có lợi cho nền kinh tế, trong đó hoạt động xuất nhập khẩu là nhân tố ảnh hưởng đầu tiên.
Chọn tỷ giá thực đa phương trong định giá nội tệ là cần thiết, tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, trong quá trình thực hiện cần tính toán phân tích thật kỹ càng để có kết quả tối ưu nhất, vì là khi tính toán REER nếu lấy các biến số theo cách khác nhau thì sẽ cho kết quả khác nhau, cụ thể:
Nếu chọn năm gốc khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau.
Sự khác nhau của số lượng các đối tác thương mại sẽ cho trọng số thương mại khác nhau làm REER thay đổi trong mỗi cách tính.
Việc lựa chọn chỉ số giá khác nhau cũng cho kết quả tính REER khác nhau.
Bên cạnh đó, nguồn dữ liệu lựa chọn và cách chọn rổ tiền cũng ảnh hưởng đến REER.
Thực ra, một số hạn chế trên có thể khắc phục đến mức tối ưu nếu có nguồn nhân lực tốt cùng với sự minh bạch của thị trường và sự hỗ trợ của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, hạn chế trên là nhỏ khi so với ý nghĩa của tỷ giá thực đa phương trong việc sử dụng nó để làm cơ sở đánh giá, điều hành chính sách tỷ giá nhằm mục tiêu ổn định giá trị đồng nội tệ, đáp ứng ngang giá sức mua so với rổ tiền, tác động tích cực lên sức cạnh tranh thương mại quốc gia.
Thứ ba, điều chỉnh tỷ giá theo hướng linh hoạt
Có thể khẳng định rằng sự thiếu ổn định của chính sách tỷ giá sẽ gây nên nhiều vấn đề nghiêm trọng cho nền kinh tế, trong ngắn hạn và kể cả trung hạn, nước ta chưa thể chọn cơ chế thả nổi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu theo đuổi cơ chế tỷ giá theo hướng kém linh hoạt chúng ta sẽ đối mặt với nhiều rủi ro khi thị
trường biến động bất thường. Vì vậy, xác định điều hành theo hướng tăng khả năng linh hoạt là tất yếu.
Hiện nay, NHNN đang điều hành tỷ giá theo hướng thả nổi có điều tiết. Theo đó, tỷ giá chính thức hình thành trên thị trường liên ngân hàng, NHNN quy định thêm biên độ dao động tỷ giá, căn cứ vào đó hoạt động kinh doanh của các NHTM không được phép vượt quá biên độ cho phép. Điều này giúp NHNN thực hiện được mục đích khống chế sự biến động bất thường của tỷ giá ảnh hưởng đến kinh tế, tuy nhiên điều này dẫn đến tỷ giá ít phản ánh đúng quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường từ đó có thể cản trở hoạt động kinh doanh của các NHTM, các tổ chức kinh tế. Do hiện nay, điều hành tỷ giá thả nổi có điều tiết vẫn là lựa chọn hàng đầu đối với nước ta, nhưng NHNN cần nới rộng biên độ dao động tỷ giá hơn nữa nhằm giúp tỷ giá phản ánh chính xác hơn quan hệ cung cầu trên thị trường ngoại hối, qua đó giúp cho các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến xuất nhập khẩu chủ động hơn trong kinh doanh, gián tiếp giải quyết chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và thị trường tự do.
Nới rộng biên độ dao động tỷ giá trong thời gian tới để tạo điều kiện cho các NHTM tăng tính chủ động và linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ gắn với thị trường hơn, kích thích thị trường ngoại hối phát triển, từ đó thúc đẩy hiệu quả tác động của các chính sách tiền tệ, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu phát triển hơn nữa.
NHNN nên đưa ra các quy định chuẩn mực trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ và phải công khai thông tin trên thị trường. Chính sách tỷ giá nhằm mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa đồng thời cung cấp môi trường ổn định cho phát triển kinh tế.
Căn cứ vào phân tích tỷ giá thực ở chương 2 cho thấy, chỉ số tỷ giá thực đa phương những năm 2008, 2009, 2011 nhỏ hơn 100; VND đang bị định giá thực cao. Và theo dự báo thì trong 2 năm tới tỷ giá này vẫn trong tình trạng tương tự. Nếu thực tế đúng như vậy thì sẽ tác động không tốt đến cán cân thương mại nước ta trong thời gian tới.
Thứ tư, hiện nay không nên tiến hành phá giá mạnh đồng nội tệ
Trong bối cảnh hiện tại, không nên phá giá mạnh đồng nội tệ vì những lý do sau đây:
Mặc dù phá giá đồng nội tệ sẽ làm cho hàng của chúng ta rẻ một cách tương đối so với hàng ngoại, nghĩa là làm cho nền kinh tế có sức cạnh tranh hơn, khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Song tác động này khá hạn chế trong điều kiện hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết xuất khẩu của chúng ta đều là các sản phẩm. Sản lượng của các sản phẩm này lệ thuộc khá nhiều vào các điều kiện tự nhiên nên ít co giãn về nguồn cung ứng khi có sự thay đổi giá cả tương đối, đặc biệt trong ngắn hạn.
Hơn nữa, tỷ trọng nhập khẩu trong sản phẩm xuất khẩu nói trên cũng khá cao. Trong khi đó sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến thường được coi là nhạy cảm hơn với sự biến động của giá cả tương đối thì một số sản phẩm có kim ngạch khá như hàng may mặc, giày dép lại phụ thuộc nặng nề vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, còn các sản phẩm chế biến khác lại chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nên ít khai thác được lợi thế từ phá giá.
Về phía nhập khẩu, phần lớn hàng nhập khẩu của chúng ta là máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu và phụ tùng mà sản xuất trong nước chưa thể đáp ứng được và do vậy, cũng ít nhạy cảm với những biến động của tỷ giá hối đoái. Thực tế cho thấy lạm phát thường đi kèm với chính sách phá giá do sự gia tăng giá cả của máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu và các sản phẩm trung gian nhập khẩu khác. Trong bối cảnh đó, hiệu quả của phá giá danh nghĩa đối với cải thiện khả năng cạnh tranh quốc tế của hàng Việt Nam sẽ bị hạn chế.
Một thực tế dễ nhận thấy là Việt Nam luôn ở trạng thái nhập siêu như đã phân tích ở phần 2.1; 2.2. Một trong những đối tác có thặng dư thương mại lớn với nước ta là Trung Quốc. Hiện nay, hàng hóa giá rẻ từ nước láng giềng Trung Quốc nhập vào Việt Nam khá lớn, cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa nội địa, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Hiện nay, việc tăng xuất khẩu của Việt Nam còn bị hạn chế rất nhiều bởi trình độ tiếp thị hạn chế, chất lượng hàng hóa còn thấp, chưa có danh tiếng trên thị trường quốc tế và với tư cách là nước đi sau, các doanh nghiệp Việt Nam không dễ dàng chen chân vào các thị trường mà các nhà cung cấp có truyền thống lâu đời trên thế giới đang kiểm soát.
Bên cạnh đó, phá giá tiền tệ có thể gây thiệt hại về kinh tế cho các hoạt động sản xuất kinh doanh có liên quan đến vay tiền bằng ngoại tệ. Các khoản nợ nước ngoài tính bằng đồng nội tệ sẽ tự động tăng theo tỷ giá hối đoái. Chính phủ và các doanh nghiệp có các khoản vay ngoại tệ sẽ phải dành một phần lớn hơn trong thu nhập để thanh toán các khoản nợ nước ngoài và kết quả là tình hình tài chính của họ thêm căng thẳng.
Với quan điểm chính sách tỷ giá phải đảm bảo Đồng Việt Nam không được định giá thực cao cũng không được định giá thực thấp mà nhất thiết phải hướng đến để tiệm cận và đạt ngang giá sức mua so với rổ tiền và cùng với thực tế hiện nay cho thấy rằng Việt Nam không nên phá giá mạnh đồng nội tệ.