Xuất phát từ những tiêu chí và mục tiêu đã đề ra để xây dựng thị trường ngoại hối Việt Nam nói chung và hoàn thiện chính sách tỷ giá phù hợp với xuất nhập khẩu nói riêng thì việc định hướng cho chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam trong thời gian tới, cần quan tân đến các vấn đề sau:
Về mục tiêu của chính sách tỷ giá hối đoái
Mục tiêu của chính sách tỷ giá hối đoái không chỉ được đặt ra trong ngắn hạn, mà còn phải được đặt ra trong dài hạn. Nên thống nhất quan niệm rằng, tỷ giá hối đoái là một công cụ của chính sách tiền tệ, nên mục tiêu của chính sách tỷ giá hối đoái cũng chính là việc hướng tới các mục tiêu của chính sách tiền tệ. Vì vậy, mục tiêu của tỷ giá hối đoái là vì ổn định sức mua đối nội và đối ngoại của đồng tiền quốc gia, và vì sự ổn định giá cả hàng hóa - dịch vụ trên thị trường.
Về nguyên tắc vận hành chính sách tỷ giá hối đoái
Với điều kiện hiện tại về kinh tế - xã hội của Việt Nam thì việc thực hiện một cơ chế tỷ giá linh hoạt có sự kiểm soát của Nhà nước là phù hợp. Cơ chế này có thể còn kéo dài trong một thời gian nữa khi Việt Nam thực sự có một tiềm lực kinh tế mạnh, có một lượng dự trữ ngoại hối đủ lớn để có thể can thiệp vào thị trường khi cần thiết nhằm ổn định sức mua của đồng tiền quốc gia, ổn định được giá cả hàng hóa - dịch vụ trên thị trường. Như vậy, một cơ chế tỷ giá hối đoái phù hợp là một cơ chế phản ánh được các mối quan hệ đặc biệt giữa tỷ giá hối
đoái với lãi suất, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ lạm phát tiền tệ trong từng thời kỳ khác nhau. Trong đó, chính sách lãi suất được xem như là cơ sở quan trọng nhất để hoạch định chính sách tỷ giá.
Trong những trường hợp thật cần thiết, Nhà nước có thể thực hiện phá giá “nhẹ” đồng tiền của mình nhưng chỉ trong giới hạn được tính toán kỹ. Vì mỗi lần phá giá tiền tệ chính là chấp nhận tăng thêm mức độ lạm pháp tiền tệ, chấp nhận sức mua của đồng tiền bị mất giá. Trong tình huống như vậy, việc tính toán cân đối Ngân sách quốc gia nhằm bù đắp thiệt hại do phá giá tiền tệ đem đến cho các thành viên trong xã hội cần được thực hiện một cách chính xác, thận trọng. Để có thể có được quyết định chính xác việc phá giá nhẹ đồng tiền, việc xác định tỷ lệ phá giá trong quan hệ với lạm phát tiền tệ và tăng trưởng kinh tế cần được đặt ra và xem xét một cách khoa học. Thực hiện việc phá giá tiền tệ cần được xem là một bài toán kinh tế mà đáp số cuối cùng phải là kinh tế tiếp tục được tăng trưởng một cách bền vững. Do vậy, quan hệ giữa phá giá tiền tệ, lạm phát tiền tệ, với tăng trưởng kinh tế sau khi thực hiện việc phá giá tiền tệ sẽ là:
% phá giá tiền tệ < % lạm phát tiền tệ < % tăng trưởng kinh tế 3.2.2. Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta thời kỳ 2011 - 2020
Theo quyết định số 2471/QĐ-TTg do Thủ Tướng ban hành ngày 28/12/2011 về Quyết định chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến 2030 có một số điểm chính sau:
Định hướng xuất khẩu
Định hướng chung
- Phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu.
- Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu một cách hợp lý theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung nâng nhanh tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm thân thiện với môi trường trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.
Định hướng phát triển ngành hàng
- Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản (là nhóm hàng có lợi thế về tài nguyên nhưng bị giới hạn nguồn cung): có lộ trình giảm dần xuất khẩu khoáng sản thô; đầu tư công nghệ để tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng các cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị xuất khẩu. Định hướng tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 11,2% năm 2010 xuống còn 4,4% vào năm 2020.
- Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản (là nhóm hàng có lợi thế và năng lực cạnh tranh dài hạn nhưng giá trị gia tăng còn thấp): Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển sản phẩm xuất khẩu có ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Định hướng tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 21,2% năm 2010 xuống còn 13,5% vào năm 2020.
- Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo (là nhóm hàng có tiềm năng phát triển và thị trường thế giới có nhu cầu): Phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ giá trị trong nước, giảm phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Định hướng tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 40,1% năm 2010 tăng lên 62,9% vào năm 2020.
- Nhóm hàng mới (nằm trong nhóm hàng hóa khác): Rà soát các mặt hàng mới có kim ngạch hiện nay còn thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao trong thời gian tới để có các chính sách khuyến khích phát triển, tạo sự đột phá trong xuất khẩu. Định hướng tỷ trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 12% năm 2010 tăng lên 19,2% vào năm 2020.
Định hướng phát triển thị trường
- Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng.
- Phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế, khu vực và tăng cường hoạt động ngoại giao kinh tế để mở rộng thị trường xuất khẩu; phát triển hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại tại các khu vực thị trường lớn và tiềm năng; tăng cường bảo vệ hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới.
- Tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường của nước ngoài và lộ trình cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.
- Tổ chức xây dựng và từng bước phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam tại thị trường nước ngoài.
Định hướng nhập khẩu
- Chủ động điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa, đồng thời phát triển sản xuất nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ các ngành hàng xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu trong nước và phát triển công nghiệp hỗ trợ, kiểm soát chặt việc nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu trong dài hạn.
- Đáp ứng yêu cầu nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị và công nghệ cao phù hợp với nguồn lực, trình độ sản xuất trong nước và tiết kiệm năng lượng, vật tư; định hướng nhập khẩu ổn định cho các ngành sản xuất sử dụng các nguyên, nhiên, vật liệu mà khai thác, sản xuất trong nước kém hiệu quả hoặc có tác động xấu đến môi trường.
- Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, cải thiện thâm hụt thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu.
3.3. Giải pháp tỷ giá nhằm cải thiện cán cân thương mại Việt Nam trongthời gian tới thời gian tới
3.3.1. Về lựa chọn và hoàn thiện cơ chế tỷ giá
Tỷ giá hối đoái là một trong rất nhiều biến số kinh tế, biến động tỷ giá ảnh hưởng không những đến cán cân thương mại mà đến nhiều chỉ tiêu kinh tế khác.
Do đó, chính sách tỷ giá cần đặt trong mối quan hệ tổng thể của nền kinh tế. Việc phối hợp đồng bộ các chính sách tỷ giá, chính sách giá cả, tiền tệ, tài khóa là hết sức cần thiết, phân tích dự báo để điều chỉnh định hướng phù hợp cả trong ngắn hạn và dài hạn trước những thay đổi của nền kinh tế trong nước và thế giới.
Hiện nay ở Việt Nam đang có hai quan điểm khác nhau về lựa chọn chế độ tỷ giá. Một quan điểm cho rằng nên thực hiện chính sách cố định tỷ giá. Bởi vì chỉ có cố định tỷ giá mới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định được chi phí sản xuất, giảm tính bất định trong các giao dịch quốc tế. Điều này có tác dụng khuyến khích sản xuất và thương mại quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, kiềm chế được lạm phát và tạo đà cho tăng trưởng kinh tế.
Quan điểm ngược lại cho rằng, cần phải thả nổi tỷ giá, do chế độ này có ưu điểm là tỷ giá luôn gắn với quan hệ cung cầu và thích hợp với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Tuy nhiên, trong điều kiện mở cửa và hội nhập kinh tế của Việt Nam ngày nay, việc theo đuổi chế độ tỷ giá cố định, thoát ly sự nhạy bén của thị trường sẽ dẫn đến những vấn đề sau:
- Nếu tỷ lệ lạm phát trong nước cao hơn thế giới, Việt Nam sẽ mất dần khả năng cạnh tranh trên các thị trường quốc tế, gây tổn thất cho cán cân thanh toán quốc tế và ảnh hưởng xấu đến sản xuất trong nước.
- Để bảo vệ tỷ giá cố định, Chính phủ thường phải sử dụng các công cụ hạn chế nhập khẩu như thuế quan, hạn ngạch..., hạn chế các luồng vốn luân chuyển quốc tế nhằm kiềm chế thâm hụt cán cân thanh toán. Điều này sẽ mâu thuẫn với yêu cầu của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Mặc dù chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi phù hợp với xu thế toàn cầu hóa kinh tế, nhưng đối với Việt Nam, một quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi, tuy đã đạt được một số thành tựu nhất định về cải cách tài chính tiền tệ, nhưng nhìn chung vẫn chưa theo kịp sự phát triển kinh tế: việc hình thành và thực hiện các công cụ chính sách vẫn còn thô sơ; hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trong quá trình đổi mới còn nhiều yếu kém; thị trường ngoại hối đang còn trong giai
đoạn đầu phát triển, dự trữ ngoại tệ của NHNN còn thấp; các nhà sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn còn chưa quen với phương thức quản trị các nguồn ngoại tệ theo cơ chế thị trường nên dễ bị tổn thương khi tỷ giá hối đoái thả nổi thường xuyên biến động. Tất cả những điều này chứng tỏ rằng, sẽ là còn quá sớm để Việt Nam lựa chọn chế độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn.
Với thực trạng của Việt Nam hiện nay: thị trường ngoại hối còn thô sơ, thiếu các hoạt động giao dịch mua bán, trao đổi tiền tệ chính thức và chuyên nghiệp thì vai trò của Chính phủ trong việc can thiệp vào thị trường ngoại hối là tất yếu, tránh việc thao túng của thị trường không chính thức, làm tỷ giá biến động mạnh. Điều quan trọng là để chính sách tỷ giá có thể hỗ trợ mục tiêu duy trì khả năng cạnh tranh của hàng hóa, hay bất cứ mục tiêu nào khác, Chính phủ nên theo đuổi cơ chế tỷ giá nào là thích hợp và làm cách nào để xây dựng một môi trường thuận lợi để tỷ giá vận động theo các quy luật kinh tế để nó có thể phản ánh các tín hiệu của thị trường.
Cơ chế tỷ giá mà Việt Nam lựa chọn từ sau những năm đổi mới là cơ chế tỷ giá thả nổi có điều tiết. Đây là cơ chế hoàn toàn phù hợp với một đất nước đang phát triển như Việt Nam; bởi vì nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang theo đuổi luôn chứa đựng những nguy cơ khủng hoảng, thị trường tự điều tiết theo các quy luật cung cầu, quy luật giá trị... giúp nền kinh đạt hiệu quả cao nhưng nếu không có sự kiểm tra giám sát của Chính phủ, thì thị trường có thể phát triển quá đà theo hướng tiêu cực và có nguy cơ xảy ra khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua diễn ra cho thấy sự phát triển thiếu kiểm soát đã gây ra những hậu quả quá lớn. Và trên thực tế, qua cuộc khủng hoảng này, nước Mỹ, một quốc gia theo đuổi chính sách thả nổi tỷ giá cũng đang có những xem xét lại về cơ chế tỷ giá của mình theo hướng tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước.
Tuy nhiên, một sự can thiệp quá mức của Chính phủ có thể gây hại cho các chức năng hiệu quả của thị trường.
Vì vậy, một cơ chế phù hợp với nước ta là sự kết hợp của cả hai yếu tố: thị trường và Chính phủ. Chính phủ can thiệp vào thị trường nhằm điều chỉnh các lệch lạc, mặt trái của thị trường, định hướng cho nó phát triển trong ổn định để giảm thiểu nguy cơ xảy ra khủng hoảng. Vấn đề cần nghiên cứu là giữa thả nổi và can thiệp cái nào cần chiếm ưu thế hơn và thực trạng kinh tế Việt Nam hiện nay thì nên tăng tỷ trọng của cái nào.
Phân tích biến động của tỷ giá hối đoái trong thời gian qua và những tác động của nó đến cán cân thương mại có thể thấy:
Đồng nội tệ bị Chính phủ giữ ổn định quá lâu, trong khi lạm phát trong nước tăng cao hơn đã làm cho tiền đồng ngày càng bị định giá cao, mà cụ thể là trong giai đoạn năm 2008 - 2011, mức độ định giá thực cao VND có xu hướng ngày càng lớn, tỷ giá không phản ánh các quan điểm của thị trường. Nếu tiếp tục duy trì đồng tiền mạnh, đến một lúc nào đó, nó có thể bị tấn công bởi hoạt động đầu cơ. Thực tế cho thấy, cố định tỷ giá càng lâu nguy cơ rủi ro càng lớn khi xảy ra khủng hoảng. Tỷ giá vốn không được điều chỉnh theo thị trường nên khả năng phản ứng trước cơn khủng hoảng lan tràn kém, tình hình có thể trở nên không thể kiểm soát nổi. Thực tế về cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đem lại một bài học kinh nghiệm quý giá về việc cố định tỷ giá.
Tỷ giá mà NHNN công bố là tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Về lý thuyết, đây là đại lượng thả nổi trong cơ chế tỷ giá thả nổi có điều tiết; tuy nhiên phương pháp xác định tỷ giá của NHNN đang áp dụng chưa phản ánh được đầy đủ những diễn biến của thị trường ngoại hối vì doanh số giao dịch trên thị trường ngoại hối còn chiếm tỷ lệ nhỏ, chưa thể coi là đại diện cho cung cầu ngoại tệ trên thị trường.
Với mục tiêu khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, Chính phủ luôn hướng chính sách tỷ giá theo hướng bảo hộ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, dẫn đến các doanh nghiệp chưa có động lực phát triển đầy đủ, khả năng tự vệ còn yếu, bản lĩnh kinh doanh, kinh nghiệm thương trường quốc tế chưa nhiều. Các doanh nghiệp xuât khẩu Việt Nam đã từng bị kiện bán phá giá khi xuất khẩu
sang các thị trường phát triển và đã từng bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá rất cao. Nếu cứ tiếp tục điều hành tỷ giá với mục tiêu hỗ trợ rủi ro tỷ giá cho doanh nghiệp trong nước, các đối tác thương mại với Việt Nam có thể coi đó là một trong những bằng chứng để họ điều tra doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá. Quan trọng hơn, nhằm bảo vệ quyền lợi của hàng quốc nội, các nước nhập khẩu có thể sẽ lại tiếp tục dựng lên các hàng rào kỹ thuật như thuế chống bán phá giá,