ngoại hối phát triển
Thực tế là nền tài chính Việt Nam đang ở giai đoạn vừa phát triển vừa học hỏi nhằm điều chỉnh, do đó thị trường tài chính cần được phát triển với những bước đi thận trọng, hạn chế những sai lầm từ kinh nghiệm của các nước khác.
Thứ nhất, phát triển và hoàn thiện thị trường ngoại hối Việt Nam
Ở nước ta, thị trường ngoại hối vẫn chưa phát triển mạnh, thị trường này vẫn có sự liên kết chưa mật thiết với các thị trường khác. Yêu cầu đặt ra là thị trường ngoại hối phải được phát triển đồng bộ với thị trường tiền tệ liên ngân hàng, thị trường ngoại hối liên ngân hàng và tạo sự liên thông giữa các thị trường.
Quản lý tốt dự trữ ngoại hối, tăng tích lũy ngoại tệ: xây dựng chính sách phát triển xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Tiết kiệm chi ngoại tệ, chỉ nhập những hàng hóa cần thiết cho nhu cầu sản xuất và những mặt hàng thiết yếu
trong nước chưa sản xuất được. Ngoại tệ dự trữ khi đưa vào can thiệp trên thị trường phải có hiệu quả. Lựa chọn phương án phù hợp cho việc dự trữ cơ cấu ngoại tệ, cần đa dạng hóa ngoại tệ dự trữ để phòng tránh rủi ro khi USD bị mất giá.
Thúc đẩy các ngân hàng có kinh doanh ngoại tệ tham gia vào thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, củng cố và phát triển thị trường nội tệ liên ngân hàng với đầy đủ các nghiệp vụ hoạt động của nó, tạo điều kiện cho NHNN phối hợp, điều hòa giữa hai khu vực thị trường ngoại tệ và thị trường nội tệ một cách thông thoáng. Xây dựng các văn bản pháp lý, hệ thống kiểm tra giám sát nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường hoạt động hiệu quả, ổn định.
Thực hiện chính sách đa ngoại tệ, nên lựa chọn những ngoại tệ mạnh để thanh toán và dự trữ, trong đó ngoại tệ của những nước mà chúng ta có quan hệ thương mại lớn như: USD, EUR, JPY, CNY. Từ đó giúp chúng ta chủ động trong tình huống đồng USD biến động mạnh, nhất là trong tình hình kinh tế Mỹ và thế giới còn bất ổn như hiện nay.
Thứ hai, nghiên cứu thiết lập hệ thống giám sát tài chính hiệu quả
Hiện nay, nước ta đã có cơ quan giám sát tài chính quốc gia, tuy nhiên nên kết hợp giữa Nhà nước với nguồn nhân lực cộng tác từ các doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, kinh doanh xuất nhập khẩu nhằm xây dựng cơ chế quản lý tỷ giá theo hướng thiên về thả nổi để phản ánh tốt hơn những biến động của thị trường. Chính sách tỷ giá không chỉ tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu mà còn ảnh hưởng đến nhiều biến số kinh tế khác. Vì vậy, xây dựng hệ thống giám sát tài chính hiệu quả không chỉ tác động tích cực đến hoạt động ngoại thương mà còn tác động đến các lĩnh vực kinh tế khác. Do đó, hệ thống giám sát tài chính hiệu quả, thường xuyên giám sát các hoạt động trên thị trường tiền tệ, qua đó gợi ý chính sách cho NHNN là một kênh đóng vai trò lớn giúp điều hành chính sách tiền tệ nói chung và tỷ giá nói riêng hiệu quả.
NHNN vẫn nên tiếp tục thực hiện chức năng giám sát để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu chính sách tiền tệ, đảm bảo cho thị trường tài chính và cả hệ thống tài chính vận hành tốt, đạt hiệu quả cao.
Trong từng thời kỳ, cần xác định rõ mục tiêu, quy định nghĩa vụ trách nhiệm của từng bộ phận trong hệ thống giám sát tài chính, tăng cường tuyển chọn nguồn nhân lực có chất lượng cao, có trình độ lẫn đạo đức nghề nghiệp, do đây là lĩnh vực ảnh hướng lớn đến chính sách tỷ giá và cả chính sách tiền tệ, nguồn nhân lực tốt sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giám sát tài chính, giúp nền kinh tế ổn định, phát triển bền vững, tác động trở lại đến nền kinh tế trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu.
Thứ ba, phát triển thị trường các sản phẩm phái sinh ngoại hối
Công cụ phái sinh là một công cụ bắt nguồn từ một sản phẩm gốc đã có từ trước. Các công cụ phái sinh ngoại hối gồm: kỳ hạn tiền tệ, hoán đổi tiền tệ, hợp đồng tương lai tiền tệ, hợp đồng quyền chọn tiền tệ.
Hiện nay thị trường ngoại hối của Việt Nam có rất ít các công cụ để phòng ngừa rủi ro tỷ giá nên trong một chừng mực nào đó, Chính phủ đang phải áp dụng các biện pháp để bảo vệ rủi ro tỷ giá cho doanh nghiệp; ngược lại, doanh nghiệp khi được bảo hộ lại thường ít khi chú trọng đến vấn đề bảo vệ mình trước các biến động của tỷ giá. Đây cũng là một khó khăn cho Việt Nam trong thời gian tới, việc gia nhập vào các tổ chức quốc tế mở ra nhiều cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời các rào cản về chu chuyển vốn sẽ dần bị hạn chế và xóa bỏ; chính sách tỷ giá được điều hành theo hướng linh hoạt hơn cũng có nghĩa là những biến động của thị trường sẽ biến động mạnh hơn đến tỷ giá, và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng sẽ gặp nhiều rủi ro hơn trong thanh toán tiền hàng. Các công cụ phòng chống rủi ro tỷ giá ở Việt Nam còn rất hạn chế, yêu cầu đặt ra là phải đa dạng hóa các nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối để giúp các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn trong việc bảo hiểm rủi ro tỷ giá.
Công cụ phái sinh ngoại hối ra đời là để bảo hiểm rủi ro tỷ giá. Tỷ giá biến động theo một biên độ lớn và ngẫu nhiên, phản ánh quan hệ cung cầu về ngoại tệ trên thị trường là điều kiện tiên quyết cho việc sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro. Trên thị trường ngoại hối, bên cạnh việc phản ánh quan hệ cung cầu về ngoại tệ thì thị trường còn ẩn chứa các yếu tố đầu cơ và chênh lệch giá về ngoại tệ. Đây cũng là những yếu tố quan trọng trong việc làm cho tỷ giá hối đoái trên thị trường ngoại hối biến động một cách khó dự đoán. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp cũng như các NHTM luôn có mong muốn bảo hiểm rủi ro để chống lại những tổn thất có thể xảy ra đối với các dòng tiền ngoại tệ.
Hiện nay các sản phẩm như: quyền chọn ngoại tệ, hoán đổi, kỳ hạn,... do các ngân hàng thương mại cung cấp trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng. Vì dung lượng thị trường rất nhỏ bé, lại hoạt động phi tập trung không chuyên nghiệp, thiếu các cơ sở pháp lý và đặc biệt tỷ giá được kiểm soát quá chặt chẽ. nên nó hạn chế nhu cầu của khách hàng.
Chính phủ cần có các hoạt động tuyên truyền phổ biến các sản phẩm phái sinh ngoại hối cho doanh nghiệp, ngân hàng và các nhà đầu tư khác.
NHTM cần tiếp cận khách hàng, tổ chức hội thảo để giới thiệu và tư vấn nhằm mục đích vừa nâng cao nhận thức của khách hàng về rủi ro tỷ giá vừa giúp cho khách hàng hiểu biết về các công cụ phái sinh ngoại hối. Phát triển các công cụ phái sinh và thị trường phái sinh là giúp cho các doanh nghiệp có thêm cơ hội lựa chọn loại hình giao dịch hối đoái phù hợp với mục tiêu kinh doanh.
Tập trung ưu tiên đào tạo và bồi dưỡng cho các cán bộ trực tiếp kinh doanh trên thị trường hối đoái quốc tế về các công cụ phái sinh. Hợp tác với các ngân hàng nước ngoài có uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực này để học hỏi và phát triển tốt thị trường các sản phẩm phái sinh tiền tệ.
Thứ tư, thừa nhận thị trường ngoại hối không chính thức
Trong bối cảnh thị trường tiền tệ Việt Nam chưa phát triển đầy đủ, thị trường các sản phẩm phái sinh tiền tệ chậm phát triển, thiếu các công cụ kinh doanh tiền tệ, nền kinh tế chủ yếu sử dụng tiền mặt, tâm lý chuộng ngoại tệ trong
người dân còn lớn... do đó, hoạt động của thị trường ngoại hối không chính thức là một thực tế.
Việc mua bán USD ngoài thị trường không chính thức là vi phạm quy định của pháp luật và NHNN đã có các quyết định chấn chỉnh, sắp xếp lại hệ thống thu đổi ngoại tệ trên thị trường này, nhưng thực tế nó vẫn tồn tại, thậm chí biến động tỷ giá trên thị trường này còn được các nhà nghiên cứu xem xét để đánh giá các biến động của thị trường tiền tệ. Tuy lượng ngoại tệ giao dịch trên thị trường không chính thức có quy mô không lớn so với thị trường chính thức, tuy nhiên lại có tác động đến tâm lý trên thị trường.
Từ thực tế đó, hiện nay xóa bỏ thị trường này là không thể, chúng ta nên từng bước thừa nhận thị trường ngoại hối không chính thức, tuy nhiên cần tăng cường quản lý. Đây cũng là một kênh để NHNN tham khảo khi đưa ra những quyết định trong điều hành chính sách tỷ giá, tác động có lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Thứ năm, minh bạch hóa thông tin trên thị trường
Cung cấp thông tin nhanh chóng và chính xác, tạo điều kiện cho tất cả các nhà đầu tư đều được tiếp cận với nguồn thông tin đáng tin cậy mà những thông tin này có tác động và ảnh hưởng đến sự biến động của tỷ giá. Quá trình minh bạch này gắn liền với sự hình thành các công ty phân tích và dự báo tỷ giá chuyên cung cấp thông tin liên quan đến sự thay đổi của tiền tệ. Nhà nước cần công khai nhiều hơn nữa các số liệu thống kê vĩ mô trên các nguồn thông tin chính thức.
Minh bạch hóa thông tin sẽ giúp thị trường hoạt động hiệu quả hơn, hạn chế được các hành vi tung tin đồn ảnh hưởng xấu tới hoạt động kinh tế; hạn chế tâm lý hoang mang trong thị trường; hạn chế các hoạt động đầu cơ gây tác hại cho thị trường tiền tệ, đăc biệt tạo tâm lý an toàn, hoạt động có định hướng cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, trong đó có lĩnh vực ngoại thương.