Tỷ giá hối đoái là một trong rất nhiều biến số kinh tế, biến động tỷ giá ảnh hưởng không những đến cán cân thương mại mà đến nhiều chỉ tiêu kinh tế khác.
Do đó, chính sách tỷ giá cần đặt trong mối quan hệ tổng thể của nền kinh tế. Việc phối hợp đồng bộ các chính sách tỷ giá, chính sách giá cả, tiền tệ, tài khóa là hết sức cần thiết, phân tích dự báo để điều chỉnh định hướng phù hợp cả trong ngắn hạn và dài hạn trước những thay đổi của nền kinh tế trong nước và thế giới.
Hiện nay ở Việt Nam đang có hai quan điểm khác nhau về lựa chọn chế độ tỷ giá. Một quan điểm cho rằng nên thực hiện chính sách cố định tỷ giá. Bởi vì chỉ có cố định tỷ giá mới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định được chi phí sản xuất, giảm tính bất định trong các giao dịch quốc tế. Điều này có tác dụng khuyến khích sản xuất và thương mại quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, kiềm chế được lạm phát và tạo đà cho tăng trưởng kinh tế.
Quan điểm ngược lại cho rằng, cần phải thả nổi tỷ giá, do chế độ này có ưu điểm là tỷ giá luôn gắn với quan hệ cung cầu và thích hợp với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Tuy nhiên, trong điều kiện mở cửa và hội nhập kinh tế của Việt Nam ngày nay, việc theo đuổi chế độ tỷ giá cố định, thoát ly sự nhạy bén của thị trường sẽ dẫn đến những vấn đề sau:
- Nếu tỷ lệ lạm phát trong nước cao hơn thế giới, Việt Nam sẽ mất dần khả năng cạnh tranh trên các thị trường quốc tế, gây tổn thất cho cán cân thanh toán quốc tế và ảnh hưởng xấu đến sản xuất trong nước.
- Để bảo vệ tỷ giá cố định, Chính phủ thường phải sử dụng các công cụ hạn chế nhập khẩu như thuế quan, hạn ngạch..., hạn chế các luồng vốn luân chuyển quốc tế nhằm kiềm chế thâm hụt cán cân thanh toán. Điều này sẽ mâu thuẫn với yêu cầu của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Mặc dù chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi phù hợp với xu thế toàn cầu hóa kinh tế, nhưng đối với Việt Nam, một quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi, tuy đã đạt được một số thành tựu nhất định về cải cách tài chính tiền tệ, nhưng nhìn chung vẫn chưa theo kịp sự phát triển kinh tế: việc hình thành và thực hiện các công cụ chính sách vẫn còn thô sơ; hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trong quá trình đổi mới còn nhiều yếu kém; thị trường ngoại hối đang còn trong giai
đoạn đầu phát triển, dự trữ ngoại tệ của NHNN còn thấp; các nhà sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn còn chưa quen với phương thức quản trị các nguồn ngoại tệ theo cơ chế thị trường nên dễ bị tổn thương khi tỷ giá hối đoái thả nổi thường xuyên biến động. Tất cả những điều này chứng tỏ rằng, sẽ là còn quá sớm để Việt Nam lựa chọn chế độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn.
Với thực trạng của Việt Nam hiện nay: thị trường ngoại hối còn thô sơ, thiếu các hoạt động giao dịch mua bán, trao đổi tiền tệ chính thức và chuyên nghiệp thì vai trò của Chính phủ trong việc can thiệp vào thị trường ngoại hối là tất yếu, tránh việc thao túng của thị trường không chính thức, làm tỷ giá biến động mạnh. Điều quan trọng là để chính sách tỷ giá có thể hỗ trợ mục tiêu duy trì khả năng cạnh tranh của hàng hóa, hay bất cứ mục tiêu nào khác, Chính phủ nên theo đuổi cơ chế tỷ giá nào là thích hợp và làm cách nào để xây dựng một môi trường thuận lợi để tỷ giá vận động theo các quy luật kinh tế để nó có thể phản ánh các tín hiệu của thị trường.
Cơ chế tỷ giá mà Việt Nam lựa chọn từ sau những năm đổi mới là cơ chế tỷ giá thả nổi có điều tiết. Đây là cơ chế hoàn toàn phù hợp với một đất nước đang phát triển như Việt Nam; bởi vì nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang theo đuổi luôn chứa đựng những nguy cơ khủng hoảng, thị trường tự điều tiết theo các quy luật cung cầu, quy luật giá trị... giúp nền kinh đạt hiệu quả cao nhưng nếu không có sự kiểm tra giám sát của Chính phủ, thì thị trường có thể phát triển quá đà theo hướng tiêu cực và có nguy cơ xảy ra khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua diễn ra cho thấy sự phát triển thiếu kiểm soát đã gây ra những hậu quả quá lớn. Và trên thực tế, qua cuộc khủng hoảng này, nước Mỹ, một quốc gia theo đuổi chính sách thả nổi tỷ giá cũng đang có những xem xét lại về cơ chế tỷ giá của mình theo hướng tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước.
Tuy nhiên, một sự can thiệp quá mức của Chính phủ có thể gây hại cho các chức năng hiệu quả của thị trường.
Vì vậy, một cơ chế phù hợp với nước ta là sự kết hợp của cả hai yếu tố: thị trường và Chính phủ. Chính phủ can thiệp vào thị trường nhằm điều chỉnh các lệch lạc, mặt trái của thị trường, định hướng cho nó phát triển trong ổn định để giảm thiểu nguy cơ xảy ra khủng hoảng. Vấn đề cần nghiên cứu là giữa thả nổi và can thiệp cái nào cần chiếm ưu thế hơn và thực trạng kinh tế Việt Nam hiện nay thì nên tăng tỷ trọng của cái nào.
Phân tích biến động của tỷ giá hối đoái trong thời gian qua và những tác động của nó đến cán cân thương mại có thể thấy:
Đồng nội tệ bị Chính phủ giữ ổn định quá lâu, trong khi lạm phát trong nước tăng cao hơn đã làm cho tiền đồng ngày càng bị định giá cao, mà cụ thể là trong giai đoạn năm 2008 - 2011, mức độ định giá thực cao VND có xu hướng ngày càng lớn, tỷ giá không phản ánh các quan điểm của thị trường. Nếu tiếp tục duy trì đồng tiền mạnh, đến một lúc nào đó, nó có thể bị tấn công bởi hoạt động đầu cơ. Thực tế cho thấy, cố định tỷ giá càng lâu nguy cơ rủi ro càng lớn khi xảy ra khủng hoảng. Tỷ giá vốn không được điều chỉnh theo thị trường nên khả năng phản ứng trước cơn khủng hoảng lan tràn kém, tình hình có thể trở nên không thể kiểm soát nổi. Thực tế về cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đem lại một bài học kinh nghiệm quý giá về việc cố định tỷ giá.
Tỷ giá mà NHNN công bố là tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Về lý thuyết, đây là đại lượng thả nổi trong cơ chế tỷ giá thả nổi có điều tiết; tuy nhiên phương pháp xác định tỷ giá của NHNN đang áp dụng chưa phản ánh được đầy đủ những diễn biến của thị trường ngoại hối vì doanh số giao dịch trên thị trường ngoại hối còn chiếm tỷ lệ nhỏ, chưa thể coi là đại diện cho cung cầu ngoại tệ trên thị trường.
Với mục tiêu khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, Chính phủ luôn hướng chính sách tỷ giá theo hướng bảo hộ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, dẫn đến các doanh nghiệp chưa có động lực phát triển đầy đủ, khả năng tự vệ còn yếu, bản lĩnh kinh doanh, kinh nghiệm thương trường quốc tế chưa nhiều. Các doanh nghiệp xuât khẩu Việt Nam đã từng bị kiện bán phá giá khi xuất khẩu
sang các thị trường phát triển và đã từng bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá rất cao. Nếu cứ tiếp tục điều hành tỷ giá với mục tiêu hỗ trợ rủi ro tỷ giá cho doanh nghiệp trong nước, các đối tác thương mại với Việt Nam có thể coi đó là một trong những bằng chứng để họ điều tra doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá. Quan trọng hơn, nhằm bảo vệ quyền lợi của hàng quốc nội, các nước nhập khẩu có thể sẽ lại tiếp tục dựng lên các hàng rào kỹ thuật như thuế chống bán phá giá, các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm làm khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Từ các phân tích trên cho thấy, nước ta nên tiếp tục lựa chọn cơ chế tỷ giá thả nổi có điều tiết nhưng tăng dần mức độ thả nổi và thúc đẩy sự phát triển của thị trường ngoại hối.
Thứ nhất, điều chỉnh mức độ thả nổi đồng tiền của Chính phủ cần phải tiến hành theo thời gian để nó phù hợp với sự phát triển của nền tài chính nói riêng và sự phát triển quốc gia nói chung. Đồng thời, nó cũng còn phải đảm bảo các cam kết quốc tế của Việt Nam. Do nền tài chính của Việt Nam cũng có những bước phát triển nhất định trong thời gian qua, quá trình hội nhập quốc tế diễn ra nhanh và mạnh mẽ, cho nên chúng ta phải có những bước cải cách cơ bản cơ chế quản lý tỷ giá thích hợp để có thể thích nghi với quá trình hội nhập và không gây ra khủng hoảng, nên tăng dần mức độ thả nổi tỷ giá trong thời gian tới.
Thứ hai, bình ổn tỷ giá tạo điều kiện cho tỷ giá thể hiện đúng bản chất và hoạt động theo các quy luật kinh tế vốn có của nó, không quá can thiệp vào các quy luật vận động của thị trường; đồng thời tỷ giá được quản lý theo hướng hỗ trợ cho các mục tiêu kinh tế vĩ mô. Cần thiết phải để thị trường tham gia vào quá trình xác định tỷ giá cân bằng, tỷ giá vận động đúng quy luật sẽ tạo ra được một môi trường cân bằng và thúc đẩy các hoạt động kinh tế phát triển.
Thứ ba, nước ta hiện nay thực hiện nền kinh tế mở, là thành viên của hầu hết các tổ chức khu vực và thế giới, nên cần phải tuân thủ các quy định và thông lệ quốc tế như phải giảm thuế quan, tự do thương mại, đầu tư... Với mức độ hội
nhập nền kinh tế Việt Nam ngày càng cao thì việc kiểm soát vốn càng khó khăn hơn. Để đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ độc lập hơn và kiểm soát lạm phát thì NHNN cần thả nổi hơn nữa tỷ giá hối đoái. Tỷ giá linh hoạt hơn sẽ giảm bớt áp lực của NHNN trong vấn đề đối phó với dòng vốn chảy vào hay chảy ra, giảm bớt nguy cơ xung đột chính sách theo kiểu bộ ba bất khả thi (ổn định tỷ giá; tự do hóa dòng vốn; chính sách tiền tệ độc lập).
Như vậy, cơ chế tỷ giá thả nổi có điều tiết vẫn là ưu tiên đối với Việt Nam
hiện nay, nhưng cần tăng yếu tố thả nổi và thiết nghĩ NHNN cần có một bộ phận chuyên nghiên cứu và dự báo về tỷ giá để có những điều chỉnh có lợi cho nền kinh tế trong ngắn hạn và đề ra những mục tiêu trong dài hạn giúp tác động tích cực đến nền kinh tế trong đó có cán cân thương mại.