Mối quan hệ giữa phát triển dân số và phát triển giáo dục

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa phát triển dân số và phát triển giáo dục tỉnh bình dương (Trang 36 - 40)

1.1. Cơ sở lý luận về phát triển dân số và phát triển giáo dục

1.1.5. Mối quan hệ giữa phát triển dân số và phát triển giáo dục

Dân số và giáo dục tác động lẫn nhau trong sự liên hệ và tác động của nhiều yếu tố khác như kinh tế, chính trị, truyền thống văn hoá, tôn giáo… Khi xem xét mối quan hệ giữa dân số và giáo dục cần phải xem xét nó trong hoàn cảnh cụ thể, đặc biệt là yếu tố KT – XH; trong mối liên hệ, sự tương tác của các yếu tố khác.

a. Ảnh hưởng của dân số đến giáo dục

Dân số tác động đến giáo dục theo hai hướng: hoặc là đẩy mạnh sự phát triển giáo dục hoặc là kìm hãm sự phát triển của giáo dục. Cụ thể trên các khía cạnh sau:

* Quy mô và tốc độ tăng dân số ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến số lượng và chất lượng hệ thống giáo dục (Nguyễn Đình Cử, 2011).

Tác động trực tiếp thể hiện: quy mô dân số lớn là điều kiện thúc đẩy mở rộng quy mô của giáo dục. Nếu tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường trong tổng số dân (kí hiệu là e) tương đối ổn định hoặc giảm rất chậm thì quy mô của nhu cầu giáo dục phổ thông (E) phụ thuộc vào quy mô dân số (P).

Phương trình: E = P × e (1)

Do đó việc tăng hay giảm quy mô dân số sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tăng hay giảm quy mô nhu cầu giáo dục.

Từ (1) ta có: E1/E0=P1.e1/P0.e0 = (P1/P0) x (e1/e0)

Tốc độ tăng dân số hàng năm nhanh hay chậm phụ thuộc chủ yếu vào tỷ lệ gia tăng tự nhiên trong khi mức chết ổn định hơn do tiến bộ trong ngành y tế thì tăng dân số sẽ phụ thuộc nhiều vào mức sinh. Nếu mức sinh ổn định tức là tốc độ tăng dân số ổn định, số lượng trẻ em đến trường tương đối ổn định thì việc mở rộng quy mô giáo dục sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hầu hết trẻ em được đến trường, lúc đó tỷ lệ người

đi học sẽ cao. Nhưng với tốc độ tăng dân số khá nhanh, đòi hỏi phải mở rộng quy mô giáo dục với một tốc độ tăng tương ứng mới có thể giữ được tỷ lệ người đi học như trước song về mặt tuyệt đối số người có tăng hơn là một mâu thuẫn xã hội, đó là một khó khăn rất lớn của ngành giáo dục do phải chạy theo số lượng hơn là chất lượng.

Mức sinh tăng nhanh góp phần làm tăng số trẻ em đến tuổi đi học, làm tăng số học sinh phổ thông và cũng làm tăng nhu cầu học nghề và học đại học.

Tác động gián tiếp của quy mô và tốc độ tăng dân số thể hiện thông qua ảnh hưởng của sự tăng nhanh dân số đến chất lượng cuộc sống, mức thu nhập, từ đó ảnh hưởng đến đầu tư cho giáo dục cho con cái nói chung và cho con trai, con gái nói riêng, ảnh hưởng đến quy mô, chất lượng giáo dục và sự bình đẳng trong giáo dục. Như vậy quy mô và tốc độ tăng dân số ảnh hưởng gián tiếp đến quá trình giáo dục thông qua chất lượng dân số. Thể hiện rõ nhất ở sự khác biệt trong tiếp cận và đáp ứng các dịch vụ giáo dục, cũng như đầu tư cho giáo dục giữa các nhóm dân cư có thu nhập khác nhau. Sự gia tăng dân số dẫn đến sự phân hoá trong các nhóm hộ gia đình có thu nhập khác nhau đối với giáo dục, nhóm các hộ gia đình có thu nhập cao thì đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, các nhóm khác thì đầu tư ít hơn cho giáo dục.

Như vậy, trong trường hợp tốc độ tăng dân số cao mà tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn tốc độ tăng dân số, mức thu nhập bình quân đầu người thấp thì khả năng đầu tư cho giáo dục thấp, do đó làm cho quy mô và chất lượng giáo dục bị hạn chế, kìm hãm sự phát triển về trình độ học vấn của người dân.

* Cơ cấu dân số theo tuổi ảnh hưởng đến quy mô, cơ cấu ngành giáo dục

Hầu hết các nước đang phát triển, do mức sinh cao nên cơ cấu dân số trẻ, tháp tuổi dân số có đáy mở rộng. Do đó, cơ cấu của nền giáo dục thông thường sẽ là: số học sinh tiểu học > số học sinh THCS > số học sinh THPT. Ngược lại, những nước có cơ cấu dân số già, cấu trúc của nền giáo dục có thể xảy ra quan hệ sau: số học sinh tiểu học < số học sinh THCS < số học sinh THPT.

* Phân bố dân cư cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của giáo dục

Sự phân bố dân cư không đồng đều giữa các vùng, khu vực trên cùng một lãnh thổ cũng tạo ra sự khác biệt trong quá trình giáo dục, đặc biệt là đối với tiếp cận và thoả mãn các nhu cầu về giáo dục. Ở khu vực thành thị và các vùng đông dân, kinh

tế phát triển, hệ thống giáo dục cũng được đầu tư và phát triển hoàn thiện hơn nên trẻ em có điều kiện thuận lợi hơn đến trường và có nhiều cơ hội tiếp cận với giáo dục nhanh hơn. Ngược lại đối với vùng nông thôn và miền núi, cơ hội để người dân tiếp cận với dịch vụ giáo dục khó khăn hơn rất nhiều.

b. Ảnh hưởng của giáo dục đến dân số

Tác động của giáo dục đến dân số thông qua các yếu tố: kết hôn, mức sinh, mức chết và di dân. Tuy nhiên, tác động của giáo dục đến dân số không mang tính tức thời mà hiệu quả của giáo dục đến dân số phải trải qua một thời kỳ mới được kiểm nghiệm. Khi trình độ giáo dục của nhân dân được nâng cao, sau một thời gian nhất định chúng ta thấy ảnh hưởng rõ nét của trình độ giáo dục đến các quá trình dân số qua các khía cạnh sau:

* Ảnh hưởng của giáo dục đến quá trình hôn nhân

Ảnh hưởng của giáo dục đến hôn nhân thể hiện qua quyền lựa chọn bạn đời, tuổi kết hôn lần đầu và ly hôn (Nguyễn Đình Cử, 2011).

Những người trình độ học vấn cao có hiểu biết sâu sắc về giá trị gia đình, con cái, đặc biệt là phụ nữ họ có quyền tự do lựa chọn bạn đời phù hợp với bản thân, lựa chọn thời điểm kết hôn và ly hôn khi cần thiết, mặt khác để đạt được một trình độ học vấn nhất định họ phải mất một thời gian đi học khá dài và tạo dựng sự nghiệp nên thường có xu hướng kết hôn muộn. Trình độ học vấn cao thì quyền tự quyết định hôn nhân càng lớn.

* Ảnh hưởng của giáo dục đến mức sinh

Mức sinh của một dân số phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có giáo dục. Giáo dục không trực tiếp tác động đến mức sinh nhưng lại rất quan trọng bởi giáo dục cùng với các yếu tố KT – XH khác tạo nên cơ sở vững chắc cho một dân số phù hợp, đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển đất nước.

Nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng, mức sinh phụ thuộc vào trình độ học vấn của người dân mà trước nhất là trình độ học vấn của phụ nữ đang ở độ tuổi sinh đẻ. Mức sinh có quan hệ nghịch và chặt chẽ với trình độ học vấn của phụ nữ. Phụ nữ có trình độ học vấn tốt thường lấy chồng muộn, sinh con muộn và sinh ít con hơn. Trình độ học vấn là điều kiện quan trọng giúp phụ nữ tự nguyện thực hiện KHHGĐ,

họ tiếp nhận nhanh và có hiệu quả các biện pháp tránh thai. Học vấn cũng giúp phụ nữ có điều kiện để cải thiện vị thế của mình trong gia đình và xã hội. Cũng cần lưu ý rằng yếu tố quyết định mức sinh của một dân số không chỉ là trình độ học vấn của mỗi phụ nữ mà còn là tỷ lệ phụ nữ có trình độ học vấn trong tổng số phụ nữ (Bộ Y tế, 2011).

* Ảnh hưởng của giáo dục đến mức chết

Giáo dục có ảnh hưởng tích cực đến giảm tỷ lệ tử vong của trẻ em. Trình độ giáo dục của bà mẹ luôn là nhân tố quan trọng quyết định đến tình hình tử vong của trẻ sơ sinh, việc nuôi dưỡng, chăm sóc tốt, đảm bảo được yêu cầu về dinh dưỡng, vệ sinh, tránh những bệnh tật do môi trường gây ra là các điều kiện cho trẻ phát triển.

Tỷ lệ chết của trẻ sơ sinh cũng phụ thuộc vào các điều kiện KT – XH đặc biệt là các điều kiện phòng chống dịch bệnh, điều kiện về y tế, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Tuy nhiên, người mẹ có trình độ học vấn sẽ tránh được các hủ tục thành kiến sai lầm trong việc nuôi con lúc khỏe cũng như lúc ốm đau, biết nuôi dưỡng, chăm sóc và tận dụng các phương tiện, các cơ sở y tế phục vụ sức khỏe cho mẹ và con (Bộ Y tế, 2011).

* Ảnh hưởng của giáo dục đến vấn đề di dân

Giáo dục thúc đẩy di cư từ nông thôn về thành thị. Trong đại bộ phận các nước đang phát triển thành thị là nơi có điều kiện sống tốt hơn ở nông thôn và dễ kiếm việc làm nên những người có trình độ học vấn thường di cư ra thành thị. Xu hướng này tác động đến lớp người trẻ mạnh hơn người cao tuổi, đến những người có trình độ học vấn cao mạnh hơn những người có trình độ học vấn thấp. Những người trẻ có trẻ, có trình độ học vấn cao thường năng động hơn, ở thành phố họ dễ kiếm việc làm có thu nhập cao hơn. Điều này là nguyên nhân căn bản của bệnh “Chảy máu chất xám” ở các vùng nghèo hiện nay. Tuy nhiên, những cuộc di dân có tổ chức đối với những người có trình độ học vấn cao và trẻ khoẻ đi xây dựng các vùng kinh tế mới cũng thúc đẩy giáo dục ở các vùng kinh tế mới phát triển (Nguyễn Đình Cử, 2011).

Giáo dục cũng có tác động đối với sự di chuyển dân cư từ miền xuôi lên miền núi. Ở Việt Nam, di cư có định hướng một bộ phận dân cư từ miền xuôi lên miền núi – nơi có mật độ dân cư thấp hơn là chủ trương lớn của Nhà nước nhằm phân bố hợp

lý lực lượng lao động. Kinh nghiệm qua nhiều cuộc di cư có định hướng này cho thấy, cùng với các điều kiện KT – XH, chăm sóc sức khỏe, cơ sở giáo dục cho con em những người di cư là một yếu tố không thể thiếu để họ định cư lâu dài. Rất nhiều người di cư đã trở lại nơi đi vì lý do con em của họ bị thất học (Bộ Y tế, 2011).

* Ảnh hưởng của giáo dục giới tính đến vấn đề dân số

Giáo dục giới tính ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu giới tính của dân số. Tình trạng mất cân đối về giới tính và những hệ quả của chúng đang diễn ra ngày càng sâu sắc, nổi bật có Trung Quốc một đất nước dân số đông nhất trên thế giới đang thực hiện triệt để chính sách KHHGĐ, mỗi gia đình chỉ có một con cùng với tư tưởng bất bình đẳng giới như trọng nam khinh nữ “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” tồn tại từ thời phong kiến đến nay đã làm cho tỷ lệ phá thai khi biết giới tính con cái trở thành một tệ nạn, nhiều bé gái bị thả trôi sông, diềm chết làm cho sự chênh lệch giới tính tăng, tỷ lệ nam quá nhiều. Nó còn ảnh hưởng đến các nước lân cận như tình trạng lấy chồng ngoại quốc, rất nhiều phụ nữ các nước bị bán sang biên giới vào các ổ mại dâm… (Vũ Thị Hương Thu, 2010).

Cần phát huy quan điểm bình đẳng giới trong cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người bằng chính sách và quy phạm pháp luật, đưa luật bình đẳng giới vào cuộc sống và giáo dục giới tính đóng vai trò chìa khoá trong chuyển biến nhận thức xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa phát triển dân số và phát triển giáo dục tỉnh bình dương (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)