2.1. Tổng quan về các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển dân số và phát triển giáo
2.1.1. Vị trí địa lý và phạm vi lãnh thổ
Bình Dương thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được tái lập từ tỉnh Sông Bé từ ngày 01/01/1997. Tọa độ địa lí của tỉnh từ 11052’ đến 12018’ vĩ độ Bắc và từ 106045’ đến 107067’ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp Bình Phước, phía Nam và Tây Nam liền kề TP. Hồ Chí Minh, phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh.
Nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa 3 vùng kinh tế (Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long) – nơi có nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua như quốc lộ 1A, 13, 14, đường sắt Bắc – Nam, tuyến đường xuyên Á cùng nhiều đường liên tỉnh. Điều này tạo lợi thế rất lớn để Bình Dương giao lưu với các tỉnh trong vùng cũng như các vùng khác. Bình Dương được coi là đầu mối giao lưu của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên với trung tâm kinh tế lớn của vùng Đông Nam Bộ là TP. Hồ Chí Minh.
Tuy không giáp biển nhưng Bình Dương nằm liền kề với TP. Hồ Chí Minh – một trung tâm hàng đầu về kinh tế, văn hóa, có nền công nghiệp, dịch vụ, khoa học kỹ thuật phát triển, đầu mối giao lưu lớn của quốc gia và quốc tế, với đầy đủ các loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không. Vị trí địa lí đó, về mặt kinh tế có thể coi là một lợi thế của tỉnh Bình Dương. Về an ninh, quốc phòng, Bình Dương được coi là cửa ngõ phía đông bắc của TP. Hồ Chí Minh, trước đây là vùng có chiến sự ác liệt và kéo dài trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.
Bên cạnh những thuận lợi, vị trí địa lí của tỉnh có hạn chế là không giáp biển nên không thể phát triển kinh tế biển và không thuận lợi trong giao lưu bằng đường biển. Tuy nhiên, hạn chế này không lớn và có thể khắc phục được vì nằm cách cụm
cảng quan trọng của vùng Đông Nam Bộ và cả nước là Vũng Tàu – Sài Gòn – Thị Vải khoảng 20 km.
Như vậy, vị trí địa lí thuận lợi là một trong những nhân tố quan trọng cho việc phát triển công nghiệp, dịch vụ và cũng là nhân tố góp phần tạo lực hút cho lao động về Bình Dương làm việc và sinh sống.
Về sự phân chia hành chính: năm 1976 tỉnh Sông Bé thành lập (hợp nhất tỉnh Bình Dương và Bình Phước) nhưng đến ngày 6/11/1996 lại tách ra thành 2 tỉnh như cũ. Khi tách ra tỉnh Bình Dương gồm TX. Thủ Dầu Một và 3 huyện Bến Cát, Tân Uyên, Thuận An. Đến ngày 23/7/1999, huyện Thuận An được chia tách thành 2 huyện Thuận An và Dĩ An, huyện Bến Cát được chia tách thành 2 huyện Bến Cát và Dầu Tiếng, huyện Tân Uyên được chia tách thành 2 huyện Tân Uyên và Phú Giáo. Như vậy, từ tháng 8/1999, tỉnh có tất cả 7 đơn vị hành chính cấp huyện (Đặng Thành Sang và Nguyễn Nhung, 2007). Ngày 13/1/2011, thành lập 2 thị xã mới là Dĩ An và Thuận An, trên cơ sở 2 huyện Dĩ An và Thuận An cũ. Ngày 2/5/2012, thành lập Tp. Thủ Dầu Một trên cơ sở TX. Thủ Dầu Một cũ. Ngày 29/12/2013, chia H. Bến Cát thành TX. Bến Cát và H. Bàu Bàng, chia H. Tân Uyên thành TX. Tân Uyên và H. Bắc Tân Uyên. Từ tháng 1/2014, Bình Dương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 1 thành phố, 4 thị xã và 4 huyện (Lê Nhật Nam và Đặng Kim Anh, 2017).