Các khái niệm và vấn đề liên quan đến giáo dục

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa phát triển dân số và phát triển giáo dục tỉnh bình dương (Trang 32 - 36)

1.1. Cơ sở lý luận về phát triển dân số và phát triển giáo dục

1.1.4. Các khái niệm và vấn đề liên quan đến giáo dục

a. Khái niệm và vai trò của giáo dục

* Khái niệm

Giáo dục là tất cả các dạng học tập của con người. Giáo dục là một quá trình được tổ chức một cách có mục đích, có kế hoạch nhằm truyền đạt lại và lĩnh hội được những kinh nghiệm của xã hội loài người (Nguyễn Minh Tuệ, 1996).

* Vai trò

Giáo dục là thước đo trình độ dân trí, phản ánh trình độ phát triển của mỗi quốc gia, là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng dân số trong quá trình CNH – HĐH. Giáo dục vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh của nền kinh tế. Giáo dục là nền tảng văn hoá, là điều kiện quan trọng cho một nền dân chủ, chính trị ổn định.

Giáo dục là nền tảng xã hội của nền kinh tế tri thức. Muốn tiếp cận được nền kinh tế và kỹ thuật hiện đại phải có trình độ dân trí của nhân dân và trình độ chuyên môn nghề nghiệp của người lao động. Trình độ giáo dục là một đại lượng đặc trưng để đánh giá trình độ phát triển KT – XH của mỗi quốc gia. Đây là chỉ tiêu cơ bản thể hiện chất lượng cuộc sống dân cư.

Nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam coi giáo dục là quốc sách hàng đầu thực hiện nền giáo dục toàn dân, giáo dục cho mọi người và tất cả cho giáo dục. Giáo dục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư.

b. Hệ thống giáo dục quốc dân

Tổng thể các cơ sở giáo dục và đào tạo phục vụ nhu cầu học tập của nhân dân trong nước. Hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam năm 2016 bao gồm:

- Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo.

- Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và giáo dục THPT.

- Giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. - Giáo dục đại học đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân là cơ sở để thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Phương thức giáo dục gồm hai loại: giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

Hệ thống giáo dục quốc dân đặt dưới sự quản lí nhà nước về giáo dục thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, và các cơ quan nhà nước khác được uỷ quyền (Bùi Hiền, Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Hữu Quỳnh, Vũ Văn Tảo, 2001).

d. Quy mô giáo dục

Quy mô giáo dục là tổng thể của hoạt động giáo dục, bao gồm về số học sinh, loại hình đào tạo, số lượng trường học; cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đội ngũ cán bộ giáo viên.

c. Phát triển giáo dục

Phát triển giáo dục là việc mở rộng quy mô của hệ thống giáo dục trên các mặt nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nhân cách, đáp ứng những đòi hỏi phát triển của xã hội cũng như của mỗi thành viên (Bùi Hiền et al., 2001).

Chính sách phát triển giáo dục của đất nước trong từng thời kỳ được thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục làm cơ sở để chỉ đạo, điều chỉnh quá trình thực hiện chính sách.

Luật giáo dục quy định phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển KT – XH, tiến bộ khoa học công nghệ, củng cố quốc phòng an ninh, đảm bảo cân đối về trình độ, cơ cấu quy mô trên cơ sở đảm bảo chất lượng và hiệu quả, kết hợp giữa đào

tạo và sử dụng.

d. Trình độ và chỉ tiêu đánh giá trình độ giáo dục

Trình độ giáo dục là đại lượng đặc trưng để đánh giá trình độ phát triển KT – XH dựa trên 2 chỉ tiêu cơ bản là:

- Trình độ học vấn: là một trong những chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng dân số. Nước ta thường phân trình độ học vấn thành 5 nhóm gồm (1) chưa đi học, (2) chưa tốt nghiệp tiểu học, (3) tốt nghiệp tiểu học, (4) tốt nghiệp THCS, (5) tốt nghiệp THPT trở lên để dùng trong các cuộc điều tra dân số và nhà ở.

- Trình độ chuyên môn kỹ thuật: cũng được phân thành 5 nhóm gồm không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học trở lên.

e. Chỉ số phát triển giáo dục trong chỉ số phát triển con người (HDI)

Chỉ số giáo dục là một trong ba chỉ số cơ bản để xây dựng chỉ số phát triển con người. Chỉ số này được tính dựa trên 2 yếu tố: tỷ lệ biết chữ của người lớn (a) và tỷ lệ nhập học các cấp giáo dục: tiểu học, trung học và đại học, cao đẳng (b).

Tỷ lệ biết chữ của người lớn (a): Theo Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đó là tỷ lệ phần trăm số người từ 15 tuổi trở lên biết đọc và biết viết và tính toán đơn giản so với tổng số dân. Độ tuổi tính tỷ lệ người lớn biết chữ độ tuổi 15 – 55 hoặc tuổi 15 – 35. Nhằm có dữ liệu phân tích tình trạng biết chữ của người lớn, người ta không chỉ xác định tỷ lệ trên theo từng địa phương (tỉnh thành, quận, huyện, thành thị, nông thôn) mà còn theo giới tính, theo dân tộc, theo từng độ tuổi, theo tôn giáo, theo nhóm nghề… Cơ sở dữ liệu tốt nhất để đưa vào phân tích là số liệu tổng điều tra dân số được tiến hành 10 năm một lần vào ngày 1/4 năm cuối cùng mỗi thập kỷ. Trong các năm còn lại, số liệu của điều tra mẫu suy rộng để đảm bảo độ chính xác cao hơn số liệu báo cáo về người mù chữ của các phường xã (Đặng Quốc Bảo và Đặng Thị Thanh Huyền, 2004).

Cách tính tỷ lệ người lớn biết chữ:

- Tính giá trị thực người lớn biết chữ:

Giá trị thực người lớn biết chữ = Số người trong độ tuổi từ 15 – 55 tuổi biết chữ / Tổng số người trong độ tuổi 15 – 55 tuổi.

Tỷ lệ người lớn biết chữ (a) = (Giá trị thực người lớn biết chữ – Giá trị tối thiểu người lớn biết chữ) / (Giá trị tối đa người lớn biết chữ – giá trị tối thiểu người lớn biết chữ)

Trong đó: Giá trị tối thiểu người lớn biết chữ = 0% Giá trị tối đa người lớn biết chữ = 100%

Tỷ lệ người lớn biết chữ (a) = (Giá trị thực người lớn biết chữ – 0) / (100 – 0)

g. Mối quan hệ giữa quy mô – chất lượng và hiệu quả giáo dục

Phát triển quy mô giáo dục không chỉ là tăng số lượng học sinh, sinh viên các cấp mà còn là quá trình thường xuyên phổ cập giáo dục và điều chỉnh cơ cấu đào tạo các bậc học, phát triển một hệ thống giáo dục với nhiều loại hình đa dạng. Đây cũng là quá trìnhphát triển và hiện đại hoá mạng lưới nhà trường, kéo theo đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy, tăng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý… Như vậy, phát triển quy mô giáo dục cơ bản sẽ làm thay đổi diện mạo của một nền giáo dục số ít sang một nền giáo dục cho số đông trong yêu cầu của quy luật phát triển KT – XH và thị trường.

Cùng với phát triển quy mô, chất lượng giáo dục luôn là vấn đề được toàn xã hội quan tâm bởi lẽ chất lượng giáo dục phản ánh giá trị đích thực của một nền giáo dục, là tiền đề cho sự phát triển của cá nhân và toàn xã hội. Theo từ điển Tiếng Việt thông dụng, NXB Giáo dục 1998 thì “chất lượng” là “cái làm nên phẩm chất, giá trị của sự vật hoặc cái tạo nên bản chất sự vật làm cho sự vật này khác sự vật kia”. Theo quan điểm triết học, chất lượng hay sự biến đổi về chất là kết quả của quá trình tích luỹ về lượng tạo nên những bước nhảy vọt về chất của sự vật và hiện tượng. Trong lĩnh vực giáo dục, chất lượng giáo dục toàn diện với đặc trưng sản phẩm là con người chính là kết quả của toàn bộ quá trình đào tạo, nó thể hiện qua phẩm chất, giá trị nhân cách, năng lực sống và hoà nhập với xã hội, giá trị sức lao động của con người. Quan niệm về chất lượng giáo dục không chỉ dừng ở kết quả của quá trình đào tạo trong nhà trường mà còn phải tính đến khả năng thích ứng của người tốt nghiệp với đời sống xã hội và thị trường lao động như ý thức và lối sống văn hoá, tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp, khả năng phát triển nghề nghiệp (Vũ Ngọc Hải, Đặng Bá Lãm, Trần Khánh Đức, 2007).

Quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục có mối quan hệ hữu cơ và biện chứng. Phát triển quy mô giáo dục là tiền đề, quá trình tích luỹ về lượng để tạo ra những biến đổi về chất đồng thời góp phần làm tăng hiệu quả trong và ngoài của giáo dục. Kinh nghiệm và lịch sử phát triển giáo dục các nước đều đặt ra yêu cầu phát triển quy mô, chất lượng, nâng cao hiệu quả giáo dục và hiện nay mối quan hệ này cũng được quan tâm xem xét ở nhiều nước đang phát triển trong đó có Việt Nam vì nó là xu hướng tất yếu của sự nghiệp giáo dục trong thời kỳ CNH – HĐH và hội nhập.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa phát triển dân số và phát triển giáo dục tỉnh bình dương (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)