Bao thanh toán
Bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng của tổ chức tín dụng cho bên bán hàng thông qua việc mua lại các khoản phải thu phát sinh từ việc mua, bán hàng đã được bên bán hàng và bên mua hàng thỏa thuận trong hợp đồng mua, bán hàng hóa. Bao thanh toán quốc tế là nghiệp vụ bao thanh toán dựa trên hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa. Bên mua và bên bán ở các nước khác nhau. Hoạt động bao thanh toán thường sử dụng cho các khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên và liên tục nhà nhập khẩu uy tín đã từng có giao dịch thanh toán thành công
trước đó. Đây là hình thức tài trợ đặc biệt giúp nhà xuất khẩu có thể bán hàng theo phương thức ghi sổ, không phải bận tâm về rủi ro thương mại phía bên mua vừa tiết giảm khối lượng công việc ghi chép sổ sách và theo dõi quá trình thu nợ người mua nước ngoài. Hoạt động bao thanh toán cấp cho nhà xuất và nhà nhập khẩu với trách nhiệm của đơn vị bao thanh toán (ĐLBTT- còn gọi là đại lý bao thanh toán) hoàn toàn khác nhau. Trong đó, có 2 hình thức bao thanh toán như sau:
- Bao thanh toán xuất khẩu: là hình thức mà tổ chức tín dụng được phép hoạt động bao thanh toán cấp tín dụng cho nhà xuất khẩu thông qua việc mua lại các khoản phải thu phát sinh từ việc mua, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ theo hợp đồng xuất khẩu hàng hóa dịch vụ đã ký với nhà nhập khẩu. Đơn vị bao thanh toán xuất khẩu có thể cung cấp các nghiệp vụ như: ứng trước tiền trên cơ sở giá trị các khoản phải thu, quản lý các khoản phải thu, thu hộ. Khi thực hiện bao thanh toán xuất khẩu có hai hình thức:
+ Bao thanh toán có quyền truy đòi: là bao thanh toán xuất khẩu, trong đó ngân hàng có quyền đòi lại số tiền đã ứng trước cho nhà xuất khẩu khi nhà nhập khẩu không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán các khoản phải thu phát sinh theo hợp đồng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ được ngân hàng bao thanh toán.
+ Bao thanh toán không có quyền truy đòi: là bao thanh toán xuất khẩu, theo đó ngân hàng chịu toàn bộ rủi ro khi nhà nhập khẩu không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán các khoản phải thu phát sinh theo hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ được ngân hàng bao thanh toán. Ngân hàng chỉ có quyền đòi lại số tiền đã ứng trước cho nhà xuất khẩu nếu nhà nhập khẩu từ chối thanh toán các khoản phải thu do phát sinh tranh chấp thương mại hoặc một lý do khác không liên quan đến khả năng thanh toán của nhà nhập khẩu.
- Bao thanh toán nhập khẩu: là hình thức mà tổ chức tín dụng được phép hoạt động bao thanh toán cấp tín dụng cho nhà nhập khẩu thông qua hình thức cấp hạn mức bảo đảm rủi ro tín dụng nhà nhập khẩu tương tự như cấp bảo lãnh ngân hàng trên cơ sở đề nghị của đại lý bao thanh toán. ĐLBTT nhập khẩu chịu trách nhiệm
thu hồi các khoản phải thu cho nhà xuất khẩu từ nhà nhập khẩu hoặc cấp tín dụng cho nhà nhập khẩu.
Hoạt động bao thanh toán có thể mang lại những lợi thế cho nhà xuất khẩu như hạn chế được rủi ro thương mại không thu hồi được các khoản phải thu. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro và chi phí phát sinh trong việc quản lý các khoản phải thu thì nhà xuất khẩu phải chịu các khoản phí và chỉ được ứng trước theo tỷ lệ trên cơ sở giá trị các khoản phải thu. Bên cạnh đó, nhà xuất khẩu không cần thiết phải kí hợp đồng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, cải thiện được bảng cân đối kế toán, tăng cạnh tranh thông qua cấp tín dụng thương mại cho nhà nhập khẩu, giảm chi phí quản lý. Ngân hàng có thể thực hiện bao thanh toán từng lần hoặc theo hạn mức.
UPAS L/C và UPAS D/A
Ngày nay, khi sự bão hòa thị trường cùng với sự tiêu chuẩn hóa sản phẩm bên cạnh sự cạnh tranh ngày càng lớn trở thành thách thức đối với các nhà quản trị ngân hàng thì sản phẩm vừa nâng cao hiệu quả kinh doanh vừa tiết kiệm chi phí tài chính cho khách hàng có thể là một cứu cánh, một phương thức mới giúp ngân hàng đối phó với thách thức đó. Ngân hàng cho ra đời sản phẩm với L/C trả chậm có điều khoản cho phép thanh toán trả ngay (tên tiếng Anh là Usance Payable At Sight L/C, sau đây gọi tắt là UPAS L/C) và sản phẩm nhờ thu điều khoản D/A trả chậm có điều khoản cho phép thanh toán trả ngay (sau đây gọi tắt là UPAS D/A). Khi khách hàng sử dụng sản phẩm UPAS L/C, UPAS nhờ thu có nghĩa là khách hàng sẽ được mua hàng trả chậm nhưng người bán vẫn được thanh toán trả ngay bởi Ngân hàng đại lý nước ngoài trên cơ sở chấp thuận cung cấp dịch vụ của Ngân hàng đại lý trước khi mở L/C và trước yêu cầu nhờ thu nhập khẩu được chấp nhận. Khi khách hàng sử dụng các sản phẩm này sẽ được cấp tín dụng với lãi suất cạnh tranh trên cơ sở nguồn vốn huy động ưu đãi mà ngân hàng Đại lý dành cho ngân hàng với mức phí hợp lý. Như vậy, với sản phẩm UPAS L/C hoặc UPAS D/A giúp khách hàng giảm áp lực về ngoại tệ khi không có nguồn thu ngoại tệ, có thể mua hàng hóa theo phương thức trả chậm nhưng thỏa mãn yêu cầu thanh toán trả ngay của nhà xuất
khẩu, mang lại cho doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn hợp tác với những nhà cung cấp hàng hóa uy tín với giá cả cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Tài trợ xuất nhập khẩu trọn gói
Ngày nay, nhu cầu các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngày càng đa dạng, hầu như mỗi giai đoạn trong chu kỳ kinh doanh đều có sự hỗ trợ từ ngân hàng. Ngân hàng cho ra đời sản phẩm tài trợ xuất nhập khẩu trọn gói nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh thanh toán hàng xuất nhập khẩu như: cho vay vốn lưu động để phục vụ phương án sản xuất kinh doanh theo các hợp đồng đơn đặt hàng đã ký, dịch vụ thanh toán quốc tế, mua bán ngoại tệ, phái sinh tài chính, các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn nghiệp vụ (hoàn thiện bộ chứng từ xuất khẩu, tư vấn về điều khoản thanh toán, hợp đồng ngoại thương, điều khoản của L/C…)
Khi khách hàng sử dụng sản phẩm tài trợ trọn gói sẽ được ngân hàng ưu đãi về lãi suất cho vay vốn lưu động sản xuất kinh doanh, phí dịch vụ thanh toán quốc tế, hồ sơ thủ tục được tinh gọn và linh hoạt. Tuy nhiên, khách hàng phải cam kết một số điều khoản với ngân hàng như cam kết doanh số chuyển tiền về tài khoản lớn hơn 100% doanh số cho vay, ưu tiên bán ngoại tệ cho ngân hàng. Như vậy, khi tham gia dịch vụ tài trợ trọn gói khách hàng có nhiều ưu đãi hơn và được ngân hàng tài trợ trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh giúp cho dòng vốn được luân chuyển tốt hơn, hoạt động thanh toán quốc tế được thông suốt và hiệu quả.