Trong nghiên cứu của chúng tôi có 27 BN (56,2%) còn sống sau mổ. Chúng tôi theo dõi được 25 TH đến khi kết thúc nghiên cứu, thời gian theo dõi trung bình là 41,8 ± 25 tháng. Có 5 TH (20%) tử vong trong thời gian theo dõi, không có TH nào tử vong do TMCB mạc treo tái phát, 3 TH tử vong do đột quỵ, 1 TH tử vong do suy kiệt vì hội chứng ruột ngắn và 1 TH tử vong do nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi.
Ryer [112], với thời gian theo dõi trung bình là 2,6 ± 3,4 năm, có 36 TH tử vong muộn trong 93 BN của nghiên cứu. Có 4 TH tử vong là do suy thận, 3 TH do bệnh tim, 3 TH do bệnh ác tính, 2 TH do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, và 1 TH do nhiễm khuẩn đường tiểu, 22 TH còn lại không thể xác định được nguyên nhân tử vong (trong đó chỉ 1 TH có triệu chứng ở bụng tại thời điểm tử vong). Phân tích đa biến cho thấy lớn tuổi, bệnh mô liên kết, và có một biến chứng nặng sau mổ là các yếu tố tiên đoán tử vong muộn.
Tỉ lệ sống còn sau 5 năm trong nghiên cứu của chúng tôi là khoảng 44%, trong đó tỉ lệ sống còn lâu dài ở nhóm BN bị nhồi máu ruột do tắc TM là 60%, nhóm BN có tắc ĐM là 30%, khác biệt này có ý nghĩa (phép kiểm log-rank). Có 3 TH bị hội chứng ruột ngắn, trong đó 2 TH lệ thuộc vào nuôi ăn bằng đường TM và cả 2 TH này tử vong trong năm đầu tiên sau mổ, 1 TH ngưng nuôi ăn đường TM sau mổ 1 tháng. Kết quả nghiên cứu của Klempnauer [75] cho thấy tỉ lệ sống còn sau 5 năm là khoảng 50%, phụ thuộc vào bệnh sinh của TMCB mạc treo cấp tính, trong đó BN bị huyết khối ĐM có dự hậu xấu nhất. Trong số 15 TH tử vong muộn, chỉ có một BN huyết khối ĐM tử vong do TMCB mạc treo tái phát. Tử vong ở các BN còn lại chủ yếu có nguyên nhân từ tim mạch, bao gồm nhồi máu cơ tim (n = 4), suy tim sung huyết (n = 2), và đột quỵ (n = 2). Có 3 BN tử vong do bệnh ung thư, 2 BN tử vong do chảy máu đường tiêu hóa, và 1 BN do suy gan.
Theo Klempnauer [75], trong số 16 BN còn sống, chỉ 4 BN (20%) bị hội chứng ruột ngắn rõ ràng trên lâm sàng, nhưng không có TH nào đòi hỏi dinh dưỡng đường TM. Chiều dài của ruột được cắt bỏ ở BN có hội chứng ruột ngắn rõ ràng lên đến 170 ± 81 cm, so với 110 ± 33 cm ở BN không có triệu chứng lâm sàng. Theo Messing [91], BN có
nhiều khả năng mắc hội chứng ruột ngắn phụ thuộc vào nuôi ăn đường TM khi (1) chiều dài đoạn ruột non còn lại khi đưa đầu ruột non ra da dưới 100 cm, (2) chiều dài đoạn ruột non còn lại dưới 65 cm sau khi cắt phần hồi-manh tràng và thực hiện miệng nối hồi tràng-đại tràng, và (3) tổng chiều dài của ruột non còn lại dưới 30 cm sau khi cắt ruột non và thực hiện miệng nối hỗng tràng-hồi tràng.