Bệnh kèm và các yếu tố nguy cơ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, hình ảnh cắt lớp điện toán và kết quả điều trị phẫu thuật nhồi máu ruột do tắc mạch mạc treo (Trang 97 - 100)

Trong nghiên cứu của chúng tôi, ở nhóm tắc ĐM có 19 BN (55,9%) có rung nhĩ, 10 BN (29,4%) có bệnh van tim, 22 BN (64,7%) có tăng huyết áp. Tỉ lệ BN có rung nhĩ, bệnh van tim và tăng huyết áp ở nhóm tắc ĐM nhiều hơn ở nhóm tắc TM. Trong nghiên cứu của Endean [46], tỉ lệ BN mắc bệnh tim, suy tim sung huyết và rung nhĩ trong nhóm tắc ĐM nhiều hơn so với nhóm tắc TM. Batellier [23], Edwards [44], Kassahun [67] đã lý giải rằng rung nhĩ, suy tim và bệnh van tim chính là các nguồn tạo huyết khối từ tim, gây ra sự di trú huyết khối đến ĐM mạc treo. Các tác giả cũng gợi ý rằng, khi BN vào viện với triệu chứng đau bụng cấp tính kèm với các dấu hiệu thuyên tắc mạch máu ngoại biên, TMCB mạc treo mạn tính, hoặc rối loạn nhịp thì nên được nghi ngờ ở mức độ cao về TMCB ruột cấp tính và cần được đánh giá nhanh chóng để khẳng định hoặc loại trừ chẩn đoán [44],[67].

- Rung nhĩ: Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỉ lệ BN có rung nhĩ ở nhóm tắc ĐM nhiều hơn ở nhóm tắc TM. Theo Edwards [44], trong 32 BN bị thuyên tắc ĐM cấp tính, tiền sử mới bị rối loạn nhịp tim được ghi nhận ở 53% TH và thuyên tắc ĐM ngoại biên đồng thời xảy ra ở 31% TH. Tình trạng loạn nhịp tim phổ biến nhất là rung nhĩ mạn tính (53%). Theo Batellier [23], trong 82 BN thuyên tắc ĐM MTTT cấp tính, chỉ có 3,5% TH không biết nguyên nhân gây tắc, tất cả các BN còn lại đều có bệnh tạo cục thuyên tắc. Cục thuyên tắc xuất phát từ các buồng tim trái ở 74 TH (90%), 65 BN trong số này có rối loạn nhịp tim hoàn toàn do rung nhĩ. Theo Endean [46], nguồn gốc của cục thuyên tắc thường xuất phát từ tim, liên quan nhiều nhất đến rung nhĩ. Trong nhóm BN thuyên tắc ĐM, 82% có rung nhĩ, trong khi ở nhóm huyết khối ĐM không có TH nào có rung nhĩ. Nghiên cứu của Kougias [77] cũng có kết quả tương tự, nhóm BN thuyên tắc ĐM có tỉ lệ mắc bệnh rung nhĩ cao hơn so với nhóm huyết khối ĐM (46% so với 13%, p = 0,02).

- Bệnh tim: Kết quả nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận tỉ lệ BN có bệnh van tim ở nhóm tắc ĐM nhiều hơn ở nhóm tắc TM. Theo Endean [46], trong nhóm thuyên tắc ĐM, 91% có kèm bệnh tim, 27% có nhồi máu cơ tim, 5% có can thiệp mạch vành trước đó, bệnh van tim 9%, suy tim 45%. Trong nhóm BN huyết khối ĐM, 45% có bệnh tim, 25% có nhồi máu cơ tim, 20% có can thiệp mạch vành trước đó, 4% có bệnh van tim, 15% có suy tim. Tác giả nhận thấy, huyết khối thuyên tắc ĐM thường xảy ra ở nhóm BN có bệnh tim.

- Tăng huyết áp: Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỉ lệ BN bị tăng huyết áp ở nhóm tắc ĐM cao hơn so với nhóm tắc TM, điều này được lý giải một phần là nhóm BN tắc ĐM lớn tuổi hơn nhóm tắc TM, và tăng huyết áp là yếu tố thuận lợi cho tắc ĐM do thuyên tắc hay do huyết khối. Theo Hsu [62], BN TMCB ruột cấp tính do tắc ĐM có tỉ lệ tăng huyết áp cao hơn so với nhóm tắc TM. Theo Endean [46], trong nhóm thuyên tắc ĐM 50% có tăng huyết áp, nhóm huyết khối ĐM 45% có tăng huyết áp.

- Tắc ĐM ngoại biên kèm theo: Trong nghiên cứu của chúng tôi, có 3 BN (6,2%) có tắc ĐM ngoại biên, và 4 BN (8,3%) có nhồi máu tạng khác trong ổ bụng

xảy ra đồng thời. Có 14 BN (29,2%) có tiền sử tắc ĐM ngoại biên và 7 BN (14,6%) tắc TM ngoại biên. Tất cả các TH có tiền sử tắc TM ngoại biên đều nằm trong nhóm tắc TM mạc treo.

Theo Edwards [44], trong số 32 BN bị thuyên tắc ĐM mạc treo cấp tính, 19 BN có nguồn của cục thuyên tắc được khẳng định, tim là vị trí xuất nguồn phổ biến nhất (89%). Thuyên tắc ĐM ngoại biên đồng thời xảy ra ở 31% TH và vị trí thuyên tắc ĐM ngoại biên thường gặp nhất là ở chân (90%). Theo Ottinger [98], 14% BN thuyên tắc ĐM mạc treo có thuyên tắc ĐM ngoại biên trước đó, và tiền sử này giúp gợi ý chẩn đoán bệnh thuyên tắc ĐM mạc treo. Theo Batellier [23], trong 82 BN thuyên tắc ĐM MTTT cấp tính, bệnh sử cho thấy một hoặc nhiều đợt thuyên tắc ĐM ở 29 BN (35%). Có tổng cộng 46 thuyên tắc đồng thời được thấy trong các phần khác của cơ thể ở 36 BN (44%); 5 xảy ra ở tay; 21 ở chân và 15 TH ở ĐM thận hoặc ở một ĐM tạng khác.

- Các yếu tố nguy cơ huyết khối TM mạc treo cấp tính: Trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi, 10 BN (71,4%) huyết khối TM mạc treo có nguyên nhân rõ ràng bao gồm 7 TH có huyết khối TM ngoại biên, một TH phẫu thuật nhồi máu ĐM mạc treo cách 4 năm, một TH mắc hội chứng thận hư và một TH cắt tử cung kèm cắt ruột thừa cách nửa tháng. Tất cả các BN này đều liên quan đến yếu tố tăng đông đã được đề cập trong nghiên cứu của các tác giả khác [34],[80],[94]. Khi xét nghiệm máu để tìm nguyên nhân tăng đông, chúng tôi chỉ thực hiện được ở 3 BN. Chỉ có một TH ghi nhận có thiếu hụt protein C và protein S. Cũng như kết quả nghiên cứu của Kassahun và cs [67], tỉ lệ BN có tình trạng tăng đông ở nhóm BN tắc TM cao hơn ở nhóm BN tắc ĐM có ý nghĩa. Tỉ lệ BN bị huyết khối TM có tình trạng tăng đông là từ 33% đến 54% [39],[42],[67],[94],[107].

Rhee [107] báo cáo 57/72 BN (79%) có huyết khối TM mạc treo thứ phát. Nguyên nhân phổ biến là mới được phẫu thuật bụng, tình trạng tăng đông, hút thuốc lá, tiền sử có huyết khối TM mạc treo, và huyết khối TM sâu. Theo các tác giả, hiện nay số lượng BN được chẩn đoán huyết khối TM mạc treo thứ phát tăng lên là do gia tăng cảnh giác với các rối loạn tạo điều kiện phát sinh huyết khối TM mạc treo.

Sự thiếu hụt các chất kháng đông sinh lý như antithrombin III, protein C, và protein S được biết như là các yếu tố nguyên nhân của huyết khối TM mạc treo. Các tình trạng tăng đông do bệnh huyết học như tăng hồng cầu nguyên phát, tăng tiểu cầu, tăng fibrinogen máu, và bệnh tăng sinh tủy cũng như những thay đổi về nội tiết tố estrogen cũng liên quan đến huyết khối TM mạc treo. Việc sử dụng thuốc ngừa thai đường uống chiếm khoảng 9 đến 18% các TH huyết khối TM mạc treo ở phụ nữ trẻ [80]. Có 30 BN (42%) trong nghiên cứu của Rhee [107] có một tình trạng tăng đông. Clavien [39] ghi nhận có 7/13 BN (54%) huyết khối TM mạc treo cấp tính, đã có những đợt huyết khối TM sâu ở chân hoặc có thuyên tắc phổi. Theo Morasch [94], hầu hết BN huyết khối TM mạc treo cấp tính có xu hướng tăng đông, tiền sử bệnh tăng đông của bản thân hoặc gia đình phối hợp với các triệu chứng của bụng sẽ làm tăng mức độ nghi ngờ huyết khối TM mạc treo; trong nghiên cứu này, có 6 BN có tiền sử huyết khối TM sâu hoặc huyết khối ĐM. Tình trạng tăng đông được chẩn đoán ở 13 BN (42%), trong đó 12 TH thật sự có thiếu hụt protein C, protein S, hoặc antithrombin III và một TH có sự đề kháng protein C hoạt hóa. Theo Divino [42], trong 9 BN nhồi máu ruột do huyết khối TM mạc treo, chẩn đoán được nghi ngờ trước mổ ở 3 BN đã biết có tình trạng tăng đông máu.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, hình ảnh cắt lớp điện toán và kết quả điều trị phẫu thuật nhồi máu ruột do tắc mạch mạc treo (Trang 97 - 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)