Phương pháp chụp cắt lớp điện toán

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, hình ảnh cắt lớp điện toán và kết quả điều trị phẫu thuật nhồi máu ruột do tắc mạch mạc treo (Trang 66 - 68)

Do vai trò của CCLĐT là một trong những nội dung chính của nghiên cứu nên chúng tôi đề cập chi tiết như sau:

2.2.4.1. Chỉ định

CCLĐT hai thì khảo sát mạch máu mạc treo được chỉ định trong chẩn đoán ở bệnh nhân mà lâm sàng nghi ngờ bị nhồi máu ruột do tắc mạch mạc treo.

2.2.4.2. Kỹ thuật chụp cắt lớp điện toán

Hầu hết các BN trong nghiên cứu được chụp bằng máy cắt lớp điện toán 4 hàng đầu dò hiệu Siemens Somatom-4 (Siemens Medical System, Erlangen, Đức) với các thông số như độ mở cửa sổ 2,5×4 mm, tốc độ dịch chuyển bàn là 1:1, cường độ dòng điện là 120-130 mA, điện thế là 120 KVp, trường chụp từ bờ trên của gan đến khớp mu. Khoảng cách dựng hình là 5-7 mm. Chụp trước và sau tiêm thuốc tương phản. Thuốc tương phản dùng đường TM không iôn hóa (Xenetix 300, Ultravist 300-370; Schering, Berlin, Đức) với liều trung bình là 100-150 ml (1,2-2 ml/ kg cân nặng) được tiêm bằng máy bơm tự động Medrad – IV (Medrad, Pittsburgh, PA) với thể tích 3-4 ml/ giây qua kim 18-gauge lưu ở TM khuỷu tay, bơm một thì không dùng test bolus. Áp dụng quy trình chụp hai thì, thì ĐM được chụp ở thời điểm 25-30 giây kể từ khi bơm bắt đầu tiêm thuốc tương phản, chiều dày lát cắt là 2,5 mm và thì TM chụp ở thời điểm 65-70 giây, chiều dày lát cắt là 5 mm, tốc độ di chuyển bàn là 12 mm/ giây, trường chụp từ vòm hoành đến khớp mu. Hình ảnh thu được ở mặt phẳng ngang tiêu chuẩn, khi cần thiết sẽ tái tạo ảnh ở mặt phẳng trán hoặc mặt phẳng dọc. Phim được đặt ở cửa sổ mô mềm (độ rộng cửa sổ là 300-350 HU (Hounsfield unit), mức trung tâm cửa sổ là 40-50 HU) để đánh giá thành ruột, các tạng đặc, cấu trúc mạch máu; và ở cửa sổ phổi (độ rộng

cửa sổ là 500-1000 HU, mức trung tâm cửa sổ là từ -100 đến 0 HU) để tìm các dấu hiệu hơi ngoài lòng ruột.

2.2.4.3. Người đọc phim chụp cắt lớp điện toán

- Bác sĩ khoa chẩn đoán hình ảnh bệnh viện Chợ Rẫy đọc phim trước mổ (không biết kết quả mổ).

- Người làm nghiên cứu đọc lại phim trên cơ sở đối chiếu lâm sàng, hình ảnh CCLĐT với thương tổn khi mổ ở tất cả các BN.

- Tất cả các dấu hiệu ghi nhận được trên hình ảnh CCLĐT đều được tham khảo và đồng thuận của bác sĩ có nhiều kinh nghiệm của khoa chẩn đoán hình ảnh bệnh viện Chợ Rẫy (không biết kết quả mổ) trước khi ghi số liệu vào bảng kết quả.

Bảng 2.2. Tỉ lệ tương đồng về kết quả đọc các dấu hiệu trên phim CCLĐT

Dấu hiệu Tỉ lệ tương đồng (%) (n=97)

Huyết khối ĐM MTTT 95/97 (97,9)

Huyết khối TM MTTT 96/97 (99,0)

Hơi trong thành ruột 90/97 (92,8)

Hơi TM cửa 97/97 (100)

Nhồi máu tạng khác 95/97 (97,9)

Ruột giảm bắt cản quang khu trú 93/97 (96,0)

Ruột giãn 94/97 (96,9)

Tắc ruột 93/97 (96,0)

Thành ruột dày có bắt cản quang 81/97 (83,5)

Phù mỡ mạc treo 86/97 (88,7)

Dịch ổ bụng 94/97 (96,9)

- Như vậy, phân tích kappa cho thấy tỉ lệ tương đồng về kết quả đọc các dấu hiệu CCLĐT giữa người làm nghiên cứu và bác sĩ của khoa chẩn đoán hình ảnh bệnh viện Chợ Rẫy thay đổi từ 83,5% đến 100%.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, hình ảnh cắt lớp điện toán và kết quả điều trị phẫu thuật nhồi máu ruột do tắc mạch mạc treo (Trang 66 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)