Biến chứng sau mổ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, hình ảnh cắt lớp điện toán và kết quả điều trị phẫu thuật nhồi máu ruột do tắc mạch mạc treo (Trang 113 - 115)

Tỉ lệ biến chứng sau mổ trong nghiên cứu của chúng tôi là 58,3%, tương đương với kết quả từ 55% đến 68% của các nghiên cứu khác [44],[62],[63],[67],[77],[112].

Biến chứng hô hấp là thường gặp nhất, chiếm 20,8%, tiếp đến là suy thận, chiếm 18,8%. Kết quả nghiên cứu của Kassahun [67] cũng ghi nhận biến chứng sau mổ phổ biến nhất là suy hô hấp và suy đa tạng. Kougias [77] thì có 14% BN viêm phổi, 11% BN suy thận và 10% BN có nhiễm khuẩn huyết sau mổ. Theo Hsu [62], biến chứng hô hấp là thường gặp nhất, chiếm 16% TH, tiếp theo là nhiễm khuẩn huyết, chiếm 14% TH, và nhiễm khuẩn vết mổ ở 13% TH. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỉ lệ BN có nhiễm khuẩn vết mổ là 14,6%, ngoài ra chúng tôi còn ghi nhận 16,7% BN có viêm quanh lỗ mở ruột ra da; đây là biến chứng chỉ xảy ra ở những BN có đưa đầu ruột non ra da.

TMCB ruột tiếp diễn xảy ra ở 6 BN (12,5%), trong đó 2 BN thuộc nhóm tắc ĐM và 4 BN trong nhóm tắc TM. Acosta-Merida [10] đã báo cáo TMCB ruột tiếp diễn xảy ra ở 27,3% TH. Kết quả nghiên cứu của Kougias [77] cho thấy 6 BN (8%) có tắc ĐM mạc treo trong thời gian hậu phẫu được xác nhận bằng CCLĐT ở 4 TH và siêu âm Doppler ở 2 TH; 3 BN trong số này tử vong ngay sau đó. Trong nhóm BN được điều trị phẫu thuật của Batellier [23], có 9 TH (14%) thuyên tắc ĐM tái diễn, 5 TH trong các BN này tử vong trong giai đoạn hậu phẫu, mặc dù tất cả BN trong nghiên cứu này đều được sử dụng heparin đầy đủ ngay sau khi chẩn đoán được nghi ngờ. Theo Endean [46] và Ritz [108], ngoài phẫu thuật, việc tích cực điều chỉnh các rối loạn góp phần làm tăng sự co thắt mạch máu mạc treo trong giai đoạn hậu phẫu như suy tim, choáng do tim cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm TMCB tái diễn. Nếu có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng hay xét nghiệm cận lâm sàng nào nghi ngờ có sự diễn tiến hoặc tái diễn của TMCB ruột trong giai đoạn hậu phẫu thì phải mổ lại. Bên cạnh đó, nếu bác sĩ phẫu thuật có để lại đoạn ruột còn nghi ngờ khả năng sống trong lần mổ đầu tiên, thì phẫu thuật xem lại được thực hiện thường quy sau 24 giờ. Ritz [108] đã thực hiện phẫu thuật xem lại ở 42 TH (22,4%) và 60% TH này được lên kế hoạch dựa trên các dấu hiệu lâm sàng trong lần phẫu thuật đầu tiên.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, cả 2 TH TMCB tiếp diễn trong nhóm tắc ĐM đều không được sử dụng thuốc kháng đông và không có kế hoạch phẫu thuật

xem lại trong lần mổ đầu tiên. 1 TH được phẫu thuật lại vào ngày hậu phẫu thứ bảy, phát hiện thủng 4 lỗ ở ruột non do hoại tử ruột tiếp diễn, 1 TH phát hiện có dấu hiệu hoại tử ruột vào ngày thứ năm nhưng bệnh diễn tiến nặng và tử vong vào ngày thứ bảy sau mổ. Ở nhóm tắc TM, 2 TH không sử dụng thuốc kháng đông kịp thời sau mổ, TMCB ruột diễn tiến đến nhồi máu ruột, 1 TH phẫu thuật lại cắt thêm gần toàn bộ ruột non, 1 TH phẫu thuật lại cắt toàn bộ hồi tràng và đại tràng phải. 2 TH còn lại, mặc dù được điều trị thuốc kháng đông kịp thời nhưng có xuất hiện TMCB ruột cấp tính vào ngày hậu phẫu thứ năm và ngày thứ mười ba, cả 2 TH này đều được CCLĐT bụng kiểm tra phát hiện có huyết khối TM MTTT và ruột chưa bị nhồi máu nên được điều trị nội khoa thành công.

Chảy máu sau mổ xảy ra ở 4 TH (8,3%), trong đó 3 TH chảy máu từ đường tiêu hóa, 1 TH chảy máu từ vết mổ, tất cả các TH này đều được điều trị nội khoa thành công. Theo Batellier [23], 6 BN (9%) xảy ra biến chứng chảy máu từ đường tiêu hóa; do đó, trong TH nhồi máu mạc treo do thuyên tắc ĐM MTTT, Boley [27] khuyến cáo nên bắt đầu điều trị thuốc kháng đông với liều chống huyết khối TM sau phẫu thuật 48-72 giờ, khi ruột đã hoạt động mà không có đi tiêu phân đen. Tuy nhiên, trong TH nhồi máu ruột do huyết khối TM mạc treo, các tác giả đều khuyến cáo sử dụng heparin ngay sau khi có chẩn đoán huyết khối TM mạc treo [46],[55],[80],[107].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, hình ảnh cắt lớp điện toán và kết quả điều trị phẫu thuật nhồi máu ruột do tắc mạch mạc treo (Trang 113 - 115)