Tình hình nghiên cứu tại Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về chất lượng dịch vụ đào tạo tại khoa du lịch trường đại học công nghiệp thực phẩm thành phố hồ chí minh (Trang 34 - 36)

Bắt kịp xu hướng của các nhà nghiên cứu trên thế giới, trong những năm qua có không ít những nghiên cứu về sự hài lòng của sinh viên đối với CLDVĐT tại các tổ chức giáo dục Việt Nam. Một số nghiên cứu tác giả thu thập và tóm tắt như sau:

Thứ nhất là nghiên cứu của Nguyễn Văn Vũ An, Lê Quang Trung và Bùi Hoàng Nam (2014) về “Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của sinh viên đối với công tác đào tạo tại Khoa Kinh tế, Luật”. Nghiên cứu sử dụng mô hình SERVPERF đo lường cảm nhận của khách hàng, từ đó xác định CLDV. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra 6 thang đo có khả năng ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của sinh viên là (1) Chương trình đào tạo; (2) Trình độ chuyên môn của giảng viên; (3) Sự nhiệt tâm của giảng viên; (4) Tổ chức, quản lý đào tạo; (5) Cơ sở vật chất; (6) Nhân viên văn phòng; (7) Các hoạt động phong trào. Nghiên cứu được thực hiện trên số lượng mẫu là 400 sinh viên thuộc 4 bộ môn: Kinh tế - Quản trị Kinh doanh, Kế toán, Tài chính – Ngân hàng, Luật. Kết quả cho thấy có 4 nhân tố tác động đến mức độ hài lòng của sinh viên đối với công tác đào tạo được sắp xếp theo thứ tự mức độ ảnh hưởng giảm dần: Trình độ chuyên môn của giảng viên; Chương trình đào tạo; Tổ chức, Quản lý đào tạo; Nhân viên văn phòng.

Thứ hai là nghiên cứu của Phan Minh Trung (2014) về “Sự hài lòng của sinh viên đối với CLDVĐT tại Trường ĐH An Giang”. Nghiên cứu dựa vào mô hình SERVQUAL với 5 thang đo là (1) Phương tiện hữu hình; (2) Tin cậy; (3) Đáp ứng; (4) Năng lực phục vụ; (5) Cảm thông. Nghiên cứu thu thập 1.521 sinh viên ở 6 Khoa: Kinh tế - QTKD; Nông nghiệp; Sư phạm; Kỹ thuật – Công nghệ - Môi

trường; Văn hóa Nghệ thuật; Lý luận Chính trị năm học 2012 – 2013. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 3 thành phần của CLDVĐT ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên với mức độ ảnh hưởng mạnh nhất là nhân tố Sẵn lòng giúp đỡ, kế đến là nhân tố Tin cậy và cuối cùng nhân tố có mức độ ảnh hưởng thấp hơn 2 nhân tố trên là nhân tố Cơ sở vật chất.

Thứ ba là nghiên cứu của Phạm Thị Liên (2016) về “CLDVĐT và sự hài lòng của người học. Trường hợp Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội”. Nghiên cứu sử dụng khung phân tích với bốn nhân tố (1) Cơ sở vật chất; (2) Chương trình đào tạo; (3) Giảng viên; (4) Khả năng phục vụ. Số lượng mẫu khảo sát gồm 160 sinh viên của các khoa tại trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy có ba nhân tố có tác động đến sự hài lòng của người học theo thứ tự giảm lần lượt là: Chương trình đào tạo; Khả năng phục vụ của cán bộ, Nhân viên trong trường và Cơ sở vật chất.

Thứ tư là nghiên cứu của Võ Văn Việt (2016) về “Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng về CLDVĐT tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM”. thang đo HEdPERF được sử dụng thực hiện dựa trên dữ liệu 3.393 sinh viên. Các thành phần của thang đo là (1) Phi học thuật, (2) Học thuật, (3) Danh tiếng, (4) Tiếp cận, (5) Chương trình đào tạo. Kết quả chỉ ra 5 nhân tố có tác động đến sự hài lòng của sinh viên đại học về CLDVĐT từ mạnh đến yếu dần là: danh tiếng; phi học thuật; chương trình đào tạo là 3 nhân tố có tác động mạnh nhất còn lại là 2 nhân tố học thuật và tiếp cận.

Thứ năm là nghiên cứu của Phước Minh Hiệp, Võ Danh Thìn (2017) về “Sự hài lòng của sinh viên đối với CLDVĐT tại Trường ĐH Bình Dương”. Nghiên cứu sử dụng mô hình HEdPERF hiệu chỉnh của Abdullah (2006) với năm nhân tố được xác định có ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về CLDVĐT là (1) Phi học thuật; (2) Học thuật; (3) Danh tiếng; (4) Chương trình đào tạo; (5) Tiếp cận. Mẫu khảo sát được chọn trong nghiên cứu gồm 300 sinh viên tại Trường Đại học Bình Dương. Kết quả đánh giá cho thấy cả năm nhân tố đều có ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về CLDVĐT theo thứ tự giảm dần sự ảnh hưởng như sau: Tiếp cận; Học thuật; Danh tiếng; Phi học thuật và Chương trình đào tạo.

Thứ sáu là nghiên cứu của Nguyễn Thị Như Quỳnh (2018) về “Một số kiến nghị nhằm nâng cao CLDVĐT tại Khoa Thương mại Điện tử và Truyền thông”. Nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở lý thuyết về CLDVĐT của mô hình HEdPERF ban đầu gồm 5 nhân tố (1) Khía cạnh học thuật; (2) Chương trình đào tạo; (3) Khía cạnh ngoài học thuật; (4) Cơ sở vật chất; (5) Sự tiếp cận. Nghiên cứu được khảo sát 177 mẫu là các sinh viên đang theo học tại Khoa và các cựu sinh viên Khoa Thương mại điện tử và Truyền thông. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 6 nhân tố ảnh hưởng đến CLDVĐT của khoa lần lượt từ cao đến thấp là Học thuật; Chương trình đào tạo; Ngoài học thuật; Tiếp cận; Cơ sở vật chất trong lớp và cuối cùng là Cơ sở vật chất ngoài lớp.

Thứ bảy là nghiên cứu của Nguyễn Thị Ngọc Xuân (2018) về “Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về chất lượng dịch vụ giáo dục của Trường ĐH Trà Vinh”. Mô hình nghiên cứu được xây dựng dựa trên khung lý thuyết của Parasuraman (1988) với 5 thang đo được xác định có ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của sinh viên về chất lượng dịch vụ giáo dục lần lượt là: (1) Tiếp cận dịch vụ giáo dục; (2) Cơ sở vật chất; (3) Môi trường giáo dục; (4) Hoạt động giáo dục; (5) Kết quả giáo dục. Nghiên cứu khảo sát trên 909 sinh viên đang theo học tại trường. Kết quả cho thấy, các nhân tố có tác động đến mức độ hài lòng của sinh viên về chất lượng dịch vụ giáo dục của Trường ĐH Trà Vinh theo thứ tự từ mạnh đến giảm dần là nhân tố kết quả giáo dục; Hoạt động giáo dục; Môi trường giáo dục; Cơ sở vật chất; và nhân tố Tiếp cận dịch vụ giáo dục là nhân tố có mức độ ảnh hưởng thấp nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về chất lượng dịch vụ đào tạo tại khoa du lịch trường đại học công nghiệp thực phẩm thành phố hồ chí minh (Trang 34 - 36)