Thông qua cơ sở tổng quan các tài liệu tham khảo về CLDV cũng như CLDVĐT tại các tổ chức giáo dục, tác giả ứng dụng và vận dụng linh hoạt các cơ sở lý thuyết trên cho nghiên cứu của mình. Trước khi đề xuất mô hình nghiên cứu của mình, tác giả xin đưa ra Bảng tổng hợp các nhân tố ảnh hưởng sự hài lòng về CLDV và CLDVĐT (chi tiết Phụ lục 15).
2.3.2 Mô hình nghiên cứu đề xuất
Trong số các mô hình nghiên cứu về CLDV thì mô hình SERVQUAL của Parasuraman và cộng sự (1991) là chi tiết hơn cả nhưng các thang đo của mô hình này phục vụ cho các nghiên cứu về CLDV đối với mọi lĩnh vực và ngành nghề.
Mô hình SERVPERF cũng tương tự như mô hình SERVQUAL, chỉ khác nhau là mô hình SERVPERF đo lượng CLDV thông qua mức độ cảm nhận của khách hàng, thay vì đo lường sự khác biệt giữa mức độ cảm nhận của khách hàng và kỳ vọng của khách hàng như mô hình SERVQUAL. Và các thang đo cũng được sử dụng cho các lĩnh vực chung chung, không phân biệt ngành nghề.
Nếu như sử dụng một trong hai mô hình trên để thực hiện nghiên cứu cho luận văn này thì tác giả cho rằng, việc nghiên cứu cần phải chọn lọc lại, loại bỏ cũng như phải bổ sung thêm một số biến quan sát cho phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của tác giả là lĩnh vực giáo dục. Trong khi đó, hiện nay các nhà nghiên cứu ở khắp nơi trên thế giới cũng đã cho ra đời một số mô hình nghiên cứu mang tính ứng dụng thực tiễn và đã được kiểm nghiệm tại một số tổ chức giáo dục trên thế giới như mô hình HEdPERF hiệu chỉnh của Abdulah (2006) nghiên cứu tại các trường đại học ở Malaysia, mô hình PHed của Sultan và Wong (2010) nghiên cứu tại các trường đại học ở Nhật Bản, mô hình HiEdQUAL của Annamderula và Bellamkonda (2012) nghiên cứu tại các trường đại học ở Ấn Độ. Với 3 mô hình nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục, tác giả mạnh dạn chọn mô hình nghiên cứu HEdPERF hiệu chỉnh của Abdulah (2006) cho nghiên cứu của mình vì theo quan điểm của tác giả mô hình HEdPERF thỏa mãn được cả hai vấn đề thứ nhất là được ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục đại học, thứ hai là các thang đo bao quát hầu hết các khía cạnh trong CLDV giáo dục, bên cạnh đó đất nước Malaysia có những nét văn hóa tương đồng với Việt Nam và cũng là một trong số những quốc gia có điều kiện kinh tế gần giống với Việt Nam nhất so với Ấn Độ và Nhật Bản. Chính vì vậy, tác giả kế thừa mô hình này cho đề tài của mình với biến phụ thuộc là Sự hài lòng của sinh viên về CLDVĐT và 5 biến độc lập là (1) Phương diện phi học thuật; (2) Phương diện học
thuật; (3) Danh tiếng; (4) Sự tiếp cận; (5) Chương trình đào tạo. Mô hình nghiên cứu đề xuất của tác giả như sau:
Hình 2.6: Mô hình nghiên cứu đề xuất của tác giả
(Nguồn: Tổng hợp của tác giả)
Do giới hạn về thời gian nghiên cứu cũng như đối tượng khảo sát là những sinh viên đang theo học tại Khoa Du lịch Trường HUFI, việc thu thập dữ liệu bằng kỹ thuật thảo luận nhóm sinh viên để đưa ra được mô hình nghiên cứu chính thức cho đề tài phụ thuộc nhiều vào những trãi nghiệm cá nhân của từng sinh viên đối với CLDVĐT, điều này làm cho việc thu thập dữ liệu tương đối khó khăn hoặc kém hiệu quả. Chính vì vậy, tác giả không tiến hành thu thập ý kiến của đối tượng khảo sát để điều chỉnh mô hình nghiên cứu đề xuất. Cho nên, mô hình nghiên cứu đề xuất này cũng chính là mô hình nghiên cứu chính thức của luận văn, sau đây, tác giả sẽ gọi là mô hình nghiên cứu.