Kiểm định Cronbach’s alpha là kiểm định nhằm phân tích, đánh giá độ tin cậy của thang đo. Mục đích của kiểm định này là tìm hiểu xem các biến quan sát có cùng đo lường cho một khái niệm cần đo hay không. Giá trị đóng góp nhiều hay ít
được phản ánh thông qua hệ số tương quan biến tổng Corrected Item – Total Correlation. Qua đó, cho phép loại bỏ những biến không phù hợp trong mô hình nghiên cứu.
Về lý thuyết, hệ số Cronbach’s alpha càng cao càng tốt, có nghĩa là thang đó có độ tin cậy càng cao. Tuy nhiên, điều này không thực sự như vậy; vì hệ số Cronbach’s alpha quá lớn (> 0,95) cho thấy có nhiều biến trong thang đo không có khác biệt gì với nhau nghĩa là chúng có cùng đo lường một nội dung nào đó của khái niệm nghiên cứu. Hiện tượng này được gọi là hiện tượng trùng lắp trong đo lường (redundancy). Vì vậy, Cronbach’s alpha ≥ 0,6 là thang đo có thể chấp nhận được về mặt độ tin cậy (Nunnally & Bernstein 1994) (Nguyễn Đình Thọ 2013).
Các biến đo lường dùng để đo lường cùng một khái niệm nghiên cứu nên chúng phải có tương quan chặt chẽ với nhau. Vì vậy, khi kiểm tra từng biến đo lường chúng ta sử dụng hệ số tương quan biến tổng (item – total correlation). Nếu một biến đo lường có hệ số tương quan biến tổng hiệu chỉnh ≥ 0,3 thì biến đó đạt yêu cầu (Nunnally và Bernstein 1994). Tuy nhiên, nếu chúng trùng lắp hoàn toàn (r = 1) thì hai biến đo lường này thật sự chỉ làm một việc và chúng chỉ cần một trong hai biến là đủ. Vì vậy, một thang đo có độ tin cậy tốt khi nó biến thiên trong khoảng [0,75 – 0,95].
Dựa vào khung lý thuyết trên, đối với nghiên cứu này, tác giả sử dụng tiêu chuẩn để chấp nhận các biến là Cronbach’s alpha > 0,6 và Corrected Item – Total Correlation ≥ 0,3.