Đặc điểm kinh tế-xã hội tỉnh Hòa Bình

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Quản lý đào tạo nghề cho Lao động nữ ở nông thôn theo Đề án 1956.QĐ-TTg của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình (Trang 42 - 44)

Hòa Bình là một tỉnh miền núi, nằm ở cửa ngõ Tây Bắc của tổ quốc, có diện tích tự nhiên 4.662,53 km2. Phía bắc giáp với tỉnh Phú Thọ; phía nam giáp với các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình; phía đông giáp thủ đô Hà Nội, phía Tây giáp với các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, có vị trí quan trọng trong chiến lược phòng thủ của khu vực và cả nước.

Tỉnh có 210 đơn vị hành chính gồm 191 xã, 8 phường; 11 thị trấn, gồm 6 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống (trong đó, dân tộc Mường chiếm 63,3%; dân tộc Kinh chiếm 27,73%; dân tộc Thái chiếm 3,9%; dân tộc Dao chiếm 1,7%; Dân tộc Tày chiếm 2,7%; dân tộc Mông chiếm 0,52%); công tác đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; trình độ dân trí thấp, không đồng đều giữa các vùng, thu nhập của người dân chủ yếu là phát triển trồng trọt, chăn nuôi chính vì vậy dẫn đến đời sống của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình còn gặp nhiều khó khăn.

Xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy dân chủ, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động sáng tạo, huy động, sử dụng tốt các nguồn lực; tranh thủ thời cơ thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng phát triển bền vững; tạo bước chuyển biến cơ bản về cơ cấu kinh tế.

Tập trung xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội từng bước hoàn thiện; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân...

Công tác xoá đói, giảm nghèo và chính sách an sinh xã hội luôn được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực; Đào tạo nghề cho 15.700 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54,2%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 22%. Triển khai thực hiện tốt phong trào Đền ơn, đáp nghĩa, xét duyệt danh sách cấp 11.895 thẻ BHYT cho người có công và thân nhân; thực hiện điều dưỡng tập trung cho 2.500 người. Thực hiện đầy đủ các chính sách đối với các đối tượng chính sách xã hội và

người nghèo; tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững; hỗ trợ 406 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở với tổng số tiền 10,15 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới 45 nhà và sửa chữa 02 nhà đại đoàn kết từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” với tổng kinh phí hỗ trợ 1,35 tỷ đồng. Chương trình tín dụng ưu đãi tiếp tục được đẩy mạnh, đã có 6.465 hộ nghèo; 5.167 lượt hộ cận nghèo …được vay vốn với tổng số tiền 804,98 tỷ đồng để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn khoảng 11,64 %, giảm 3,1% so với năm 2018.

Công tác quản lý và điều hành ngân sách được quan tâm chỉ đạo; các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc việc kê khai, nộp thuế, hoàn thuế được tăng cường. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 4.000 tỷ đồng, bằng 130% so với dự toán được Thủ tướng chính phủ giao và bằng 105% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong đó, thu nội địa là 3.790 tỷ đồng, bằng 127% so với dự toán được Thủ tướng chính phủ giao; thu xuất nhập khẩu 210 tỷ đồng, bằng 191% so với dự toán được giao, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách địa phương đạt 13.012 tỷ đồng, bằng 132% so với dự toán được Thủ tướng chính phủ giao. Trong đó, thu được hưởng theo phân cấp 3.500 tỷ đồng; thu bổ sung cân đối từ Ngân sách Trung ương 4.975 tỷ đồng; thu bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương 2.416 tỷ đồng, thu chuyển nguồn 1.801 tỷ đồng.

Tăng cường quản lý chi ngân sách đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo kinh phí thực hiện mục tiêu tăng trưởng, các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội của địa phương, các chính sách an sinh xã hội; tổng chi ngân sách địa phương đến 25/11/2019 đạt 12.822 tỷ đồng, bằng 130% so với dự toán Thủ tướng chính phủ giao. Trong đó, chi đầu tư phát triển 1.546 tỷ đồng; chi thường xuyên 7.561 tỷ đồng, chi chuyển nguồn năm sau 1.625 tỷ đồng.

Nói tóm lại, trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Tuy nhiên, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản còn gặp khó khăn. Kế hoạch phát triển sản phẩm lợi thế, thực hiện Đề án và kế hoạch tái cơ cấu ngành trên từng lĩnh vực của một số địa phương còn chậm. Liên kết sản xuất và tiêu thụ còn ít, quy mô nhỏ và thiếu bền vững. Đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn ít, việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất tạo cánh đồng lớn để sản xuất sản phẩm tập trung còn hạn chế, chưa tạo ra sự gắn kết bền chặt giữa lao động nữ ở nông thôn và doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Quản lý đào tạo nghề cho Lao động nữ ở nông thôn theo Đề án 1956.QĐ-TTg của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình (Trang 42 - 44)