Đặc điểm đào tạo nghề cho lao độngnữ ở nông thôn

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Quản lý đào tạo nghề cho Lao động nữ ở nông thôn theo Đề án 1956.QĐ-TTg của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình (Trang 31 - 32)

Đào tạo nghề cho lao động nữ ở nông thôn về cơ bản mang các đặc điểm của đào tạo nghề nói chung và cũng là quá trình tương tác giữa dạy nghề và học nghề, và giúp cho lao động nữ ở nông thôn có đủ kỹ năng, kiến thức và thái độ nghề nghiệp cần thiết về một nghề nhất định. Đào tạo nghề cho lao động nữ ở nông thôn mang một số đặc điểm như sau:

Thứ nhất, lao động nữ ở nông thôn có số lượng lớn trong khi khả năng đào tạo nghề còn hạn chế, nguồn lao động nữ ở nông thôn lớn nên đối tượng đào tạo nghề cho lao động nữ ở nông thôn có số lượng lớn. Tuy nhiên thực tế hiện nay, lực lượng lao động nữ ở nông thôn được đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về nghề nghiệp chiếm tỷ lệ rất thấp, hầu hết các kiến thức, kinh nghiệm người lao động sử dụng đều thông qua sự đúc rút kinh nghiệm trong quá trình làm việc và sự truyền dạy lại của các thế hệ trước.

Thứ hai, đối tượng lao động nữ ở nông thôn tham gia đào tạo nghề đa dạng về độ tuổi, tình trạng sức khỏe, trình độ, hoàn cảnh sống, điều kiện sản xuất. Do tính đa dạng của đối tượng đào tạo, nên việc tổ chức các khóa đào tạo phải rất linh hoạt về chương trình đào tạo, hình thức đào tạo, phương thức đào tạo và phương pháp truyền đạt... Chương trình đào tạo phải sinh động, đa dạng và thiết thực, phù hợp với trình độ, hoàn cảnh của người học để tất cả người lao động nữ ở nông thôn có cơ hội được đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ đó tìm việc làm và tạo việc làm có năng suất lao động cao hơn, nâng cao dần mức sống của người dân.

Thứ ba, lao động nữ nông thôn có nguồn lực hạn chế nên việc tham gia các lớp đào tạo nghề rất khó khăn. Số lượng đối tượng đào tạo nghề rất lớn, tuy nhiên do đó là những người dân ở nông thôn. Đó là nơi GDP đầu người thấp, sản xuất hàng hóa ít phát triển, thị trường lao động ít phát triển, ít có khả năng tiếp cận với hệ thống giáo dục đào tạo, cơ sở hạ tầng kém phát triển, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân chưa đảm bảo, môi trường sống của dân cư nông thôn chậm cải thiện (giao thông, điện, nước sạch...) do đó điều kiện của họ cho việc học nghề rất hạn hẹp, đặc biệt là học ở bậc cao và theo các hình thức trường lớp.

Thứ tư, nhiều lao động nữ ở nông thôn chưa có nhận thức đúng về đào tạo nghề, học nghề. Ngoài ra, nhiều nông dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng

của việc đào tạo nghề nên không mặn mà với các trung tâm dạy nghề. Nhiều gia đình chỉ tính đến việc cho con em mình theo học nghề khi không đủ chỉ tiêu để theo học bất kỳ hệ đào tạo nào khác. Việc đào tạo nâng cao nhận thức và các kiến thức khác không phụ thuộc vào thời vụ cần được tổ chức vào thời điểm nông nhàn để người dân có điều kiện tham gia đông đủ hơn. Do tính thời vụ nên một bộ phận lớn người lao động nữ ở nông thôn cần có thêm việc làm trong thời gian nông nhàn để tăng thu nhập, đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Thứ năm, Tính chất thời vụ của nguồn lao động nữ nông thôn đòi hỏi việc tổ chức đào tạo nghề, tập huấn các kiến thức liên quan về trồng cây, vật nuôi cũng phải được sắp xếp phù hợp và kịp với thời vụ thì mới đạt hiệu quả cao.

Thứ sáu, lao động nữ ở nông thôn sống trong một địa bàn rộng lớn, do đó đào tạo nghề không chỉ ở trường lớp chính quy mà cần bám sát địa bàn, tổ chức các lớp học tại nơi cư trú của lao động trong nông thôn. Bên cạnh các cơ sở đào tạo chuyên, hệ thống các tổ chức kinh tế như hộ thủ công truyền thống, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, các tổ chức xã hội như hội Nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, đặc biệt là các tổ chức khuyến nông, lâm, ngư cũng đảm nhận chức năng đào tạo.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Quản lý đào tạo nghề cho Lao động nữ ở nông thôn theo Đề án 1956.QĐ-TTg của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình (Trang 31 - 32)