quan đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu tại Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh
- Công tác quản lý Hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu tại Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh còn bộc lộ những hạn chế nhất định như:
+ Tại khâu lập kế hoạch, do thực hiện lập kế hoạch theo hướng dẫn từ cấp trên nên đây là khâu có thể nói là rất hạn chế (không định lượng, không cụ thể đối tượng quản lý trong kế hoạch quản lý) đối với công tác quản lý hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu của Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh. Điều này xuất phát từ nguyên nhân khách quan: do Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh phải thực hiện lập kế hoạch theo hướng dẫn của Tổng Cục Hải quan, thêm một nguyên nhân nữa là do việc quản lý hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu đã được pháp luật quy định, cơ quan Hải quan thực hiện việc quản lý hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu chỉ cần tuân theo quy định của pháp luật là đủ.
+ Việc kiểm tra hồ sơ tại khâu tiếp nhận chưa hiệu quả; Số lượng tờ khai hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu trung bình được thực hiện bởi một cán bộ công chức Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh qua từng năm rất cao, trung bình từ năm 2012 đến hết năm 2015 là 2.016 tờ khai/người/năm. Như vậy 01 tháng một công chức tiếp nhận khoảng 168 tờ khai. Thực tế tại khâu tiếp nhận của từng Chi cục Hải quan, số công chức chuyên trách chỉ khoảng từ 5-10 người, như vậy khối lượng công việc tăng lên gấp 17-35 lần, do đó công chức tiếp nhận khi kiểm tra hồ sơ khai báo của doanh nghiệp vẫn còn sơ sài, mang tính hình thức. Do đó công tác phát hiện gian lận của doanh nghiệp liên quan tới hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu tại khâu thông quan còn hạn chế, chưa hiệu quả.
+ Việc bố trí, phân công nhiệm vụ cho cán bộ công chức chưa phù hợp chuyên môn dẫn tới công tác kiểm tra báo cáo quyết toán tại Chi cục Hải quan còn hạn chế. + Việc kiêm nhiệm nhiều công việc dẫn đến sự không chuyên môn hóa trong công tác nghiệp vụ. Do nguồn nhân lực ít, công việc nhiều nên hầu như một công chức luôn phải đảm nhận nhiều công việc một lúc. Ví dụ như tại Chi cục KTSTQ
một cán bộ thuộc Đội Tổng hợp vừa làm nghiệp vụ, vừa phải đảm nhận công tác kế toán thuế tại Chi cục vừa phải kiêm nhiệm công tác văn thư lưu trữ trong khi không được đào tạo về kế toán thuế, văn thư. Do đó công chức phải mất thời gian tìm tòi, nghiên cứu các mảng chưa được đào tạo, và việc phân tâm để quản lý hai ba công việc một lúc dẫn tới hiệu quả từng công việc không cao, tính chuyên môn hóa thấp.
Nguyên nhân của hạn chế nêu trên là do thiếu biên chế, biên chế hiện có không đáp ứng được số lượng công việc phát sinh; việc luân chuyển điều động CBCC dù đúng quy trình nhưng còn gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị cũng như cho các nhân cán bộ công chức được luân chuyển, điều động. Thiếu biên chế có thể được nhìn nhận như là một khó khăn khách quan do cơ chế chính sách hiện tại của Nhà nước, công tác luân chuyển điều động lại là một nguyên nhân chủ quan đến từ phía nội bộ Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh, điều này đặt ra câu hỏi sử dụng biên chế hiện có thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất? Đào tạo thế nào để vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn và công tác luân chuyển điều động cho Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh.
+ Công tác kiểm tra sau thông quan chưa đủ mạnh, thiếu cả số lượng và chất lượng. Trên thực tế việc quản lý hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu được kiểm tra đánh giá chủ yếu dựa vào lực lượng kiểm tra sau thông quan, tuy nhiên với biên chế hiện tại là 20 CBCC (kể cả lãnh đạo), trong khi địa bàn quản lý rộng khắp trên ba tỉnh thành (Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên) với hàng nghìn doanh nghiêp hoạt động nhập khẩu hàng hóa để sản xuất hàng xuất khẩu thì rõ ràng với số lượng biên chế như vậy là chưa đảm bảo, chưa xét đến trình độ chuyên môn của lực lượng làm công tác Kiểm tra sau thông quan ra sao.
+ Việc giám sát, quản lý đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu chưa được phân công cụ thể cho các đơn vị (Chi cục, Đội kiểm soát, Chi cục Kiểm tra sau thông quan...) dẫn đến nhiệm vụ này chủ yếu được thực hiện bởi các Chi cục và Chi cục kiểm tra sau thông quan, một số đơn vị (Đội kiểm soát, Phòng Tổ chức cán bộ - Thanh tra) chưa thực hiện đầy đủ vai trò quản lý của mình đối với đối tượng này (hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu). Hạn chế này có
nguyên nhân chủ yếu là do: Phòng Tổ chức cán bộ - Thanh tra thực hiện nhiệm vụ thanh tra chỉ như là một nhiệm vụ kiêm nhiệm, thực hiện công tác tổ chức cán bộ (tiếp nhận công chức chuyển đến, tuyển mới theo quy định của Tổng cục Hải quan, tham mưu việc thành lập mới các chi cục thuộc Cục, xây dựng bộ máy tổ chức, phân loại công chức, đào tạo, thi đua khen thưởng ...) là mảng công việc chính. Một năm chỉ tiến hàng một vài cuộc thanh tra doanh nghiệp; Đội Kiểm soát hải quan chỉ tập trung vào công tác phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn đấu tranh chống buôn lậu vì tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh là điểm nóng vận chuyển, tập kết hàng hóa nhập lậu từ Trung Quốc, quản lý giám sát đối với các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng tiền chất để sản xuất...thêm vào đó những vi phạm phát sinh từ doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa để sản xuất hàng xuất khẩu rất khó phát hiện chỉ bằng các biện pháp tuần tra kiểm soát của lực lượng này.
+ Hệ thống thông quan điện tử (VNACC, VCISS) và các phần mềm bổ trợ (STQ01, MHS, Riskmen...) đã được xây dựng từ 2014 đến nay đã bộc lộ một số hạn chế: Cán bộ công chức chỉ sử dụng được tại các máy trạm ở cơ quan, tốc độ kết xuất dữ liệu chậm, có quá nhiều phần mềm bổ trợ nên việc nhớ được tên tài khoản, mật khẩu truy cập đối với một cán bộ công chức là rất khó khăn thêm vào đó việc luân chuyển điều động cũng phải thay đổi tên tài khoản, mật khẩu để phù hợp với đơn vị công tác chuyển đến cũng là một bất cập phải kể đến. Hệ thống máy chủ hiện đang liên tục hoạt động quá tải bởi theo thời gian lượng công việc gia tăng không ngừng, máy trạm gia tăng dẫn đến hệ thống máy chủ bị quá tải gây ra các sự cố: Doanh nghiệp không gửi được tờ khai điện tử lên hệ thống thông quan điện tử, công chức không kết xuất được dữ liệu phục vụ công tác chuyên môn.
Công tác tuyên truyền đã đạt được thực hiện cơ bản đầy đủ nhưng còn hạn chế do trang web hiện có chưa thực sự hiệu quả, chưa đảm nhiệm được vai trò của một kênh kết nối hiệu quả giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp. Ở thời đại 4.0, việc một doanh nghiệp, cá nhân cần giải đáp, khiếu nại...sẽ là rất khó khăn nếu họ phải đến trực tiếp cơ quan, tìm đến đúng bộ phận để giải quyết. Trang web của cơ quan nhà nước sẽ là cầu nối quan trọng, thuận tiện giữa doanh nghiệp, các nhân với cơ quan nhà nước.
Trang web phải đảm bảo có thiết kế khoa học, phải vừa có chức năng tuyên truyền pháp luật, vừa là nơi doanh nghiệp, cá nhân có thể đề nghị cơ quan nhà nước giải đáp vướng mắc, khiếu nại...hơn thế nữa trang web còn là nơi thảo luận về những vướng mắc thực hiện chính sách của nhà nước cho cả doanh nghiệp, cá nhân và chính cán bộ công chức của cơ quan nhà nước. Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh chưa đảm bảo được những tính năng vừa nêu trên trang web của mình.
+ Sự phối hợp công tác, trao đổi thông tin giữa Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh với các cơ quan trên địa bàn: Công an, Thuế, ngân hàng, kho bạc chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả, qua thực tế đã bộc lộ những bất cập gây ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của cơ quan Hải quan cũng như doanh nghiệp. Việc cơ quan phối hợp không chuyển giao thông tin (thông tin tố giác, thông tin vụ việc vi phạm, thông tin thu nộp ngân sách...) kịp thời có thể tác động đến kết quả công tác của cơ quan Hải quan, làm mất thời gian của doanh nghiệp, đôi khi ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp (ví dụ: Doanh nghiệp đã nộp thuế nhưng do Kho bạc nhập nhầm định khoản số tiền nộp có thể khiến doanh nghiệp bị dừng làm thủ tục Hải quan) nhưng chưa có hình thức nào để xử lý trách nhiệm đơn vị thiếu trách nhiệm trong trường hợp này.
CHƯƠNG 4: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA NHẬP KHẨU ĐỂ SẢN XUẤT
HÀNG XUẤT KHẨU TẠI CỤC HẢI QUAN TỈNH BẮC NINH