5. Kết cấu của luận văn
1.2.1. Khái niệm phát triển kinh tế bền vững
Vấn đề phát triển bền vững được nhận thức cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và con người. Năm 1972 tại Hội nghị Xtốckhôm - Thụy Điển khái niệm về phát triển bền vững đã được đề cập đến. Đến năm 1992, với sự tham gia của đại diện hơn 200 nước trên thế giới cùng các tổ chức phi chính phủ một chương trình hành động vì sự phát triển bền vững đã được ban hành - Chương trình Nghị sự 21 (Agenda 21). Tại hội nghị này, Tuyên ngôn Rio về môi trường và phát triển đã thông qua một số văn kiện như hiệp định về sự đa
dạng sinh học, bộ khung hiệp định về sự biến đổi khí hậu, quản lý, bảo tồn tài nguyên rừng.
Năm 2002, Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững nhóm họp tại Johannesburg, Nam Phi đã đánh giá 10 năm thực hiện Tuyên ngôn Rio và Chương trình Nghị sự 21. Đồng thời đưa ra những mục tiêu trước mắt về phát triển biền vững. Những mục tiêu đó là xóa nghèo đói, phát triển những sản phẩm tái sinh hoặc thân thiện với môi trường nhằm thay thế các sản phẩm gây ô nhiễm, bảo vệ và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hội nghị cũng đề cập tới vấn đề toàn cầu hóa và tác động của nó đối với sức khỏe và phát triển. Các quốc gia tham gia hội nghị đã cam kết xây dựng chiến lược về phát triển bền vững ở mỗi quốc gia trước năm 2005.
Tại hội nghị này, Việt Nam đã cam kết và bắt tay vào hành động với Dự án VIE/01/021 "Hỗ trợ xây dựng và thực hiện Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam" bắt đầu vào tháng 11/2001 và kết thúc vào tháng 12/2005 nhằm tạo tiền đề cho việc thực hiện Vietnam Agenda 21.
Khái niệm phát triển bền vững là một khái niệm mới. Hiện nay, có rất nhiều cách tiếp cận, định nghĩa khác nhau về phát triển bền vững nhưng vẫn chưa có một khái niệm nào được sử dụng một cách thống nhất. Chúng tôi xin nêu ra một số khái niệm về phát triển bền vững của Khoa học môi trường và phát triển bền vững:
Theo Ủy ban Brundtland: "Phát triển bền vững là sự phát triển thoả mãn những nhu cầu của hiện tại và không phương hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Đó là quá trình phát triển kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên được tái tạo tôn trọng những quá trình sinh thái cơ bản, sự đa dạng sinh học và những hệ thống trợ giúp tự nhiên đối với cuộc sống của con người, động vật và thực vật. Qua các bản tuyên bố quan trọng, khái niệm này tiếp tục mở rộng thêm và nội hàm của nó không chỉ dừng lại ở nhân tố sinh thái mà còn đi vào các nhân tố xã hội, con người, nó hàm chứa sự bình đẳng giữa những nước
giàu và nghèo, và giữa các thế hệ. Thậm chí nó còn bao hàm sự cần thiết giải trừ quân bị, coi đây là điều kiện tiên quyết nhằm giải phóng nguồn tài chính cần thiết để áp dụng khái niệm phát triển bền vững.
Theo Hội đồng thế giới về môi trường và phát triển (World Commission Environment and Development, WCED) thì “phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại khả năng của các thế hệ tương lai trong đáp ứng các nhu cầu của họ”.
Theo GS.Grima Lino: “Phát triển bền vững là một mô hình chuyển đổi mà nó tối ưu các lợi ích kinh tế và xã hội trong hiện tại nhưng không hề gây hại cho tiềm năng của những lợi ích tương tự trong tương lai”.
Cả hai khái niệm này phản ánh mối quan hệ giữa các nhu cầu của con người với những giới hạn về khả năng của môi trường trong việc đáp ứng nhu cầu của con người ở hiện tại và tương lai.
Ở Việt Nam, các nhà khoa học cũng đưa ra quan niệm về phát triển bền vững. “Phát triển bền vững là mô hình phát triển mới trên cơ sở ứng dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho nhu cầu của con người thế hệ hiện nay mà không làm tổn hại cho thế hệ mai sau”.
- Phát triển bền vững là mục tiêu của tăng trưởng kinh tế làm giảm sự khai thác tài nguyên cho phát triển kinh tế, sự suy thoái môi trường trong tương lai và làm giảm sự đói nghèo.
- Phát triển bền vững bao gồm sự thay đổi công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, công nghệ có hiệu quả hơn nhằm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên hoặc từ sản phẩm kinh tế - xã hội.
Như vậy, việc giải quyết mối quan hệ giữa nhu cầu của con người với khả năng đáp ứng của thiên nhiên trong hiện tại và tương lai chính là giải quyết các mâu thuẫn giữa sản xuất với nhu cầu, tài nguyên thiên nhiên, vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến cho sản xuất.
Mặt khác, các nước trên thế giới đều có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên; điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, dẫn đến hiện tượng có nước giàu và nước nghèo, nước công nghiệp phát triển và nước công nghiệp chậm phát triển... Do vậy, khi xem xét nghiên cứu về phát triển bền vững cần phải quan tâm tới cả vấn đề con người, kinh tế, môi trường và công nghệ. Qua đó phân tích sự phát triển bền vững có đạt các mục tiêu phát triển bền vững đặt ra hay không.
Trên lĩnh vực kinh tế, ngoài mục tiêu phát triển kinh tế, phát triển bền vững bao hàm việc cải thiện giáo dục, chăm lo sức khoẻ cho phụ nữ và trẻ em, chăm lo sức khoẻ cho cộng đồng, tạo ra sự công bằng về quyền sử dụng ruộng đất, đồng thời xóa dần sự cách biệt về thu nhập cho mọi thành viên trong cộng đồng xã hội.
Về con người, để đảm bảo phát triển bền vững trước hết cần nâng cao trình độ văn hoá, khoa học kỹ thuật cho người dân, đến lượt nó - người dân sẽ tích cực tham gia bảo vệ môi trường cho sự phát triển bền vững. Muốn vậy phải đào tạo một đội ngũ các nhà giáo đủ về số lượng, cũng như các thầy thuốc, các kỹ thuật viên, các chuyên gia, các nhà khoa học trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trên lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững đòi hỏi phải sử dụng tài nguyên như đất trồng, nguồn nước, khoáng sản… đồng thời, phải chọn lựa kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao sản lượng, cũng như mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu của dân số tăng nhanh. Phát triển bền vững đòi hỏi không làm thoái hoá các ao hồ, sông ngòi, uy hiếp đời sống sinh vật hoang dã, không lạm dụng hoá chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, không gây nhiễm độc nguồn nước, không khí và lương thực.
Về công nghệ, phát triển bền vững là giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất, áp dụng có hiệu quả các loại hình công nghệ sạch trong sản xuất. Trong sản xuất công nghiệp cần đạt mục tiêu ít chất thải hoặc chất gây ô nhiễm môi trường, tái sử dụng các
chất thải, ngăn ngừa các chất khí thải công nghiệp làm suy giảm tầng ozon bảo vệ trái đất.
Phát triển bền vững phải đảm bảo sự phát triển cùng một lúc các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - văn hoá - môi trường. Mỗi mục tiêu phát triển có vị trí riêng của nó, song nó được gắn với mục tiêu khác. Sự hoà nhập hài hoà hữu cơ này tạo nên sự phát triển tối ưu cho cả nhu cầu hiện tại và tương lai vì xã hội loài người.