5. Kết cấu của luận văn
1.4.2. Kinh nghiệm phát triển kinh tế rừng tại một số huyện của tỉnh
Quảng Ninh là tỉnh công nghiệp, nhu cầu về gỗ trên địa bàn là rất lớn, việc trồng rừng tuy đã có bước phát triển nhưng vẫn chủ yếu là trồng quảng canh, hiệu quả kinh tế thấp.
Để nâng cao năng suất chất lượng rừng trồng, trong những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp trong việc phát triển trồng rừng thông qua các mô hình cụ thể, trong đó có mô hình trồng rừng thâm canh keo tai tượng do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Ninh triển khai từ năm 2012 tại 3 xã: Quảng Đức (huyện Hải Hà), xã Điền Xá (huyện Tiên Yên) và xã Thuỷ An (huyện Đông Triều), tỉnh Quảng Ninh, với diện tích 70 ha.
Mô hình được chia thành 2 giai đoạn: năm thứ nhất (2012) trồng mới 70 ha rừng và thực hiện công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cho 75 hộ tham gia; đào tạo nhân rộng mô hình cho 80 hộ ngoài mô hình thuộc 2 huyện Hoành Bồ và Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Sang năm 2013, tiếp tục thực hiện chăm sóc diện tích rừng trồng, duy trì công tác bảo vệ rừng, thực hiện sơ kết mô hình; tổ chức hội thảo đầu bờ cho 100 người tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Mô hình đã cung cấp cho các hộ dân tham gia 127.820 cây giống và 23.240 kg phân bón NPK; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống và 50% kinh phí mua phân bón.
Để mô hình được triển khai thuận lợi, đúng tiến độ và đạt kết quả cao, các cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Ninh đã hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật từ khâu chọn giống, làm đất, bón phân, chăm sóc bảo vệ rừng cho đến khi khai thác.
Quá trình chăm sóc và theo dõi cho thấy, năm thứ nhất cây keo đã bắt đầu sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 95%, chiều cao trung bình đạt 2m, đường kính trung bình đạt 2cm. Bước sang năm thứ 2, cây keo đã bắt đầu sinh trưởng và phát triển nhanh, chiều cao trung bình đạt 3 - 5,5m; đường kính trung bình đạt 4-5 cm. Dự kiến, sau 5 năm cây keo sẽ cho thu hoạch với năng suất trên 120m3/1 ha.
Hiện nay xu hướng trồng rừng thâm canh keo tai tượng cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ đang được nhiều địa phương trong tỉnh tập trung phát triển, nhằm khai thác ngày càng hiệu quả tiềm năng của rừng.
Với kết quả ban đầu đạt được, mô hình trồng rừng thâm canh keo tai tượng là cơ sở cho việc ứng dụng và nhân rộng sản xuất theo hướng trồng cây lâm nghiệp với mục đích trồng rừng tập trung qui mô lớn. Mô hình đã góp phần giúp người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mạnh dạn sản xuất kinh doanh trên đất rừng theo phương thức thâm canh, tạo công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cũng như nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng.