Nhà văn Lê Hoài Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết lê hoài nam (Trang 36 - 38)

7. Đóng góp của luận văn

1.3.1.1. Nhà văn Lê Hoài Nam

Lê Hoài Nam, còn có bút danh khác là Tâm Vi Thượng (Cái Tâm là cao nhất) . Ông sinh ngày 29 tháng 3 năm 1953 tại quê hương Nghĩa Hiệp, nay là thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Hiện nay nhà văn đang sinh sống ở phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Lê Hoài Nam là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hội viên Hội Điện ảnh Hà Nội.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ đang trong giai đoạn ác liệt, 16 tuổi khi đang học phổ thông, Lê Hoài Nam cùng với một số bạn trong lớp viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Ông từng đóng quân ở F305 đặc công, cơ quan Tỉnh đội Nam Hà, D66 bộ binh - tỉnh đội Nam Hà, D11 pháo cao xạ Quân khu III. Ông tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị những ngày chiến tranh ác liệt nhất. Sau giải phóng miền Nam ông được chuyển về Bộ tư lệnh quân chủng Hải quân. Lê Hoài Nam được cử đi đào tạo sĩ quan chính trị. Sau đó, ông tham gia học khóa 2 Trường Viết văn Nguyễn Du - Đại học Văn hóa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp lại trở về Bộ tư lệnh Hải quân công tác.

Ông bắt đầu cầm bút từ lúc là một sĩ quan trẻ của quân chủng Hải quân, bằng một loạt truyện ngắn đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội và báo Văn nghệ của Hội Nhà văn. “Hải âu” - truyện ngắn đầu tay vừa xuất hiện trên tạp chí Văn nghệ quân đội tháng 8 năm 1980 đã được chương trình Văn nghệ Quân đội chuyển thể thành kịch truyền thanh phát nhiều lần trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. “Những phút đầu của mùa xuân” – truyện ngắn thứ hai đã nhận giải thưởng cuộc thi truyện ngắn do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức năm 1981. Cũng là bởi Lê Hoài Nam vừa xuất hiện trên văn đàn đã có một bút pháp riêng: bám sát hiện thực đời sống để viết nhưng là một hiện thực được chọn lọc, dồn

nén, chưng cất, thăng hoa, có sức gợi, khiến bạn đọc thả sức tưởng tượng bay bổng. Ngày ấy không hiểu sao Lê Hoài Nam chưa cho xuất bản thành tập. Cho đến mùa hạ năm 2014, sau chuyến đi Trường Sa do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, Lê Hoài Nam viết một loạt bút ký thì Nhà xuất bản Thanh niên mới cho xuất bản thành tập cả truyện cả ký “thuần chất Hải quân” với cái tên rất ấn tượng “Đi qua Gạc Ma đến đảo Sinh Tồn”. Tập sách này được khá đông bạn đọc đón nhận, nhiều tờ báo có bài giới thiệu, và Bộ tư lệnh Hải quân đã trao giải văn học 5 năm (2010 – 2015) cho ông.

Năm 1987, Lê Hoài Nam được chuyển ngành về làm Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh. Từ năm 1989 đến năm 2006 ông liên tục làm Phó chủ tịch Hội kiêm Tổng biên tập tạp chí Văn Nhân, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh, Nam Hà, Nam Định. Về môi trường mới, những năm tháng đầu, Lê Hoài Nam vẫn viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính. Cuốn tiểu thuyết “Những đêm huyền ảo ra mắt (1988) và nhờ nó ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Công cuộc đổi mới đất nước diễn ra, Lê Hoài Nam hòa nhập vào không khí ấy để viết. Trong vòng hai chục năm ông viết một loạt tác phẩm mang chủ đề thế sự, như các tiểu thuyết “Đôi tình nhân ham sống”(1990), “Hoang mạc tâm

hồn”(1998), “Danh tiếng và bóng tối”(2008); các tập truyện ngắn “Người đẹp về đâu”(1990), “Lần yêu đầu tiên”(1995), “Lan Hoàng Vũ”(2006), các tập bút ký Mùa hè Singapore”(2000), “Bến sông tuổi thơ”(2008), các tập sách viết cho

thiếu nhi “Bên kia sông có người bạn gái”(2002), “Sơn ca, bụi cỏ và bầu

trời”(2011)…Đáng chú ý còn có tập kịch bản phim truyện “Một ngày và một đời”(2002) dầy dặn đã được các hãng phim Truyền hình và Điện ảnh chiều thứ

bảy dàn dựng. Tập truyện ngắn “Lần yêu đầu tiên” cùng với tập kịch bản phim “Một ngày và một đời” được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải vào những năm 1995 và 2002.

Tuy thế, bấy nay khi nhắc đến Lê Hoài Nam, người ta thường nhắc đến bút ký và truyện ngắn của ông hơn là tiểu thuyết; nhất là thời gian gần đây lượng bút ký của ông xuất hiện thường xuyên hơn thì nhiều người đã coi ông như là một nhà văn chuyên về bút ký.

Nhưng có lẽ quan niệm ấy của bạn đọc sẽ bị thay đổi khi “Danh tiếng và bóng tối”, cuốn tiểu thuyết dầy dặn của Lê Hoài Nam vừa được Nhà xuất bản Phụ

nữ và Công ty VH & TT Võ Thị cho ra mắt cuối tháng 9 - 2008. "Danh tiếng và

bóng tối" đã chứng tỏ được rằng Lê Hoài Nam còn là cây bút tiểu thuyết chững

chạc chứ không phải chỉ mạnh về bút ký như nhiều người vẫn tưởng. Năm 2009, Lê Hoài Nam quyết định rời Thành Nam về Hà Nội định cư và tiếp tục viết văn. Không còn giữ vai trò quản lý, lại đang ở độ chín của nghề văn, bây giờ Lê Hoài Nam toàn tâm toàn ý dành thời gian cho văn chương.

Có thể nói, Lê Hoài Nam đã gắn tuổi thanh xuân của mình với cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, với thời bao cấp khốn khó của đất nước và nhất là khi chúng ta bước sang nền kinh tế thị trường như hiện nay. Nhưng cho dù ở cương vị nào, một công dân, một nhà văn, một người lính, Lê Hoài Nam vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ, luôn ý thức về trách nhiệm của người cầm bút. Ông vẫn cần mẫn viết văn, làm báo, sáng tác kịch bản phim truyện để dâng cho đời những đoá hoa thơm, mật ngọt.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết lê hoài nam (Trang 36 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)