7. Đóng góp của luận văn
3.4.2. Giọng thiết tha, thương cảm
Trong sáng tác của Lê Hoài Nam hiện lên không ít những nhân vật và cả những con người có thật. Nhà văn đã viết về họ bằng tất cả sự yêu thương, đồng cảm nhưng ông không bộc lộ trực tiếp điều đó trong tác phẩm. Mà thông qua lời kể, giọng kể đầy xót xa, thương cảm, người đọc có thể nhận ra đằng sau đó là một tấm lòng nhân hậu, thấu hiểu và dường như đang đau đớn cùng với nỗi đau của nhân vật, đang bẽ bàng với cái éo le của cuộc đời.
Giọng xót xa, thương cảm đặc biệt nổi bật và trở thành chất giọng chủ đạo của nhà văn khi kể về những bi kịch của con người. Cuộc đời của những con người cô đơn, khao khát được yêu thương, được hạnh phúc đã được nhà văn kể bằng một âm điệu đầy xót xa, day dứt. Đinh Thành Tháp có một tình yêu đẹp với con gái tiểu đoàn trưởng, đó là một mối tình đẹp: “một tình yêu có nguồn cội bền chặt thế sẽ không có một sức mạnh nào chia lìa được” [54, 8], tình yêu của họ đã được kết trái là một đứa con chào đời đẹp như thiên thần. Nhưng, số phận đã đùa giỡn hạnh phúc của họ: “đứa con gái ra đời đẹp như một thiên thần, khiến vợ chồng anh luôn mang một cảm giác hạnh phúc ngất ngây. Nhưng đứa trẻ càng lớn thì hình dạng của nó càng có những biến đổi. Chân nó cứ teo tóp lại, co rút lên như que củi. Đầu thì phình to dần lên, mồm méo sẹo, mắt lồi ra thô lố. Đêm đêm mỗi khi tỉnh giấc, vợ anh nhìn sang con lại kêu rú lên sợ hãi. Có đêm nỗi sợ kích động mạnh làm cô ấy ngất xỉu, anh phải cho uống thuốc và làm h ô hấp nhân tạo cô ấy mới tỉnh lại”
[54,8]. Hậu quả nơi chiến trường miền Tây Quảng Trị đã cố tình cướp đi hạnh phúc vợ chồng anh. Bằng tình yêu, mà trên hết là tình thương, anh đã để người vợ của mình đi tìm hạnh phúc mới “cuộc ra đi đầy nước mắt, anh xin cho cô ấy về dạy tại trường cấp ba Kim Sơn, quê cô ấy. Anh tiễn cô ấy đến tận nơi ngôi trường mới, nói rõ mọi chuyện với ông hiệu trưởng và nhờ ông ấy giúp đỡ cô ấy. Vợ anh đi khỏi nhà được vài tháng thì đứa con gái tật nguyền khốn khổ cũng bỏ anh mà đi sang thế giới bên kia” [54, 8]. Thật đáng thương, thật xót xa cho một con người “vào sinh ra tử” lại có một cuộc đời đầy nước mắt, đau thương, một số phận nghiệt ngã. Cho đến gần ba mươi năm sau, vào cái dịp Tháp đã “giải phóng” cho vợ đi lấy chồng, trong một đêm mưa thu dầm dề, nỗi cô đơn chợt như cái nơm chụp xuống đầu Tháp, anh sực nhớ đến Huê và anh đã tìm đến Huê – một người mà Tháp gặp nơi chiến trường miền Tây Quảng Trị cũng có một số phận thật đau xót: “Tháp tìm thấy Huê ở một trại thương binh. Huê bị thương mất một mắt, phải lắp mắt giả. Một cánh tay bị mảnh đạn làm teo cơ, trông nó như một cái dây chão treo lủng lẳng dưới vai. Trông Huê vẫn còn nét óng ả của thiếu nữ nhưng mái tóc thì đã điểm bạc. Cô ôm lấy Tháp khóc không thành tiếng. Huê không lấy chồng nhưng lại muốn có một đứa con. Trại thương binh đã tạo điều kiện cho Huê gặp một người đàn ông lạ. Huê sinh ra một đứa con trai; nhưng nó cũng dị dạng, quặt quẹo mấy năm rồi qua đời, y như con gái của Tháp” [54,13]. Sự cảm thông đã làm họ bỏ qua tất cả mọi khoảng cách, rào cản. Họ âu yếm nhau như vợ chồng nhưng rồi họ không vượt qua được tất cả để về sinh sống với nhau, họ chỉ gặp nhau khi cần.
Với tiểu thuyết Đôi tình nhân ham sống, một lão Văn Rật góa vợ chín năm
với nỗi thèm khát phụ nữ mà đã ra tay gài bẫy Phượng – người mà ông đang coi như con của mình bằng cách bỏ thuốc kích thích vào chai cô ca để chiếm đoạt Phượng: “Thật không may cho Phượng – nàng đã nói trúng cái câu mà ông Văn Rật đang cần ở nàng. Ông bước vào phòng lấy hộp côca – côla mở, bỏ vào một chút thuốc kích thích. Ông lấy thêm một hộp cho ông. Trở ra sân thượng ông trao hộp côca – côla cho Phượng: - Nào cha con ta cùng uống để ăn thề: con sẽ mãi mãi
là con của cha” [52,111]. Phượng đâu có thể ngờ được rằng mình đã bị rơi “vào tròng” của người mà mình kính trọng như cha. Xót xa, thương cảm cho một cô gái bấy lâu nay vẫn giữ trọn tiết đoan trang mà giờ đây lại bị cướp đi sự trinh tiết trong gang tấc dưới tay một người mà nàng không ngờ tới một cách “tự nguyện”: “Chẳng đợi ông nói hết câu, nàng đã vồ lấy cổ ông đánh đu lên. Ông bế ngửa nàng như bế một đứa trẻ đưa vào phòng riêng. Đặt nằng xuống giường, ông gỡ tay nàng, chạy xuống khóa cửa cầu thang để căn phòng an toàn tuyệt đối. Ông trở vào thì thấy nàng mắm môi lại như đang cố kiềm chế cơn thèm, hai tay quờ quạng như muốn tìm kiếm ông và hai chân thì giãy đạp liên hồi. Ông vừa nằm xuống bên nàng, tức khắc nàng vồ lấy ông, hôn như mưa gió trên khắp mặt ông. Miệng nàng thổn thức: Cha ơi, con chết mất, con chết mất thôi” [52,112]. “Ông đã làm chủ hoàn toàn thân xác nàng. Cái khoảnh khắc đặc biệt nhất, thiêng liêng nhất là trái tim ông như bị kim châm, ông thương nàng tột độ đến nỗi nước mắt ông tuôn ra khi cảm nhận nàng còn trinh tiết. Dù sau đó hoàn toàn si cuồng trên thân xác tuyệt hảo của nàng, ông vẫn ý thức được rằng: đây là phút giây đặc biệt nhất, hiếm hoi nhất, đáng sống nhất, sung sướng tột cùng và cũng đau đớn đến tột cùng trong cuộc đời ông” [52,113]. Trong Danh tiếng và bóng tối, người đàn bà bao năm vắng chồng, sống trong nỗi cô đơn cùng cực đã không thể kìm nén được những khao khát về một người đàn ông và rồi cô gặp được tình yêu đích thực của mình, hai trái tim cô đơn đã hòa cùng một nhịp: “Anh Tháp, khoan hãy nói đến mấy bài báo. Lúc này em chỉ muốn anh ở bên em! Tháp sang ngồi cùng ghế với Hài Lan. Ông nắm lấy một bàn tay nàng. Nàng ngước lên nhìn ông đắm đuối. Mắt nàng sóng sánh nước. Cặp môi nàng từ từ hé mở như đón đợi. Em muốn được âu yếm. Tình huống này rất bất ngờ với Tháp. Ông chưa biết phải thể hiện thế nào thì Hài Lan đã cầm tay dắt ông đứng lên. Nàng chủ động vắt cái bàn tay ấy ra phía sau để nó ấp lên eo lưng nàng. Tháp run lên khi chạm vào cái eo lưng nuột ấy. Ông kéo nàng áp chặt vào người ông. Nàng cao khoảng một mét sáu. Tháp cao một mét sáu mươi bảy. Nàng nhè nhẹ áp môi nàng vào môi ông mà nàng chỉ phải hơi kiễng chân lên một chút. Tháp vuốt
tóc, vuốt xuống vai rồi đến eo lưng nàng. Em yêu anh – nàng nói. Anh cũng vậy – rất yêu em – Trời đất run rủi cho chúng mình gặp nhau” [5, 17].
Đứng trước nỗi khổ đau của con người, trước cảnh ngộ éo le, sự ngậm ngùi đau xót ở nhà văn hiện ra trên từng con chữ, có khi âm ỉ, quặn thắt như chính mình là người trong cuộc. Ở tiểu thuyết Những đêm huyền ảo, nhà văn đã diễn tả thật xúc động bữa cơm của vợ con Phan “cái mâm nhôm sáng nhoáng nhưng chỉ có một bát canh cải bắp tra mắm đặt ở giữa, vậy mà Sen và hai đứa con vẫn ăn ngon lành qua bữa. Hai đứa trẻ chan, húp soàn soạt, không vòi vĩnh gì thêm. Còn Phan, dù cuộc sống sinh viên chịu tiếng là khổ, nhưng dẫu sao mỗi bữa ăn anh còn có miếng thịt, nhát cá; vì thế anh cứ bưng bát lên lại hạ bát xuống. Cuối cùng, không muốn để Sen phật ý, anh cố nhắm mắt nuốt trôi một bát cơm” [51, 18]. Trước cái tình cảnh trớ trêu của cuộc đời có thể làm cho người ta dễ ngã gục, nhưng với Sen thì ngược lại: “từ khi sống với anh em chưa đòi hỏi ở anh một cái gì đáng kể. Em tự lo liệu được hết trong tất cả mọi việc [51, 56]. Và ở Đôi tình
nhân ham sống, ta lại tưởng như nhà văn đang ngậm ngùi khóc cùng nhân vật của
mình: “nàng xòe hai bàn tay bưng lấy mặt. Tiếng khóc của nàng tắc nghẹn nơi cổ” [52, 181]. Chỉ bằng những tiếng khóc tức tưởi, uất ức của nhân vật, nhà văn đã làm hiện lên cái đớn đau, khổ sở của họ trước những uẩn khúc khó nói thành lời. Một người phụ nữ đang đau khổ với nỗi đau của người yêu, sự sống và cái chết thật mong manh. Ở đây, nhà văn chỉ đứng phía ngoài để quan sát, nhưng cũng không tránh được sự chạnh lòng, buồn thương.
Lê Hoài Nam viết về cái đau khổ, cái buồn thương của con người, viết bằng những cảm xúc ngậm ngùi, xót xa, đó cũng sự bộc lộ những nỗi niềm suy tư, trăn trở của chính nhà văn. Trước những con người khao khát yêu thương, khao khát hạnh phúc, những số phận hẩm hiu và bất hạnh, ông không chỉ đang chia sẻ cùng họ mà còn khao khát cho họ những gì còn khiếm khuyết trong tâm hồn. Tất cả đều xuất phát từ trái tim nhân hậu của nhà văn hướng về cuộc đời và con người, để đồng cảm và yêu thương một cách chân thành. Chất giọng xót xa,
thương cảm trong sáng tác của Lê Hoài Nam như những giọt nước mắt trong trẻo và đẹp đẽ khơi dậy ở người đọc cái tình người, tình đời.