7. Đóng góp của luận văn
1.3.2.2. Quan niệm về văn chương và trách nhiệm của người cầm bút
Lê Hoài Nam đến với văn chương từ rất sớm và có lẽ cũng là một cái duyên với ông. Trong những tháng ngày chiến đấu nơi chiến trường, Lê Hoài Nam đã kịp ghi lại những khoảnh khắc ác liệt của bom mìn và cả những khoảnh khắc không thể nào quên của sự hồn nhiên, yêu đời, dũng cảm của đồng đội, của bè bạn trên các mặt trận của tuyến lửa Trường Sơn. Lê Hoài Nam viết say sưa như thể sợ cái khoảnh khắc ấy sẽ trôi qua thật nhanh và ông viết cũng là để gửi gắm cho những người ông yêu thương, viết cho mình và cho hôm nay.
Lê Hoài Nam viết không phải để khẳng định vị trí của mình ở hiện tại hay tương lai, mà đơn giản chỉ là ông viết về những suy nghĩ của mình, về những điều mình còn trăn trở với mọi người xung quanh. Bởi vậy, Lê Hoài Nam cho rằng: “Những sáng tác kịp thời, vừa mang tính thời sự lại vừa có giá trị nhân
văn thì đấy đích thị là văn chương. Điều gì làm cho tâm hồn con người ta giầu có hơn, cao thượng hơn, sáng láng hơn, “người” hơn thì đó đích thị là giá trị nhân văn chứ không phải là những thứ lai căng, kì quái, xa lạ” [Phỏng vấn giữa
Hoàng Thị Thu Loan và nhà văn Lê Hoài Nam ngày 12/01/2017]
Như các nhà văn trên thế giới, trong tác phẩm của mình, Lê Hoài Nam nói đến con người là trung tâm của mọi sự khám phá. Vì vậy, phải đặt con người trong nhiều môi trường, nhiều hoàn cảnh khác nhau mới có thể phát hiện mọi điều về con người. Nhưng quan trọng nhất, đó là văn chương phải đi mô tả và làm nổi bật mối quan hệ giữa con người với con người, bởi chỉ có như vậy văn chương mới thấy được cả những mặt tốt đẹp, cao cả của con người và những mặt xấu xa, thấp hèn trong họ. Do đó, Lê Hoài Nam đã đề cao và mơ ước thứ
văn chương ấy: “Cứ viết thật hay về những vấn đề, những con người của thời
đại chúng ta đang sống thì tác phẩm sẽ có sức sống lâu bền, không chỉ với dân tộc mình mà còn mang giá trị nhân loại nữa” [Phỏng vấn giữa Hoàng Thị Thu
Loan và nhà văn Lê Hoài Nam ngày 12/01/2017].
Nhưng người đọc khi đến với tác phẩm của Lê Hoài Nam, họ thấy những vấn đề được nêu ra trong đó không chỉ là chuyện trong phạm vi nhỏ hẹp của một gia đình, mà là chuyện của nhiều nhà, nhiều người. Do vậy, mà người ta soi mình vào đó, và tìm thấy ở đó những điều tốt đẹp của bản thân còn ẩn giấu trong tâm hồn, đúng như nhà văn đã giãi bày: “Với mỗi truyện, tôi thường đẩy lên cho
có kịch tính, có “vấn đề”, có “tảng băng trôi”, tạo cảm xúc, gây ám ảnh để bạn đọc suy tư, thức tỉnh một điều gì đó” [Phỏng vấn giữa Hoàng Thị Thu Loan và
nhà văn Lê Hoài Nam ngày 12/01/2017].
Văn chương trong nước, ngoài nước xưa nay cũng đã có nhiều nhà văn viết và thể loại tiểu thuyết với các góc nhìn khác nhau, nhà văn Lê Hoài Nam cũng vậy, ông có một phong cách rất riêng. Ông viết về con người với tấm lòng trân trọng, yêu mến, tập trung khắc họa những nét đặc sắc về mặt phẩm cách, tài năng hay cả cá tính của họ, hầu như ông viết ít hơn về mặt xấu ở họ, nhưng không vì thế mà chân dung nhân vật bị khuất lấp. Bản lĩnh ngòi bút ở ông còn thể hiện ở chỗ, những vấn đề mà người khác đã viết ông vẫn viết, nhưng không hề lặp lại, dẫm chân lên vết mòn của một ai, ngược lại, ông luôn có sự phát hiện ra những điều mới mẻ, bằng một cách viết độc đáo, hấp dẫn người đọc, vừa hiện thực, vừa lãng mạn, làm cho nó trở nên đặc sắc, có giá trị cao. Kết thúc mỗi bài viết là một bức thông điệp gửi tới người đọc những vấn đề thuộc về chân lí của cuộc sống. Các bài viết còn hay ở mặt ngôn từ, sử dụng những điển tích, điển cố, thể hiện một vốn kiến thức uyên bác, làm cho bài viết thêm trang trọng đan xen những lời nói dân dã trong cuộc sống, rất gần gũi với
tiếng nói của nhân dân và những lời bình thật sâu sắc vừa mang vẻ triết lí nhưng lại rất hồn nhiên làm rung động, say đắm lòng người.
Có những triết lí về sự tồn tại của con người trong cuộc sống mà ta không khỏi ngao ngán. Ấy là lời của Bảnh truyền lại kinh nghiệm sống cho Hòa (Hành trình của người lính): “Phải biết sống chung với sự phi lý như đồng bào ở đồng bằng sông Cửu Long sống chung với bão lũ. Ngược lại, sẽ bị chính bão lũ nó tiêu diệt” [85]. Ông đã chỉ ra cho ta thấy một thực trạng trong xã hội: Để tồn tại, con người trong cuộc không ít trường hợp phải biến đổi theo hoàn cảnh, phải sống méo mó không đúng là mình, phải chấp nhận kiểu sống ngoài một đằng trong một nẻo. Đồng thời ta như thấy đâu đây tấm lòng trăn trở của nhà văn: “phải làm sao để con người được là chính mình, được sống với đúng thiên chức cao quý - là người?” [85].
Khi nói đến chất lượng của văn chương, Lê Hoài Nam cho rằng: “Văn chương không lệ thuộc vào số nhiều. Quan trọng là mỗi khi viết ra, người viết muốn nói cái gì, không đơn thuần chỉ giải trí” [58]. Lê Hoài Nam biết cách
chọn giọng văn cho từng nhân vật, nên có khi chỉ bằng vài ba nét tả nhân vật ấy đã hiện lên không lẫn với ai. Tập truyện của ông là một xêri nhân vật đặc sắc. Mỗi truyện một cốt, một lối diễn đạt, nhưng cả tập vẫn mang một nguồn cảm hứng chủ đạo. Ông muốn cung cấp những hiện tượng lịch sử, tôn giáo, kể cả những tác phẩm lấy đề tài hiện đại, theo cách nhìn, cách nghĩ của riêng mình, một cách nhìn cách nghĩ rất tích cực, mới mẻ và nhân văn tới độc giả.
Và văn chương bao giờ cũng phải có sự ham muốn sáng tạo. Văn chương phải nhất thiết không có sự trùng lặp, không trùng lặp với chính mình và với những nhà văn khác, văn chương phải mang dấu ấn của người viết: “Mỗi nhà
văn phải có ngôn ngữ giọng điệu riêng không lẫn với người nào càng tốt. Tạo được cách viết này cũng là tạo được một phong cách.” [86].
Để ý kỹ các truyện của Lê Hoài Nam, dù ở một dạng thức tiếp cận nào chúng ta vẫn thấy không bị trùng, cách hành văn cũng như sử dụng ngôn từ vừa thoáng vừa chặt chẽ, khép mở đúng lúc. Mỗi một truyện là một gam mầu mới, về cả chất lẫn lượng. Sức sáng tạo công phu, thể hiện độ dày trải nghiệm của một nhà văn đọc nhiều, dầy công tích lũy. Chứng tỏ Lê Hoài Nam là con người từng lăn lộn nhiều với cuộc sống, với văn trường, chuẩn bị đủ đầy về kiến văn, để giờ viết chắc tay hơn hẳn những tập truyện ngắn trước đây của chính ông. Điều này được chứng minh qua hai tập truyện ngắn xuất bản gần đây Bữa tiệc ly (2014),
Hành trình của người lính (2016) so với những tập truyện ngắn in trước đây như Người đẹp về đâu (1990), Lần yêu đầu tiên (1995), Lan hoàng vũ (2006).
Khi nói đến trách nhiệm của người cầm bút, nhà văn Lê Hoài Nam chia sẻ:
“Thực ra khi viết văn mà bảo không nghĩ tới người đọc thì có gì đó như không thành thật. Nhưng cái sự thôi thúc cao nhất khiến tôi cầm bút khi ấy chính là cuộc sống của những người lính Hải quân canh giữ biển, đảo. Ở đấy có quá nhiều điều khiến văn chương không thể bỏ qua. Động cơ khiến tôi cầm bút là vì cuộc sống nhiều hơn là vì sự nổi danh” [84]. Văn chương ngày nay đứng trước
những thử thách nghiệt ngã của nền văn hoá tiêu dùng. Tuy thế, cuộc sống mà ta đang chứng kiến nó rất truyện ngắn, rất tiểu thuyết. Đây là thời kỳ có thể xuất hiện nhiều tiểu thuyết hay. Nhưng vì sao cho đến nay vẫn chưa thấy xuất hiện tác phẩm nào thực sự xuất sắc thì đó lại là điều không chỉ trách nhiệm của những nhà văn mà mọi công dân Việt Nam đều phải suy ngẫm và cắt nghĩa một cách nghiêm túc để tìm ra lối thoát. “Theo thiển ý của tôi: Cuộc sống hiện tại thì
rất nhiều chất liệu cho tiểu thuyết. Nhưng thiếu một bầu không khí để tiểu thuyết được sinh thành. Bầu không khí đó như thế nào, chúng ta cùng lý giải” [85].
Như vậy, để có được những thành công đòi hỏi người nghệ sĩ phải trải qua quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, nghiêm khắc với chính bản thân mình. Nhưng cho dù phải trải qua nhiều vất vả, gian nan hơn nữa Lê Hoài Nam vẫn sẽ
tiếp tục sáng tác với niềm say mê đáng trân trọng như điều nhà văn nói về mục đích viết văn chương của mình: “Tôi cho rằng những sáng tác kịp thời, vừa mang tính thời sự lại vừa có giá trị nhân văn thì đấy đích thị là văn chương. Điều gì làm cho tâm hồn con người ta giầu có hơn, cao thượng hơn, sáng láng hơn, “người” hơn thì đó đích thị là giá trị nhân văn chứ không phải là những thứ lai căng, kì quái, xa lạ” [57].