Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết lê hoài nam (Trang 78 - 84)

7. Đóng góp của luận văn

3.1.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật

Ngoại hình là dáng vẻ bên ngoài của nhân vật bao gồm y phục, cử chỉ, tác phong, diện mạo...Ðây là yếu tố quan trọng góp phần cá tính hóa nhân vật.

Nếu như văn học cổ thường xây dựng ngoại hình nhân vật với những chi tiết ước lệ, tượng trưng thì văn học hiện đại thường đòi hỏi những chi tiết chân thực và cụ thể sinh động. M. Gorki khuyên các nhà văn phải xây dựng nhân vật của mình đúng như những con người sống và phải tìm thấy, nêu lên, nhấn mạnh những nét riêng độc đáo, tiêu biểu trong dáng điệu, nét mặt, nụ cười, khóe mắt...của nhân vật.

Ngoại hình nhân vật góp phần biểu hiện nội tâm nhân vật. Ðây cũng chính là sự thống nhất giữa cái bên ngoài và cái bên trong của nhân vật. Vì vậy, khi tính cách, đời sống bên trong của nhân vật thay đổi, nhiều nét bên ngoài của nhân vật cũng thay đổi theo. Khi xây dựng ngoại hình nhân vật, nhà văn thể hiện những nét riêng biệt, cụ thể của nhân vật nhưng qua đó, người đọc có thể nắm bắt được những đặc điểm chung của những người cùng nghề nghiệp, tầng lớp, thời đại... Những nhân vật thành công trong văn học từ xưa đến nay cho thấy nhà văn bao giờ cũng chọn lựa công phu những nét tiêu biểu nhất để khắc họa nhân vật .

Tiểu thuyết Lê Hoài Nam rất chú trọng đến yếu tố này. Nhân vật trong tiểu thuyết của ông rất phong phú, vì vậy những miêu tả về ngoại hình nhân vật sẽ

làm cho người đọc hình dung rõ hơn về nhân vật và những ẩn ý mà nhà văn gửi gắm trong đó.

Sau chiến tranh, xuất hiện loại người tôn thờ vật chất, thích những cái mới lạ, và trong cái nhìn, cách suy nghĩ về mọi chuyện xung quanh cũng đều nhuốm mùi vị thực tế. Dùng mọi thủ đoạn, mọi phương thức để kiếm tiền và trà đạp lên những giá trị nhân văn cao cả. Trong Danh tiếng và bóng tối, nhà văn đã xây dựng thành công tuyến nhân vật này. Nguyễn Văn Tất Tuất từ một tên thợ rèn, đi đâu cũng khúm núm vậy mà từ khi hắn được chọn đi học lớp đào tạo cán bộ về hắn được giao một chức quan nhỏ ở địa phương “từ ngày được làm quan, ra đường Tuất không khoanh tay cúi chào ông bà giáo nữa. Mỗi lần đi qua ngõ nhà ông giáo, Tuất lại đánh cặp mắt láo liên, gườm gườm về phía tòa biệt thự, miệng y lẩm nhẩm gì đó như toan tính, mưu sự” [54, 13]. Khi bị ai đó tấn công thì “cái mặt mom cày của Nguyễn Văn Tất Tuất như dài ngoẵng ra, trông giống cái mặt con ngựa” [54, 15]. Chỉ với vài câu chữ như vậy, nhà văn đã hướng người đọc đến một cái nhìn khác về con người: sự no đủ và ham muốn vật chất làm người ta thay đổi, quan trọng hơn là thay đổi cả về bản chất. Trong Tuất giờ đây đã có cái “khinh khỉnh” của kẻ coi thường tình cảm và những mối quan hệ bạn bè. Tuất không như trước nữa. Sống trong những bận rộn, mệt mỏi, quanh quẩn suốt ngày với những đứa con, những lo lắng thường nhật của cuộc sống. Nhân vật Quang Tà cũng được nhà văn miêu tả một cách hài hước “gã con một gia đình nhiều đời cố nông thất học. Quê gã ở một vùng đồi chiêm trũng nghèo nhất tỉnh. Bố gã thì bị chết cóng trong một đêm đi đun riu tép ở cánh đồng ngập nước, nhiều rong rêu. Mới ở tuổi thành niên mà gã đã phải bỏ học, ra ga tàu bán nước chè rong kiêm món nghề móc túi. Một lần có ông cán bộ huyện đi công tác xuống ga tàu bị một thằng bé dùng lưỡi dao lam rạch xắc cốt, ông ta quay lại chộp được tay thủ phạm thì bỗng giật mình nhận ra tên kẻ cắp là cháu họ mình” [54, 45]. Sau cuộc gặp tình cờ đó ông lôi thằng cháu mình về cơ quan bố trí cho

chân điếu đóm ở phòng văn hóa huyện, sau đó Quang Tà trở thành công nhân viên chức nhà nước dễ như trở bàn tay. Nhờ sự lanh lợi, nói năng lưu loát mà hắn được nhấc về Ty làm nhân viên chiếu bóng lưu động “Từ một thằng bé bán nước rong kiêm móc túi ở ga tàu, trong thoáng chốc trở thành một công chức của Ty văn hóa, Quang Tà biết thân biết phận, tập khổ nhục kế, chịu khó làm việc và chiều nịnh cấp trên” [54, 46]. Nhờ sự mềm lòng, xúc động bồng bột và tin người của nhà thơ Phạm Điền Viên mà hắn được cử sang Liên Xô học văn hóa quần chúng “Quang Tà học phớt, chiếu lệ. Phần lớn thời gian hắn dành cho việc chạy mánh, buôn lậu. Cũng chỉ tại ba đời nhà gã thâm niên đói khát nên bây giờ nhìn thấy tiền gã liền mắc chứng khát tiền. Gã thèm tiền như thèm thuốc phiện. Kiếm được đồng tiền, gã tiêu pha, mua sắm ngốn ngấu như kẻ sắp chết đói đột nhiên hồi tỉnh lại ăn giả bữa. Một ngày mà gã không moi đâu được dăm bẩy cô pếch là chân tay gã ngứa ngáy như kiến lửa đốt” [54, 46]. Khi về nước, với sự ma quái của mình hắn đã mua bán đổi chác được tấm bằng cử nhân và hắn được đưa “vào guồng” nhanh chóng. Từ đó gã liên tục được đề bạt và thăng chức. “Kiến thức văn học của gã chủ yếu tích cóp theo kiểu nghe hơi nồi chõ, ấy thế mà khi gã giở giói trò bịp nói rằng Lecmantop viếc tác phẩm “Bút ký người đi săn” còn Gôgôn sinh ra ở Matxcơva thì các quan chức tỉnh vẫn mở tròn mắt lắng nghe, gật gù thán phục” [54, 46]. Hắn được đưa vào ghế quan chức đầu ngành văn hóa một cách suôn xẻ, nhẹ như lông hồng, không những thế mấy năm sau gã còn được giao kiêm nhiệm luôn cả ngành văn học nghệ thuật. Khi đã ngồi vững ghế thì việc đầu tiên hắn làm là tìm cách loại nhà thơ Phạm Điền Viên ra khỏi guồng máy của ngành. Chỉ bằng vài nét phác học, nhà văn đã lột tả được vẻ mặt “chó sói” của hắn “Lúc này nhà thơ Phạm Điền Viên chợt giật mình vì không ngờ cái mặt của Quang Tà lại giống mặt chó sói đến thế. Nó mang hình trụ, dài ngoẵng, cặp mắt rắn ráo ánh lên cái nhìn lạnh khô, ma quái. Cặp môi mỏng, khi cười phát ra tiếng khè khè nhẹ như gió thoảng, rất điêu trá. Phạm Điền Viên rùng mình, nổi da gà ớn lạnh xương sống” [54, 47]. Sự phản bội của

một kẻ mà ông đã từng giúp đỡ và cưu mang, coi như anh em ruột mình khiến ông kinh tởm, đổ vỡ đến tột độ. Cuối cùng, ông chọn con đường về hưu trước tuổi. Quang Tà đã giăng bẫy loại trừ ân nhân một cách ngoạn mục mà “không tốn một viên đạn nào”. Hắn lợi dụng chức quyền và thủ đoạn của mình để ăn trộm bộ xương cá voi của nhân dân Hải Cường, sự thèm thuồng khiến hắn trở nên đê tiện “ông ta nhìn bộ xương cá voi với vẻ mặt thèm thuồng. Ông ta thè lưỡi liếm môi như con cáo nhìn thấy con gà” [54, 48]. Nhân vật tiếp theo phải kể đến đó là Đỗ Lươn, một tên ít học, viết lách theo kiểu học lỏm, vay mượn của người này, thuổng của người kia một cách tinh vi “gã giống hệt một con lươn; gã có thể chui đầu luồn lách vào tận bụng người ta mà chọc ngoáy nhưng người đời lại rất khó tóm được gã. Trông gã cứ thơn thớt nói nói cười cười thế nhưng gã mà đá hậu, kẻ nào không may dính đòn, nếu không tụt huyết áp thì cũng nhồi máu cơ tim. Gã như một son đỉa hút máu người ta đến căng bụng lăn xuống đất mà nạn nhân vẫn không biết” [54, 49]. Về ngoại hình, “Đỗ Lươn có cái tướng mạo trông rất chi là học giả. Quần áo lúc nào cũng là lượt phẳng phiu. Đầu chải bóng mượt, thoang thoảng mùi nước hoa rẻ tiền. Chân đi giầy da nâu. Tay xách ca táp đen khóa vàng. Cuộc họp nào Đỗ Lươn cũng đăng ký phát biểu. Khi phát biểu hắn thường khoa chân múa tay, lưng uốn lượn, mông nhún nhảy như phường chèo” [54, 51]. Gã chuyên đi thuổng văn của người khác nhưng chẳng ai thèm động đến vì dây với gã là dây với hủi: “Gã lươn lẹo, tinh khôn, quay quắt như một thứ lằn ranh. Gã thường thuổng văn của những người giỏi giang nhưng ít được công luận chú ý” [54, 41]. Khi miêu tả về ngoại hình nhân vật Trần Đắc Tun, Lê Hoài Nam đã lột tả được vẻ mặt của một kẻ tiểu nhân, cứt sắt, hãm tài “Trần Đắc Tun có tướng ngũ đoản, cái đầu hình củ ấu, bên trên phình ra dưới thót lại, miệng rộng, tai vểnh, da đen sắt, mắt màu đồng thau hay nhìn trộm. Bàn tay kềnh càng với những ngón to, ngắn, xù xì. Theo sách tướng số, người có dung mạo như thế thuộc hạng tiểu nhân, cứt sắt, coi chuyện hãm hai người khác như một lẽ sống, tất yếu, y như đã là loài kền kền thì phải ăn xác thối vậy” [54,

97]. Lê Hoài Nam miêu tả Trần Văn Sớt: “Hồi Lữ Nam Phương mới lấy gã về cơ quan, gã còm nhom, mặt mũi vêu vao, răng mái hiên chìa ra khỏi miệng hàng đống. Gã ăn nói cục cằn thô lỗ, keo kiệt, bần tiện đến tội nghiệp, đúng kiểu một thằng con trai sinh ra nơi xóm trại hoang dã, chém to kho mặn. Đi theo Quang Tà mấy năm mà gần như gã lột xác trở thành một con người khác. Về hình thể, gã phát tướng trông chẳng khác một tên đồ tể. Đầu gã béo múp míp, tròn ung ủng, hàm răng mái hiên tạo cho cái miệng gã lúc nào cũng như đang cười nhơn nhơn, đểu đểu” [54, 82]. Tất cả bọn chúng hợp thành một guồng máy, mặc dù trong lòng mỗi người một toan tính nhưng trước mặt ho vẫn tìm cách tâng bốc, nịnh bợ nhau. Đó là bản chất của những kẻ có thói du côn, biết việc mình làm là ác độc, tàn nhẫn nhưng với vẻ hung hãn, bất cần, nó mau chóng trở lại là kẻ không biết đến nỗi đau của đồng loại. Chỉ vài nét phác họa chân dung nhân vật, Lê Hoài Nam cho người đọc thấy được bản chất của loại người này: thâm độc, tàn ác. Cái ác hiện hữu trong con người không phải lúc nào ta cũng thấy được ngay. Với ngày một, ngày hai nó dần dần lớn lên, đến lúc không cưỡng lại nổi nữa, nó khiến con người phải hành động theo sự điều khiển, ra lệnh của nó. Và con người trượt dài theo nó. Một con người đàng hoàng, tử tế, sẽ có cái nhìn thẳng, trực diện, không lẩn tránh. Ngược lại những kẻ có lòng dạ đen tối sẽ sợ hãi khi nhìn thẳng vì lo người khác đọc được suy nghĩ của mình. Cái ác, cái xấu khi đã thành bản chất thì sớm hay muộn nó cũng lộ diện. Nó làm con người sống xấu xa, bỉ ổi, mất hết lương tri. Là con người nhưng cũng không khác gì con vật. Miêu tả nhân vật như vậy, với một nét tượng trưng nào đó mà nhà văn đã khái quát được hết bản tính của nhân vật, báo hiệu những bất ngờ sẽ còn tiếp diễn trong câu chuyện.

Dưới con mắt của Phượng, hình ảnh ông Văn Rận trong Đôi tình nhân ham

sống với “hình dáng gầy, chân tay thô, mặt hóp, đen nhẻm, mái tóc muối tiêu chấm vai, diện chiếc áo sơ mi Thái Lan con sò và chiếc quần tuýt-xi-len rất mốt

mà vẫn không che chắc được cái dáng vẻ nông dân. Phượng có cảm giác ông hao hao giống ông đội trưởng đội xe bò vẫn thường đến thị trấn của nàng xin chở đất đắp nền nhà thuê” [52, 52]. Hình ảnh đó gợi cho Phượng liên tưởng tới ông chẳng phải con nhà nòi giàu có, ông cũng nhoi lên từ bùn đất mà làm ông chủ đó thôi.

Với những điểm nhấn khi miêu tả ngoại hình, Lê Hoài Nam qua đó đã khắc họa được về nhân vật trong cái nhìn khách quan. Vì vậy nhân vật hiện lên trong sự biến dạng khủng khiếp nhưng đồng thời người đọc cũng phát hiện ra có sự thống nhất giữa ngoại hình và bản chất bên trong của nhân vật thông qua những miêu tả ngắn gọn của nhà văn. Trong Hoang mạc tâm hồn, hình ảnh về Nguyễn Vô gợi cho người đọc đến một loại người chuyên đi nhìn người khác với ánh mắt coi thường, luôn đố kị với những gì mình không có được. Dù Nguyễn Vô và Minh Mục là bạn nhưng đằng sau lưng họ là những toan tính để hạ bệ nhau, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để chuộc lợi cho mình. Nguyễn Vô đã mỉa mai Minh Mục rằng “Cái tay Minh Mục này có cái mũi thính hơn cả mũi chó” [53, 16].

Miêu tả ngoại hình nhân vật, nhà văn không chỉ tạo được vẻ khách quan (đứng bên ngoài để quan sát) mà còn gợi người đọc đến tính cách, phẩm chất nhân vật. Vì vậy nó tạo ra những ấn tượng, đồng thời cũng tạo sự tò mò, hấp dẫn. Những nhân vật được miêu tả về ngoại hình kiểu như thế sẽ đem đến những thú vị bất ngờ cho người đọc. Hình ảnh ngoại hình ông Văn Rận trong Đôi tình nhân ham sống trái ngược hoàn toàn với tình cách của ông “Ông không tham lam, tàn nhẫn, kiêu ngạo, rởm đời và đểu cáng như những ông chủ khác. Ở ông có những nét cá tính tưởng như trái ngược nhau nhưng lại hòa đồng với nhau một cách hài hòa: nghiêm khắc mà vị tha, mạnh mẽ mà nhân hậu, tiết kiệm cho mình từng đồng nhưng không keo kiệt với mọi người...Có những lúc nhìn cái dáng cao, gầy với những bước đi khoan thai tự tin, cái đầu khắc khổ, phong sương hơi cúi về phía trước, Phượng có cảm giác ông có gì rất gần với các bậc hiền thánh” [52, 95].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết lê hoài nam (Trang 78 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)