7. Đóng góp của luận văn
2.2.1.1. Tha hóa bởi môi trường, hoàn cảnh
Có thể nói, sự tha hóa là đặc tính phổ biến của đời sống. “Khi hoàn cảnh buộc con người phải lựa chọn, lẽ ra phải chọn con đường chân chính, họ đã tìm mọi cách để tránh đương đầu với hoàn cảnh. Đơn giản, với loại người này, lợi ích của bản thân họ là quan trọng nhất. Sự tha hóa có muôn hình nghìn trạng bởi có bao nhiêu hoàn cảnh thì có thể có bấy nhiêu khả năng tha hóa” [36,121]. Trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới, loại nhân vật này khá đông đảo. Nghiên cứu tiểu thuyết Lê Hoài Nam, chúng tôi thấy nổi bật lên loại hình nhân vật này.
Sống trong một đất nước đang chuyển mình trên con đường đổi mới, con người dễ bị tha hóa và sa đọa, đáng sợ hơn, sự tha hóa ấy lại xuất phát từ những con người có học thức, những kẻ sẵn sàng chà đạp lên tình thân để đạt được mục đích của mình. Dũng trong Đôi tình nhân ham sống là điển hình của loại nhân vật này. Dũng là chiến sĩ liên lạc, là người em kết nghĩa của chồng bà Hiền, hai gia đình đi lại với nhau như người nhà. Từ khi ông Rĩnh chồng bà Hiền mất thì trong mắt mẹ con bà Hiền thì Dũng như người cha, người chú: “Hôm bố nàng mất, chú Dũng đeo khăn tang đứng túc trực bên quan tài bố suốt đêm. Bố mất rồi, chú Dũng càng tỏ ra quan tâm, săn sóc bốn chị em nàng hơn. Nhà mẹ con nàng có công to việc lớn, ngày giỗ ngày tết, chú Dũng đều bắt vợ và hai con ngồi sau xe máy để chú lai vào hoan hỷ, đỡ đần” [52, 42]. Từ một con người sống tình nghĩa như vậy mà Dũng đã bị tha hóa bởi đồng tiền, bán rẻ lương tâm của mình. Cay đắng hơn nữa, Dũng đã xúi bà Hiền góp tiền chơi hội, khi vỡ hội vợ chồng Dũng
đã bày ra cái trò bỉ ổi, lập kế hoạch vu khống cho bà Hiền khiến bà phải tìm đến cái chết để giải thoát cho nỗi tủi nhục của mình. Và xót xa bao nhiêu khi trút hơi thở cuối cùng, người đàn bà hồn hậu, thật thà đến chân tơ kẽ tóc ấy vẫn không hề nghĩ đến âm mưu nhẫn tâm, độc ác của người mà bà coi như anh em ruột thịt. Với guồng quay của cuộc sống hôm nay và sự ảnh hưởng mạnh mẽ của kinh tế thị trường, đã cuốn theo con người, làm nảy sinh sự tham lam không điểm dừng, nó phá tan mọi đạo lí của xã hội.
Vì tiền mà con người nhân hậu như Nhạn và Lưu phải đi đào mộ người chết chặt lấy tay để mong mang lại vận may cho mình. Và rồi cái việc làm thất đức đó đã khiến cho lưu bị giết hại, cuộc đời Nhạn rơi vào cảnh không nhà không cửa, trốn chui trốn lủi để chạy thoát nợ nần. Vì cám dỗ của đồng tiền nó đã lấy đi sự sống của những con người nhân hậu và cũng chính vì hoàn cảnh đã làm tha hóa bản chất tốt của một con người như Dũng, Nhạn, Lưu. Lê Hoài Nam đã dùng ngòi bút của mình để lên án những con người sống hai mặt trong xã hội, những con người tha hóa nhân cách, vì tiền mà họ sẵn sàng làm tất cả để phục vụ mục đích của bản thân. Nhà văn muốn cảnh tỉnh mọi người rằng đồng tiền nó có sức mạnh vạn năng, đồng tiền chà đạp lên mọi luân lý của xã hội.