7. Đóng góp của luận văn
3.4.4. Giọng triết luận
Ở giai đoạn đầu của văn xuôi Việt Nam hiện đại, giọng điệu triết luận đã có sự hình thành tương đối hoàn chỉnh và bộc lộ rõ nét hơn trong các tác phẩm dựa trên những nhân tố mới như: sự ảnh hưởng tư duy phân tích, suy lí của các trí thức Tây học, của tiểu thuyết luận đề và các tôn chỉ nghệ thuật. Không trào lộng như Vũ Trọng Phụng, không hài hước như Nguyễn Công Hoan, không nhẹ nhàng và tinh tế như Thạch Lam, Lê Hoài Nam đã chọn cho mình một giọng điệu rất riêng – giọng triết luận. Nhà văn không trực tiếp bày tỏ quan điểm của mình mà thông qua lời nhân vật ông đã gửi gắm ở mỗi tác phẩm những triết lí nhân sinh sâu sắc.
Lê Hoài Nam đề cao nhân cách của người viết văn, đây là đặc điểm mới trong quan niệm nghệ thuật của ông. Tiếp nối các bậc tiền nhân, Lê Hoài Nam có cái nhìn khác, có quá nhiều kẻ đeo mặt nạ, họ đã bôi bẩn danh dự của những nhà văn chân chính. Cũng viết về trí thức nhưng ông đi sâu vào văn nghệ sĩ để phanh phui bản chất của họ. Ông chế giễu, phê phán, mỉa mai “văn chương giả cầy”: “loại thi sĩ giả cầy rất nhiều. Họ sống phởn phơ và ngạo nghễ lắm, họ là sống đông” [53, 164], phê phán nhà báo rởm: “lập lờ, thật – giả, đen – trắng nhòa vào nhau thành cái màu lờ lợ nước hến” [53, 156], họ giải quyết công việc bằng tiền, có tiền là tất cả mọi việc trở nên dễ dàng hơn, Nguyễn Vô trong
Hoang mạc tâm hồn là điển hình của loại nhân vật này. Trong con mắt của
Nguyễn Nhân thì bố mình thật đáng hoài nghi “Cách đây mấy hôm, có một bà dẫn một cô con gái đến nhà tớ. Nhìn đầu tóc, quần áo thì tớ biết mẹ con bà rất nghèo khổ. Bà đến gặp bố tớ để trình bày một chuyện oan trái gì đó và nhờ ngòi bút của bố tớ đưa lên công luận giải quyết. Bố tớ không hứa hẹn, cũng không từ chối. Ông cứ nói lấp lửng nước đôi, mặt lạnh như tiền. Đến lúc bà già xỉa ra một xấp tiền thì ông sinh động hẳn lên và giọng nói của ông nhanh chóng trở thành tha thiết: “Tôi rất cảm thương với hoàn cảnh của mẹ con bà. Tôi hứa sẽ làm cho
ra nhẽ vụ này”. Thực ra càng ngày tớ càng hoài nghi tài năng của bố tớ. Những nhà báo có tài năng họ không xử xự như thế” [53, 152]. Thông qua lời nhân vật cô Vỹ Thanh, nhà văn đã triết luận rằng “ở một thành phố nào đó mà thiếu vắng những dây chuyền công nghệ thì cách sống thủ đoạn, lươn lẹo, bòn mót theo kiểu tiểu thị dân có đất phát triển…” [53, 155]. Hay theo suy nghĩ của Nguyễn Vô thì Vỹ Thanh đang mang trong mình thứ “văn chương vô đạo” để truyền bá trong học sinh. Ông cho rằng: “loại ấy mà cho nó một tí chức quyền, nó sẽ dắt mũi đám trí thức đi theo địa chỉ trong một sớm một chiều. Chắc là nó biết trước sau tao cũng cho nó một bài học nhớ đời nên nó đánh phủ đầu tao bằng cái trò hồi ký hồi kiếc này đây mà” [53, 151]. Khi Nguyễn Nhân hỏi về ông Ký, Vỹ Thanh đưa ra nhận xét: “Ông ấy là một người tự trọng và biết hài hước. Phải là con người có một tầm cao nào đó thì mới biết tự chế giễu mình!” [53, 170]. Lê Hoài Nam đã mượn lời các nhân vật, thông qua nhân vật để nói lên suy nghĩ của mình. Ông triết luận: “con gái đi theo văn chương là tự chuốc lấy cái mệnh bạc vào mình, là thân gái dặm trường, không lo âu sao được” [53, 174]. Các nhà văn bị đố kỵ tài năng vẫn còn tồn tại, đó là một sự thật đau lòng về bi kịch trí thức. Lê Hoài Nam đã dám nhìn thẳng vào sự thực xã hội để phanh phui, để nói lên tiếng nói của mình bênh vực những nhà văn chân chính.
Trong Đôi tình nhân ham sống, khi tâm sự với những đứa con của mình về
việc lựa chọn nghề nghiệp, bà Hiền đã đưa ra lời khuyên: “Một xã hội mà tri thức bị coi rẻ như bèo thì công lý cũng chỉ là một thứ ước lệ” [52, 8]. Hay: “Họ săm soi rình mò tìm những khiếm khuyết nho nhỏ rồi phao tin thổi phồng con kiến biến thành con voi. Phải làm kẻ khác xấu đi thì mình mới trội lên được” [52, 9]. Trong
Danh tiếng và bóng tối, Lê Hoài Nam đã đưa ra triết luận về văn chương: “Văn
chương nó có ma lực kết dính con người ta mạnh mẽ, đôi khi bỏ qua tất cả hoàn cảnh, cá tính, dòng họ, sắc tộc” [54, 92]. Bởi vậy, người như Trần Đắc Tun cũng được Lữ Nam Phương kết thân và họ trở thành bạn của nhau khá thân thiết.
Trong Hoang mạc tâm hồn, mượn lời cô Vỹ Thanh, Lê Hoài Nam đã cung cấp cho người đọc một phát hiện đầy tính xã hội: “Tự thẳm sâu trong tâm thức con người bao giờ cũng có một ham muốn, một nhu cầu được khẳng định khả năng cá nhân mình trước cộng đồng. Nhà khoa hoc khẳng định mình bằng những phát minh. Nhà văn khẳng định mình bằng tác phẩm. Nhà chính trị khẳng định bằng những đường lối, hoạch định chính sách. Nhà kinh doanh khẳng định mình bằng những khoản lợi nhuận. Còn người không làm ra gì cả thì khẳng định mình qua những nghi thức cư xử, bằng màu áo, kiểu áo, bằng lễ lạt, hiếu hỉ…” [53, 90]. Quả thật, có những nghi lễ rườm rà mà không bao giờ thay đổi được, chính điều đó càng trở lố bịch và hài hước. Lê Hoài Nam đã rất tài tình khi mượn lời nhân vật, thông qua nhân vật để nói lên tiếng nói của mình. Khi là sự ca ngợi, khi là sự phê phán và đả kích những lố bịch, “quái gản” đang tồn tại trong xã hội. Ông muốn chiêu tuyết cho những nhà văn bị kết tội “chụp mũ” oan uổng. Qua mỗi tác phẩm, ông gửi gắm vào đó những triết lí nhân sinh sâu sắc.
Văn chương vốn có rất nhiều lối viết, lối kể, rất nhiều giọng điệu khác nhau. Trong sáng tác của Lê Hoài Nam, ta cũng có thể tìm thấy sự đa dạng về giọng điệu. Có những tác phẩm nhất quán một giọng điệu, cũng có những tác phẩm đan xen nhiều giọng điệu. Tuy nhiên, trong năm giọng điệu mà người viết khái quát được trong sáng tác của Lê Hoài Nam đã được nói ở trên, thì giọng hài hước, hóm hỉnh, giọng xót xa, thương cảm dù không phải giọng kể chủ đạo, nhưng là một trong những nét nổi bật nhất làm nên phong cách nhà văn. Đó cũng là một sáng tạo độc đáo của Lê Hoài Nam, là sự khác biệt rõ rệt nhất giữa Lê Hoài Nam và các nhà văn khác cùng thời như Lê Minh Khuê, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Quang Lập... Các giọng điệu được tạo nên từ một cái nhìn rất gần đối với con người và cuộc sống của một tâm hồn nhạy cảm và nhân hậu. Dù viết về điều gì, viết bằng chất giọng nào thì sâu trong tất cả vẫn là tấm chân tình của nhà văn dành cho con người và cuộc đời.
* Tiểu kết:
Với lối xây dựng tình huống rất thực tế, gần gũi với cuộc sống thường nhật, cần phải khẳng định rằng tác giả đã thành công khi miêu tả biểu hiện tâm lý, tính cách nhân vật. Ngòi bút của ông thiên về tầng lớp trí thức, nên ông rất hiểu và san sẻ với những bất hạnh, mất mát mà giới văn nghệ sĩ phải gánh chịu. Qua mỗi tác phẩm ta thấy ít nhiều có bóng dáng của Lê Hoài Nam ở đó.
Bên cạnh đó, tiểu thuyết Lê Hoài Nam còn hoà trộn nhiều gam giọng điệu, thuật lại chuyện mình nghe và thấy những điều bình thường hay phức tạp trong cuộc sống vốn dĩ đã tồn tại. Đọc truyện của ông độc giả thật khó mà phân biệt được đâu là giọng tác giả, đâu là giọng nhân vật, giọng người kể chuyện với nhiều sắc thái, âm điệu khác nhau: khi trữ tình ngọt ngào; khi chiêm nghiệm, suy tư; khi giễu cợt hài hước, khi triết luận... Qua đó, Lê Hoài Nam đã tạo nên một lối trần thuật đa thanh hiện đại, làm nên cảm xúc tươi mới cho sản phẩm tinh thần của mình.
KẾT LUẬN
1. Từ sau thời kỳ đổi mới, với ưu thế đặc biệt về thể loại, tiểu thuyết đã chiếm
vị trí hàng đầu trong văn xuôi Việt Nam. Số lượng tác giả tham gia sáng tác trong lĩnh vực tiểu thuyết ngày càng đông đảo. Tiểu thuyết sau năm 1986 có sự vận động biến đổi trên nhiều phương diện: chủ đề, tư tưởng, cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu, điểm nhìn,.... Trong đó nhân vật là một phương diện nghệ thuật được các nhà văn quan tâm, chú ý. Có nhiều dấu hiệu đổi thay trong cách thức miêu tả nhân vật, trong việc biểu hiện chức năng của nhân vật. Nhân vật trong tiểu thuyết không được miêu tả kỹ về ngoại hình, tên tuổi, tính cách, số phận… mà được chú ý nhiều hơn đến thế giới tâm tư, tình cảm bên trong của nhân vật. Nhân vật không còn đại diện cho một giai cấp, một tầng lớp xã hội nào nữa mà là những con người cá nhân. Trước những chuyển biến của đời sống xã hội trong thời kỳ đổi mới nhiều nhà văn đã nhận thấy tiểu thuyết là thể loại thích hợp nhất để viết về cuộc sống hiện tại. Điều đó cho thấy tiểu thuyết hiện nay là một thể loại cần được khảo sát sâu hơn, cũng như cần được tiếp cận và khám phá trên những bình diện mới.
2. Tiểu thuyết là thể loại thành công nhất trong văn nghiệp của Lê Hoài Nam.
Là một nhà văn có cá tính sáng tạo độc đáo, Lê Hoài Nam đã tạo dựng cho mình một phong cách nghệ thuật riêng không thể nhầm lẫn. Trước hết, tiểu thuyết Lê Hoài Nam chuyển tải thành công các quan niệm nghệ thuật và thông điệp văn chương của nhà văn. Đó là những quan niệm mới mẻ, táo bạo và độc đáo.
3. Lê Hoài Nam bắt đầu cầm bút từ lúc là một sĩ quan trẻ của quân chủng
Hải quân, bằng một loạt truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết ông đã có những thành công lớn trong các mảng đề tài. Bởi vì, Lê Hoài Nam vừa xuất hiện trên văn đàn đã có một bút pháp riêng: bám sát hiện thực đời sống để viết nhưng là một hiện thực được chọn lọc, dồn nén, chưng cất, thăng hoa, có sức gợi, khiến bạn đọc thả sức tưởng tượng bay bổng. Một cách nhìn chiến tranh mới mà không hề xa
lạ, bởi ông viết bằng chính những gì ông trải nghiệm, bằng tình yêu đau đớn đối với mỗi số phận con người. Và mỗi số phận mang một triết lý nhân sinh. Thành công của ông là ở đó.
4. Những đóng góp của ông cho thể loại tiểu thuyết nói riêng và văn xuôi
Việt Nam thời kì sau năm 1986 nói chung là điều không thể phủ nhận. Đặc biệt, với sự tinh tế, Lê Hoài Nam tỏ ra là người có óc quan sát hiện thực cuộc sống trên một bình diện rất rộng lớn. Những tác phẩm của nhà văn đã phản ánh xã hội Việt Nam thời hậu chiến với nhiều góc cạnh khác nhau. Do đó cuộc sống và con người hiện lên một cách chân thực như chính bản thân nó.
5. Với tư duy nghệ thuật nhạy bén và bản lĩnh sắc sảo của một nhà văn đã
từng trải qua chiến trận, trong khát khao vươn tới một loại văn học làm đẹp cho cuộc đời, phản ánh những tin yêu của con người, Lê Hoài Nam đã bắt kịp sự vận động của văn chương đương thời. Trong đó, quan niệm nghệ thuật về con người ngày càng hoàn thiện và biện chứng hơn: Lê Hoài Nam đã thoát khỏi cái nhìn nguyên phiến, một chiều của giai đoạn văn học trước, từ góc nhìn con người sử thi, đậm tính lý tưởng sang góc nhìn con người đời tư trong sự sống động, chân thực, đa diện, nhiều chiều với mọi nỗi niềm trăn trở của cá nhân, con người phi lý tưởng giống như những con người ta vẫn thường gặp trong cuộc sống thường nhật.
6. Sự đổi mới về tư duy nghệ thuật của Lê Hoài Nam được thể hiện trong
việc xây dựng thế giới nhân vật. Nhân vật trong tiểu thuyết của ông hiện ra trước mắt người đọc không cứng nhắc, không phải nhân vật được khắc họa theo một mô hình nào mà là nhân vật của cuộc sống đời thường. Các nhân vật trong tiểu thuyết của ông luôn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ mà người đọc phải đi tìm câu trả lời. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Lê Hoài Nam chủ yếu là nhân vật bi kịch, nhân vật tự ý thức và nhân vật tha hóa. Các loại nhân vật này được soi chiếu ở nhiều góc cạnh khác nhau, trong những môi trường, hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy, tính cách và số phận nhân vật hiện lên chân thực, sống động đối
với người đọc. Trong quá trình xây dựng nhân vật, nhà văn đã đi sâu vào khám phá tâm hồn nhân vật với nhiều trạng thái tâm lí phong phú: những ám ảnh về đời sống tâm linh, những ưu tư triết luận của người lính sau chiến tranh hay những suy tư rất đời thường về cuộc sống nhân sinh của con người. Đặc biệt, thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Lê Hoài Nam còn mang đậm bản sắc văn hóa Việt thể hiện ở cung cách ứng xử đậm tình người. Thông qua thế giới nhân vật đó, Lê Hoài Nam còn biểu hiện tư tưởng nghệ thuật, lý tưởng thẩm mỹ và những chiêm nghiệm suy tư sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời: Thể hiện một cái nhìn mới về những con người mới trong hoàn cảnh mới.
7. Ở phương diện nghệ thuật xây dựng nhân vật, tiểu thuyết Lê Hoài Nam
ngày càng có sự đổi mới, sáng tạo. Nhân vật không chỉ được khắc họa bằng những miêu tả ngoại hình bề ngoài mà chân dung nhân vật còn hiện lên toàn diện hơn với những phát hiện về nội tâm sâu sắc. Bên cạnh đó, bằng việc tạo ra những tình huống “có tính vấn đề” buộc nhân vật phải có hành động ứng xử của mình, qua đó tính cách nhân vật ngày càng lộ rõ trước mắt người đọc. Nhất là trong việc sử dụng ngôn ngữ: Lê Hoài Nam đã tận dụng triệt để hiệu quả thẩm mĩ của ngôn ngữ đời thường bình dị, nhân vật của ông trở nên gần gũi, thân thiết với người đọc hơn bao giờ hết. Nhờ vậy đã tạo ra mối liên kết bất ngờ giữa độc giả và người sáng tác.
8. Cùng với những cây bút khác như Lê Lựu, Nguyễn Minh Châu, Phạm
Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Lê Minh Khuê …. Lê Hoài Nam bằng những tìm tòi mới mẻ, sáng tạo của mình, ông đã thực sự khiến người đọc lưu tâm, suy ngẫm, trăn trở khôn nguôi trước những vấn đề của thực tế cuộc sống hôm nay được nhà văn đặt ra trong tác phẩm. Và với thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc, Lê Hoài Nam xứng đáng là nhà văn quân đội ít ỏi có vị trí trang trọng trên văn đàn Việt Nam sau năm 1986 nói chung và văn xuôi thời hậu chiến nói riêng.
Lê Hoài Nam vẫn đang tiếp tục tìm kiếm và say mê sáng tạo trên con đường nghệ thuật nhiều gian nan, thử thách. Với những thành quả đã đạt được, ông đã góp phần không nhỏ vào sự vận động và phát triển của thể loại tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Những gì mà Lê Hoài Nam đã tạo dựng được trong các sáng tác của mình hoàn toàn có thể khẳng định tầm vóc của một nhà văn bản lĩnh, giàu tài năng và khát vọng. Chúng tôi tin rằng, trong tương lai, Lê Hoài Nam sẽ còn đem đến cho người đọc nhiều trang viết giàu cảm xúc và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Alain Robbe – Griliet (1997), Vì môt tiểu thuyết mới, Lê Phong Tuyết dịch, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
2. Nguyễn Thị Kiều Anh (2007), Một chặng đường lý luận về tiểu thuyết trong
văn học Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.