7. Đóng góp của luận văn
3.3.2. Kết cấu lồng ghé p tiểu thuyết trong tiểu thuyết
Theo Mai Hải Oanh, kết cấu lồng ghép – tiểu thuyết trong tiểu thuyết “là
một thủ pháp nghệ thuật hiện đại, thể thiện thái độ cách tân nghệ thuật và tinh thần từ bỏ những cấu trúc nghệ thuật đơn tuyến. Về bản chất, đây cũng là hình thức lắp ghép nhưng quy mô lắp ghép dài hơi, có ý nghĩa chi phối đến cấu trúc chiều sâu của tác phẩm. Kết cấu lồng ghép bảo đảm cho tác phẩm nghệ thuật trở thành một cấu trúc đa tầng, hai trong một hoặc ba trong một. Thậm chí, một tác phẩm có thể có nhiều chủ đề cùng tồn tại” [36; 210]. Việc lồng tiểu thuyết
trong tiểu thuyết, một mặt, làm cho cuộc sống hiện lên trong tác phẩm phong phú nhiều chiều hơn, mặt khác đáp ứng được nhu cầu tạo trò chơi (văn bản, ngữ
nghĩa, cấu trúc…) của nhà văn. Những tác phẩm tiêu biểu cho kĩ thuật lồng ghép là Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Thoạt kì thủy (Nguyễn Bình Phương), Khải
huyền muộn (Nguyễn Việt Hà)…
Cấu trúc lồng ghép đã được sử dụng tinh tế trong Hoang mạc tâm hồn của Lê Hoài Nam. Người kể chuyện xưng tôi (Nguyễn Nhân) là nhân vật chính trong truyện kể về sự đố kị của hai ông bố (Nguyễn Vô, Minh Mục) đã làm cho tình bạn giữa Nguyễn Nhân và Minh Hạ bị ảnh hưởng. Chính sự nhìn nhận người khác một cách phiếm diện mà Nguyễn Vô đã đánh giá sai năng lực của cô Vỹ Thanh khiến con trai mình thi trượt đại học. Nguyễn Nhân có cái nhìn đúng đắn về thế hệ bố mình – những nhà văn đố kị tài năng, thế hệ “văn chương giả cầy”, những nhà báo rởm, trước mặt thì họ tung hô nhau nhưng sau lưng thì mỗi người một thủ đoạn. Chính sự thật bi thương đó đã khiến cho Nguyễn Nhân quyết định từ bỏ theo đuổi sự nghiệp văn chương, anh không còn đủ niềm tin vào bố mình, anh quyết định ra đi và bắt đầu lại mục tiêu của mình. Cấu trúc lồng ghép đã thể hiện rõ sự nhìn nhận, quan niệm văn chương của hai thế hệ: thế hệ sau (thế hệ con) và thế hệ đi trước (thế hệ bố), biểu hiện rõ chiều sâu của truyện.
Tuy nhiên, dấu ấn rõ nhất của cấu trúc lồng ghép tiểu thuyết trong tiểu thuyết nằm ở Danh tiếng và bóng tối. Người đọc dễ dàng nhận thấy con đường sự nghiệp của nhân vật Đinh Thành Tháp và Lữ Nam Phương rất giống với quãng đời hoạt động của nhà văn Lê Hoài Nam khi ông rời xa quân ngũ về làm Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh với bao biến cố và thăng trầm diễn ra. Và, những nhà văn bị đố kị tài năng này, họ đều lựa chọn một con đường duy nhất đó là về hưu sớm để tránh xa những cạm bẫy của xã hội. Lê Hoài Nam muốn gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình qua từng nhân vật. Ông thấu hiểu được hoàn cảnh của những nhà văn chân chính khi phải sống trong môi trường có sự đố kỵ về tài năng.