Chương 2 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động cho vay KHCN
3.3.3. Nhóm nhân tố thuộc về môi trường hoạt động của ngân hàng
+ Môi trường kinh tế
Giai đoạn 2015-2017 là giai đoạn nền kinh tế nước ta nói chung và nền kinh tế huyện Đồng Hỷ nói riêng đang có dấu hiệu phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng kinh tế, điều này đã tạo môi trường rất thuận lợi để mở rộng hoạt động cho vay KHCN của Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh huyện Đồng Hỷ. Thêm vào đó, sự phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như KCN Yên Bình, KCN Sông Công I, KCN Sông Công II… đã tạo được nhiều cơ hội việc làm cho người dân ở địa phương nên thu nhập và đời sống của người dân được cải thiện nhiều. Điều này cũng là một nhân tố thúc đẩy hoạt động cho vay KHCN phát triển.
+ Môi trường luật pháp
Tất cả các hoạt động kinh doanh hiện nay đều phải chấp hành pháp luật của nhà nước và hoạt động của ngân hàng không là một ngoại lệ. Trong thời gian gần đây, pháp luật và chính sách trong lĩnh vực ngân hàng đang dần phát triển bền vững, thực chất hơn với một số bổ sung về luật như Luật các tổ chức tín dụng 2010 thay thế cho Luật các tổ chức tín dụng 1997, sửa đổi năm 2004 đã khỏa lấp được rất nhiều lỗ hổng mà các tổ chức tín dụng và cá nhân lách luật, làm méo mó chính sách điều hành tiền tệ của NHNN….Tuy nhiên, các quy định pháp luật về ngân hàng ở Việt Nam chưa được hoàn chỉnh. Rất nhiều quy định của Luật chưa được hướng dẫn, vẫn tổn tại một số lỗ hổng do chưa theo kịp với sự biến đổi hàng ngày trong hoạt động của các tổ chức tín dụng nên dần dà, tư duy của Luật trở nên lạc hậu, không toàn diện.
+ Môi trường văn hoá - xã hội
Yếu tố này bao gồm nhiều vấn đề mang tính lâu dài và chậm thay đổi như văn hóa tiêu dùng, thói quen sử dụng các dịch vụ ngân hàng trong đời sống, tập
quán tiết kiệm, đầu tư, ứng xử trong quan hệ giao tiếp, kỳ vọng cuộc sống, cộng đồng tôn giáo, sắc tộc… Hiện nay, các dịch vụ ngân hàng đã và đang phát triển nhanh trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, trong đó có dịch vụ cho vay KHCN. Với đặc trưng số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn rất lớn, người dân đã quen thuộc với thương hiệu, uy tín của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam sẽ là yếu tố thuận lợi giúp Chi nhánh phát triển hoạt động cho vay KHCN. Nắm bắt được các vấn đề này Chi nhánh cần tạo ra nhu cầu sử dụng sản phẩm các dịch vụ ngân hàng của người dân trên địa bàn, tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thói quen của dân cư, quảng bá rộng rãi hơn nữa về Chi nhánh trong các tầng lớp dân cư.
+ Sự phát triển của Khoa học - Công nghệ
Hiện nay công nghệ thông tin đang làm thay đổi cuộc sống nhanh chóng, trong đó có hoạt động ngân hàng. Đây là cơ hội để ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh huyện Đồng Hỷ nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí, tăng quảng bá - bán hàng thông qua các tiến bộ công nghệ; song cũng tạo ra thách thức về nguồn tài chính đầu tư, nhân lực có khả năng quản lý, khai thác công nghệ và rủi ro hoạt động (nhất là rủi ro công nghệ).
+ Đối thủ cạnh tranh
Sự cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam ngày càng gay gắt, khốc liệt, không những giữa các ngân hàng với nhau mà còn đến từ các tổ chức phi ngân hàng (công ty làm dịch vụ trung gian thanh toán, cho vay, công ty viễn thông như Vnpay, MoMo, Payoo…). Các công ty trung gian này cung cấp dịch vụ thanh toán, tiền gửi, cho vay nhanh chóng, thuận tiện, cạnh tranh trực tiếp với các NHTM. Trong đó các đối thủ lớn của Agribank chi nhánh huyện Đồng Hỷ là Ngân hàng đầu tư và phát triển và Ngân hàng Công thương Việt Nam. Đây là hai ngân hàng đã có chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn huyện và có các chính sách thúc đẩy hoạt động cho vay KHCN rất cạnh tranh. Ngoài ra, các ngân hàng có mặt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng mang lại sức ép không nhỏ cho Chi nhánh trong hoạt động cho vay KHCN.