Chương 2 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
4.2. Giải pháp đẩy mạnh hoạt động cho vay KHCN của Ngân hàng Nông nghiệp
4.2.1. Hoàn thiện chính sách, quy trình cho vay KHCN tại Chi nhánh
4.2.1.1. Hoàn thiện chính sách cho vay
Đối với chi nhánh, để đề ra chính sách cho vay cá nhân hiệu quả bao gồm việc mở rộng và nâng cao hiệu quả cho vay, trước hết chi nhánh cần phải xác định mục tiêu và vị trí (thị phần cho vay) trên thị trường này. Để xác định thị phần cần có sự thống kê, so sánh dư nợ, số lượng khách hàng của chi nhánh với các ngân hàng khác. Trên cơ sở biết được đối tượng phục vụ và vị thế, chi nhánh mới đề ra được chính sách cho vay cụ thể
* Cải cách mô hình tổ chức hoạt động tín dụng KHCN theo hướng ngày càng chuyên môn hóa thuê ngoài một số công đoạn.
+ Liên kết với công ty thẩm định giá độc lập giúp việc định giá tài sản đảm bảo khách quan, tránh việc định giá quá cao gây rủi ro cho ngân hàng (nếu giá trị thực của tài sản không đủ đảm bảo cho khoản vay) hoặc định giá quá thấp dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu vay của khách hàng, đồng thời giảm bớt trách nhiệm của CBTD trong khâu thẩm định.
+ Tuyển dụng nhân sự có trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm trong các lĩnh vực này.
* Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đảm bảo việc chuyển đổi mô hình ngân hàng bán lẻ theo đúng định hướng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam
+ Tổ chức tuyên truyền, đào tạo để cán bộ hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc chuyển đổi mô hình theo hướng chuyên môn hóa các phần hành nghiệp vụ.
+ Điều chỉnh quy trình phối hợp tác nghiệp giữa các bộ phận với nhau theo hướng đơn giản hóa bằng cách giảm bớt các bước trình hồ sơ, báo cáo không cần thiết., đặc biệt là cơ chế phối hợp với phòng hỗ trợ tín dụng tại Chi nhánh.
+ Gắn trách nhiệm, tiền lương của phòng hỗ trợ tín dụng với kết quả hoạt động của Chi nhánh để nâng cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của phòng hỗ trợ tín dụng.
* Tự động hóa theo dõi hồ sơ tín dụng
Trên nền tảng công nghệ đã có như SMSbanking, Internet-banking cùng với sự phát triển hệ thống ATM và máy POS, Chi nhánh cần tận dụng các lợi thế này nhằm hỗ trợ công tác tín dụng trong việc tự động hóa khâu theo dõi hồ sơ tín dụng nhằm thực hiện việc: nhắc nợ tự động thông qua tin nhắn, email và thu nợ tự động thông qua giao dịch chuyển khoản trên máy ATM hoặc thanh toán nợ vay bằng máy POS. Tự động hóa các công việc như trên giúp giảm thiểu thao tác tác nghiệp cho CBTD đồng thời đem lại tiện ích tối đa cho khách hàng, góp phần nâng cao hiệu quả công việc và tạo dựng hình ảnh một Ngân hàng năng động, có khả năng cạnh tranh cao so với các đối thủ.
4.2.1.2. Hoàn thiện quy trình cho vay
Để hạn chế tối đa các yếu tố chủ quan và các biểu hiện tiêu cực trong việc thẩm định xét duyệt cho vay, đảm bảo tính khách quan, kịp thời phát hiện các khách hàng kém hiệu quả, dự án kém khả thi. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh huyện Đồng Hỷ cần cải tiến và đổi mới quy trình xét duyệt thẩm định và cho vay, kiểm tra giám sát tình hình luân chuyển vốn vay.
Theo quy trình tín dụng, hồ sơ cho vay trước khi trình lãnh đạo ký duyệt cần phải được kiểm tra, xem xét toàn diện, chính xác và khách quan từ khâu lập hồ sơ, phân tích năng lực, khả năng tài chính của khách hàng, tính khả thi của dự án, giá trị tài sản thế chấp, biện pháp thu hồi nợ. Do vậy nếu không có sự phối kết hợp của các nhân viên thực hiện theo đúng các yêu cầu, các bước của quy trình tín dụng thì hoạt động cho vay KHCN tại Chi nhánh sẽ bị ảnh hưởng.
Bộ phận quản lý KHCN có trách nhiệm hướng dẫn khách hàng làm thủ tục và điều kiện vay vốn, tiếp nhận các hồ sơ vay vốn của khách hàng, phân loại hồ sơ để xem xét và đánh giá. Bộ phận này chuyên quản lý KHCN, thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay, tài sản thế chấp, những thuận lợi, khó khăn để từ đó đề xuất ý kiến, biện pháp giải quyết đối với từng phương án vay vốn. Bộ phận này thường xuyên xuống nơi làm việc để nắm rõ tình hình thực tế về báo cáo cho lãnh đạo và bộ phận thẩm định để theo dõi và chỉ đạo.
Bộ phận thẩm định tín dụng hoạt động độc lập với bộ phận trên. Bộ phận này chủ yếu làm việc tại Ngân hàng, có nhiệm vụ phân tích xem xét mục đích sử dụng vốn vay của KHCN về mọi mặt, phân tích khả năng trả nợ của khách hàng. Bộ phận này có thể xuống từng hộ kinh doanh để nắm tình hình thực tế và kiểm tra tài sản thế chấp cầm cố khi thẩm định dự án, căn cứ vào ý kiến đề xuất của bộ phận quản lý KHCN để đưa ra các phương án xử lý các vụ việc liên quan đến vốn vay. Trong bộ phận này Ngân hàng nên tuyển thêm một số cán bộ hiểu sâu về một số lĩnh vực cụ thể như điện, máy móc, thiết bị giao thông ... để giúp cho công tác thẩm định đánh giá về các yếu tố kỹ thuật được đúng đắn và chính xác, nhanh chóng.
Hai bộ phận này cần có sự phối hợp đồng bộ nhịp nhàng vì nếu như một công đoạn nào đó thực hiện không đúng quy định sẽ ảnh hưởng đến công đoạn sau và kết quả của toàn bộ công việc.