5. Kết cấu của luận văn
1.1.7. Công cụ kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo mô hình kho bạc nhà
nước điện tử.
- Công cụ kế toán NSNN: Đây là một trong những công cụ quan trọng gắn liền với hoạt động quản lý NSNN của KBNN. Nó có vai trò tích cực trong việc quản lý, điều hành và kiểm soát hoạt động thu, chi NSNN. Kế toán NSNN phản ánh chính xác, đầy đủ, kịp thời tình hình thu, chi NSNN, qua đó cung cấp những thông tin cần thiết để các cơ quan chức năng điều hành ngân sách có hiệu quả cao. Một trong những chức năng quan trọng của kế toán NSNN là hạch toán kế toán, kiểm tra tình hình cấp phát kinh phí NSNN. Nó là công cụ chủ yếu để kiểm soát chi NSNN qua KBNN. Cụ thể, kế toán NSNN cung cấp số liệu tồn quỹ NSNN, số liệu về tình hình nhập, xuất, tồn dự toán chi của đơn vị sử dụng NSNN. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để KBNN xem xét các khoản chi của đơn vị có đủ điều kiện hay không từ đó đưa ra quyết định cấp phát hay từ chối cấp phát. Về nguyên tắc, các khoản chi thường xuyên của mỗi đơn vị sử dụng NSNN không được vượt quá số tồn dự toán của đơn vị đó và không được vượt quá tồn quỹ NSNN.
- Công cụ mục lục NSNN:Hệ thống Mục lục NSNN là bảng phân loại các khoản thu, chi NSNN theo hệ thống tổ chức nhà nước, ngành kinh tế và các mục đích KT-XH do Nhà nước thực hiện, nhằm phục vụ công tác lập, chấp hành, kế toán, quyết toán NSNN và phân tích các hoạt động kinh tế tài chính thuộc khu vực Nhà nước.
Mục lục NSNN là một trong những công cụ quan trọng, không thể thiếu trong công tác kiểm soát chi NSNN theo mô hình KBNN điện tử. Nội dung, kết cấu và cách sử dụng công cụ Mục lục NSNN là một trong những cơ sở đánh giá khả năng quản lý NSNN của một quốc gia. Hệ thống Mục lục NSNN có bao quát được các hoạt động kinh tế và các giao dịch kinh tế của Nhà nước thì việc thu thập, phân tích và xử lý số liệu mới đầy đủ; từ đó cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho công tác lập dự toán NSNN, điều hành, quản lý, kiểm soát NSNN; đồng thời cung cấp thông tin cần thiết phục vụ việc đề ra các quyết định phát triển KT-XH.
- Công cụ định mức chi ngân sách: Định mức chi ngân sách là một chuẩn mực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với từng nội dung chi NSNN.
Định mức chi ngân sách là cơ sở để tính toán khi lập dự toán và cũng là căn cứ để KBNN đối chiếu với từng khoản chi của đơn vị sử dụng NSNN trong quá trình kiểm soát chi NSNN. Mức chi thực tế của từng nội dung chi không được vượt quá định mức chi đối với nội dung đó. Định mức chi có định mức tuyệt đối và định mức tương đối. Định mức tuyệt đối là mức chi đối với một nội dung cụ thể. Định mức tương đối là tỷ lệ giữa các nội dung chi khác nhau.
- Công cụ tin học: Đây là công cụ hỗ trợ cho công tác kiểm soát chi NSNN theo mô hình KBNN điện tử. Với sự hỗ trợ của tin học, công tác kiểm soát chi được tiến hành nhanh chóng và chính xác hơn rất nhiều so với thực hiện theo phương pháp thủ công.
1.1.8. Những yếu tố ảnh hưởng đến kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo mô hình kho bạc nhà nước điện tử.
1.1.8.1. Nhân tố khách quan
- Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chung của Nhà nước
Đây là yếu tố tác động trực tiếp đến quá trình kiểm soát chi ngân sách nhà nước. Mọi hoạt động nghiệp vụ cụ thể trong lĩnh vực chi ngân sách nhà nước đều được tiến hành dựa trên căn cứ pháp lý là các văn bản, định mức, chế độ chi ngân sách nhà nước do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Điều kiện đầu tiên để có thể thực hiện kiểm soát chi NSNN theo mô hình KBNN điện tử là luật pháp, chính sách và các quy định có liên quan đến KSC NSNN.
Luật pháp chính sách cho phép con người xây dựng, thực hiện và hoàn thiện kiểm soát chi NSNN theo mô hình KBNN điện tử, đồng thời luật pháp, chính sách cũng bắt con người phải tuân theo những quy định cụ thể khi xây dựng, thực hiện và hoàn thiện KSC NSNN theo mô hình KBNN điện tử.
KBNN cần xây dựng luật pháp, chính sách và các quy định đảm bảo việc triển khai vận hành chương trình KSC NSNN theo mô hình điện tử được nhanh chóng, thuận tiện, an toàn tiền và tài sản của nhà nước và của đơn vị sử dụng NS, đồng thời cũng quản lý được các giao dịch điện tử thông qua chương trình KSC NSNN theo mô hình KBNN điện tử mà hệ thống KBNN cần xây dựng bao gồm:
- Nghiệp vụ KSC NSNN theo mô hình KBNN điện tử
- Các quy định về khai thác và sử dụng chương trình KSC NSNN theo mô hình KBNN điện tử
- Các quy định về chữ ký số, chứng thư số ứng dụng trong chương trình KSC NSNN theo mô hình KBNN điện tử. Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ. Nghị định này quy định chi tiết về chữ ký số và chứng thư số; việc quản lý, cung cấp và sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Nghị định bao gồm 9 chương, 84 điều quy định chi tiết về chữ ký số và chứng thư số; việc quản lý, cung cấp và sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức quản lý, cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong giao dịch điện tử.
- Các quy định về phát triển, triển khai, vận hành chương trình KSC NSNN theo mô hình KBNN điện tử, hỗ trợ người sử dụng trong quá trình thực hiện công việc KSC NSNN trực tuyến qua mạng. Theo Quyết định số 1605 ngày 27/08/2010 của Thủ tướng Chính phủ và nghị quyết số 36A ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Tháng 11/2015, Bộ Tài chính đã mở cổng thông tin điện tử KBNN tích hợp với cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính để triển khai các dịch vụ công trực tuyến nhằm cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và tính công khai, minh bạch hoạt động KBNN. Tháng 12/2017 Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 133/2017 quy định rõ hơn về các giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ KBNN (thay thế thông tư 209 ngày 20/12/2010 và quyết định 2704 ngày 17/12/2015 của Bộ Tài chính áp dụng trong thời gian thí điểm).
- Chính sách về bảo mật dữ liệu, an toàn thông tin liên quan đến KSC NSNN theo mô hình KBNN điện tử.
- Hạ tầng công nghệ thông tin
Hạ tầng truyền thông và máy móc thiết bị là yếu tố kỹ thuật cần thiết đảm bảo việc thực hiện kiểm soát chi NSNN theo mô hình KBNN điện tử thành công.
KBNN cần xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại đáp ứng các yêu cầu triển khai ứng dụng kiểm soát chi tập trung với quy mô toàn quốc, ứng dụng có sự
liên kết và tích hợp trong hệ thống và với các đơn vị liên quan trong ngành Tài chính, hệ thống Ngân hàng và đơn vị sử dụng NS. Song song với đó là việc tối ưu hóa hạ tầng công nghệ nhằm đáp ứng linh hoạt, hiệu quả yêu cầu phát triển mở rộng theo xu hướng ảo hóa và điện toán đám mây, đồng thời triển khai đồng bộ các phương án về an toàn bảo mật cho hệ thống. Các công việc cần triển khai cụ thể như sau:
- Chuẩn hóa kiến trúc hạ tầng CNTT KBNN, trong đó tập trung vào xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai hạ tầng kỹ thuật bao gồm hạ tầng máy chủ, hạ tầng lưu trữ, hạ tầng mạng theo xu hướng ảo hóa và điện toán đám mây cung cấp nền tảng hạ tầng công nghệ phục vụ các ứng dụng tập trung từ đó cho phép đáp ứng nhanh chóng, linh hoạt, hiệu quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu thay đổi của các ứng dụng nghiệp vụ nói chung, ứng dụng kiểm soát chi nói riêng.
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xây dựng phần mềm ứng dụng nhằm xây dựng các quy chuẩn và công cụ về quản lý ứng dụng CNTT trong đó có ứng dụng kiểm soát chi NSNN.
- Nâng cấp hệ thống mạng cục bộ của KBNN bao gồm cả hệ thống mạng lõi trong Trung tâm dữ liệu theo xu hướng ảo hóa hạ tầng mạng đảm bảo chất lượng hạ tầng mạng phục vụ các ứng dụng tập trung. Nâng cấp thiết bị mạng cục bộ LAN của KBNN cấp tỉnh và KBNN cấp huyện đảm bảo chất lượng hạ tầng mạng cục bộ phục vụ cho các ứng dụng nghiệp vụ của KBNN tại KBNN địa phương.
- Nâng cấp băng thông và thiết bị hạ tầng truyền thông tỉnh-huyện nhằm đảm bảo chất lượng và độ ổn định của đường truyền phục vụ các ứng dụng theo mô hình tập trung trong đó có ứng dụng kiểm soát chi NSNN.
- Nâng cấp hệ thống Intranet KBNN theo hướng tập trung hoá các dịch vụ cốt lõi, nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực xử lý và độ sẵn sàng của hệ thống nhằm nâng cao chất lượng trao đổi thông tin quản lý, điều hành phục vụ cải cách hành chính, thiết lập nền tảng để tích hợp với các hệ thống ứng dụng của KBNN.
- Triển khai dự án An toàn bảo mật theo thiết kế tổng thể, tăng cường rà soát, đánh giá để đề xuất bổ sung các giải pháp kỹ thuật để tăng cường đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống.
- Xây dựng, triển khai giải pháp sao lưu dữ liệu cho KBNN các cấp để đảm bảo an toàn dữ liệu nghiệp vụ KBNN nói chung, đảm bảo an toàn dữ liệu kiểm soát chi NSNN theo mô hình KBNN điện tử nói riêng.
1.1.8.2. Nhân tố chủ quan - Nhân lực
Con người là yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công của các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và ứng dụng kiểm soát chi NSNN theo mô hình KBNN điện tử nói riêng.
Đối với kiểm soát chi NSNN theo mô hình KBNN điện tử, vai trò của cán bộ kỹ thuật công nghệ thông tin, cán bộ nghiệp vụ kiểm soát chi cũng như cán bộ tại đơn vị sử dụng NS là rất quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của việc triển khai kiểm soát chi NSNN theo mô hình KBNN điện tử.
Đối với cán bộ kỹ thuật CNTT, để đáp ứng được yêu cầu triển khai kiểm soát chi NSNN theo mô hình KBNN điện tử, các cán bộ kỹ thuật cần được đào tạo nâng cao kiến thức để nắm vững được các công nghệ chính hiện nay về hệ thống máy chủ, cơ sở dữ liệu, mạng truyền thông, an toàn bảo mật hệ thống và hỗ trợ người sử dụng là cán bộ nghiệp vụ.
Đối với cán bộ nghiệp vụ kiểm soát chi, yêu cầu cơ bản bao gồm các kỹ năng sử dụng máy tính và làm chủ được chương trình kiểm soát chi trên mạng nội bộ hệ thống KBNN đồng thời cán bộ nghiệp vụ cần phải trang bị kiến thức chung về CNTT, khả năng của máy tính và phần mềm ứng dụng. Cán bộ nghiệp vụ cần biết tin học có thể làm đến đâu và không làm được đến đâu để chủ động giải quyết công việc. Tổ chức bộ máy, cán bộ của KBNN là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến công kiểm soát chi NSNN. Trong đó, khâu tuyển dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ là vô cùng quan trọng, có tính quyết định đến việc thực thi và hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Dù ở hoàn cảnh nào, việc bố trí, sử dụng cán bộ công chức cũng phải xuất phát từ mục tiêu lâu dài, phải đảm bảo thực sự dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, tránh lãng phí chất xám nhằm đem lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của công vụ, phục vụ nhiệm vụ chính trị của cơ quan. Bởi vậy, việc tổ chức tốt một bộ máy, bố trí, sử dụng cán bộ khoa học, hợp lý sẽ giúp cho việc kiểm soát chi NSNN được sát sao, giảm thiểu rủi ro góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Đối với cán bộ của đơn vị sử dụng NS, cũng cần có các kiến thức cơ bản về CNTT để có thể kết nối và làm việc trực tuyến với KBNN thông qua chương trình kiểm soát chi NSNN, có hiểu biết về các quy định bảo mật, an toàn thông tin để sử dụng máy tính hiệu quả, an toàn trong quá trình kết nối, làm việc với KBNN.
- Mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan
Trong công tác chi ngân sách nhà nước, có sự tham gia tích cực của cơ quan Kho bạc nhà nước, cơ quan tài chính, đơn vị chủ quản trực tiếp cấp trên giao dự toán chi NSNN và đơn vị sử dụng ngân sách. Kho bạc nhà nước có chức trách nhiệm vụ trong việc kiểm soát các khoản chi và hạch toán chi ngân sách nhà nước. Bởi vậy, cần phải có sự phối hợp tích cực hợp tác giữa các cơ quan. Mối quan hệ hợp tác thể hiện ở các mặt như: Hỗ trợ nhau cùng giải quyết công việc, gần gũi, tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau. Đặc biệt là không có sự ỷ lại, phụ thuộc lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu chung là quản lý hiệu quả chi ngân sách nhà nước.