Về mặt lý luận, liên kết kinh tế nhằm tạo mối quan hệ kinh tế ổn định thông qua các hợp đồng kinh tế hoặc các quy chế hoạt động của từng tổ chức liên kết để tiến hành phân công sản xuất chuyên môn hóa và hiệp tác hóa, nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng của từng đơn vị tham gia liên kết, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập của các bên liên kết. Liên kết kinh tế là nhằm đạt tới lợi nhuận tối đa và ổn định, là nhằm tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường, ngày càng mở rộng phạm vi. Lợi ích kinh tế là sợi dây, là chất nhựa làm gắn bó các doanh nghiệp, các chủ thể liên kết lại với nhau.
Trong những năm qua, nghề nuôi ngao có một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của huyện Tiền Hải nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung. Phát triển nuôi ngao là một chủ trương lớn, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế diện tích vùng bãi triều ven biển, tạo ra bước đột phá mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung và của Tiền Hải nói riêng, góp phần tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện, bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương ven biển, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện
Qua quá trình nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ ngao thương phẩm tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình” chúng tôi có một số kết luận như sau:
(1) Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa. Trong nghiên cứu về liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngao thương phẩm có hai loại liên kết là liên kết dọc và liên kết ngang giữa các tác nhân với nhau. Để làm rõ liên kết giữa các tác nhân đề tài tập trung vào xác định hình thức, nội dung liên kết, trách nhiệm và lợi ích và đánh giá hiệu quả của các bên tham gia.
(2) Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ ngao thương phẩm trên địa bàn huyện Tiền Hải tập trung thể hiện ở hai loại hình liên kết như sau:
Liên kết dọc: + Liên kết giữa hộ nuôi ngao với DN chế biến + Liên kết giữa hộ nuôi ngao với cơ sở thu mua Liên kết ngang: + Liên kết giữa hộ nuôi ngao với hộ nuôi ngao + Liên kết giữa cơ sở thu mua với cơ sở thu mua
Kết quả nghiên cứu cho thấy các bên tham gia liên kết với nhau chủ yếu về những nội dung: Tiêu thụ sản phẩm, thông tin thị trường, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, con giống….
Có tổng số 43 hộ tham gia liên kết trên tổng số 80 hộ nuôi ngao được điều tra, trong đó có hơn 60% trong số đó tham gia liên kết với các cơ sở thu mua và số còn lại tham gia liên kết với công ty TNHH Nghêu Thái Bình. Theo kết quả điều tra cho thấy những hộ có liên kết với các cơ sở thu mua có hiệu quả kinh tế cao hơn những hộ liên kết với DNCB, nhưng mức độ rủi ro và nguy cơ phá vỡ liên kết với các cơ sở thu mua cũng cao hơn.
Tuy nhiên liên kết giữa các tác nhân chủ yếu qua hình thức thỏa thuận miệng, chưa có ràng buộc pháp lý chặt chẽ về trách nhiệm các bên tham gia; trong quá trình liên kết còn phát sinh nhiều bất cập.
(3) Các yếu tố ảnh hưởng đến liên kết trong sản xuất và tiêu thụ ngao thương phẩm: Quy mô sản xuất của các hộ sản xuất kinh doanh; trình độ học vấn và nhận thức của các tác nhân tham gia liên kết và sự tác động của các cấp chính quyền địa phương.
(4) Để hoàn thiện mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngao thương phẩm trên địa bàn huyện Tiền Hải cần áp dụng động bộ các nhóm giải pháp như sau: Giải pháp tăng cường sự tham gia của các tác nhân trong liên kết; Nâng cao năng lực cho các hộ sản xuất, đơn vị thu mua và DNCB; Tạo hành lang pháp lý thuận tiện cho liên kết; một số giải pháp khác….