Tình hình tiêu thụ ngao thương phẩm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ ngao thương phẩm tại huyện tiền hải, tỉnh thái bình (Trang 71 - 72)

Phát huy lợi thế vùng ven biển, đặc biệt là nuôi ngao cho “siêu lợi nhuận” trong những năm qua, nhiều địa phương ven biển của tỉnh Thái Bình đã đầu tư phát triển mở rộng vùng nuôi ngao tăng lên hàng nghìn héc ta. Điển hình như huyện Tiền Hải, mặc dù không phải là địa phương sớm có nghề nuôi ngao, song đến nay, huyện đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng ngao hàng năm.

Giai đoạn 2013 – 2015, khoảng 60 - 65% sản lượng ngao thương phẩm của Tiền Hải được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, khoảng 30% xuất khẩu sang EU và 10% tiêu thụ nội địa. Ngao thương phẩm xuất sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch, nhưng từ giữa năm 2012, Trung Quốc ngừng nhập khẩu ngao khiến giá thu mua giảm thê thảm, chỉ bằng một nửa so với trước. Thời kỳ cao điểm, giá ngao từ 23.000 - 25.000 đồng/kg, cuối năm 2012 giảm còn 10.000 - 11.000 đồng/kg mà còn khó bán. Ngao không bán được trong khi người nuôi vẫn phải chịu chi phí trông coi, lãi suất ngân hàng… Hiện trên địa bàn huyện Tiền Hải cũng có Công ty cổ phần xuất khẩu ngao Thái Bình chuyên chế biến ngao xuất khẩu sang thị trường EU và một phần chuyển ngao nguyên liệu vào miền Nam chế biến. Tuy nhiên, khó khăn nhất của doanh nghiệp này là thiếu vốn mua nguyên liệu chế biến, vì vậy đứng chân ngay trên vựa ngao của Tiền Hải mà lại không có ngao để sản xuất, trong khi địa phương đang thừa hàng nghìn tấn ngao không tìm được nơi tiêu thụ. Không những thế, khó chồng lên khó, năm 2012 nhiều vùng nuôi ngao ở Tiền Hải xuất hiện dịch bệnh khiến ngao chết hàng loạt; bão số 8 cũng làm nhiều chủ đầm ngao trắng tay. Từ đầu năm 2013, ngao nhúc nhích tăng giá lên khoảng 12.000 - 14.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc mỗi ngày chỉ nhập khoảng vài chục tấn, trong khi sản lượng ngao cần bán tại Tiền Hải tại thời điểm này lượng cũng lên tới vài nghìn tấn.

Để tháo gỡ khó khăn cho các hộ nuôi ngao, UBND tỉnh Thái Bình, các cơ quan chức năng như Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm ngao ra thị trường trong nước và cả nước ngoài, đồng thời mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư nhà máy chế biến ngao để tăng giá trị khi xuất bán; huyện Tiền Hải đã thực hiện một số biện pháp như hỗ trợ lãi suất vốn vay trong 4 tháng cuối năm;

mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên về lâu dài, tỉnh và huyện cần có một chiến lược đầu tư gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tổ chức kết nối các doanh nghiệp với người nông dân trong vấn đề bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, các ngành chức năng, doanh nghiệp và người nuôi ngao cần tăng cường liên kết, phối hợp hiệu quả, từng bước xây dựng thương hiệu "ngao Tiền Hải"; xuất khẩu theo đường chính ngạch; tăng cường tiêu thụ nội địa ở các thành phố lớn, tránh bị phụ thuộc quá vào một thị trường để hạn chế tình trạng ngao bị ép giá và khó tiêu thụ như hiện nay.

Nhìn vào thực tế sản xuất ngao tại Thái Bình, có thể thấy cung đã vượt cầu cho nên đầu ra đã khó nay càng khó hơn và câu chuyện bị tư thương ép giá là điều không tránh khỏi. Qua tìm hiểu, ngao thương phẩm bán tại bãi dao động từ 11.000 đồng đến 13.000 đồng/kg, trong khi thời điểm năm ngoái là 18.000 đồng/kg. Nhiều hộ nuôi ngao phàn nàn rằng muốn mở rộng sản xuất nhưng ngân hàng cho vay rất hạn chế bởi nghề nuôi chủ yếu dựa vào thời tiết, vật nuôi dễ bị chết do nhiễm bệnh tảo đỏ và độ mặn trong đầm quá cao. Chính vì những rủi ro này mà các tổ chức tín dụng không mặn mà với những khách hàng nuôi ngao thịt, ngao giống tại các địa phương ven biển.

Trước những khó khăn đặt ra cho người nuôi ngao, các chuyên gia cho rằng tỉnh Thái Bình cần có chiến lược đầu tư gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, tổ chức kết nối doanh nghiệp với người dân trong bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh cần có khảo sát, quy hoạch cụ thể việc mở rộng, phát triển diện tích đầm, bãi nuôi thả trên cơ sở đánh giá nhu cầu thực tế của thị trường trong và ngoài nước.

Mặt khác, để nâng cao giá trị con ngao, đã đến lúc Thái Bình cần chú trọng phát triển và xây dựng thương hiệu cho con ngao, từ đó tìm kiếm đầu ra ổn định cho người dân yên tâm sản xuất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ ngao thương phẩm tại huyện tiền hải, tỉnh thái bình (Trang 71 - 72)