Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng, Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn (thay thế Quyết định 80/2002/QĐ-TTg) đã tạo điều kiện cho liên kết trong nông nghiệp phát triển. Doanh nghiệp và nhà nông thực hiện sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng được ưu đãi hỗ trợ về đất đai, về đầu tư cơ sở hạ tầng, về tín dụng, về chuyển giao kỹ thuật công nghệ, về thị trường và xúc tiến thương mại.
Trong thời gian thực hiện Quyết định 80/2002/QĐ-TTg, sau này là Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg có nhiều hợp đồng đạt kết quả tốt, doanh nghiệp thu mua được sản phẩm có chất lượng tốt, nguồn cung cấp ổn định nhất; người sản xuất đã tiêu thụ được nông sản với giá cả hợp lý, yên tâm sản xuất và thu nhập từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, tỷ lệ nông sản hàng hóa được ký kết hợp
đồng tiêu thụ chưa phải là cao và cũng không ít hợp đồng bị phá vỡ. Thực trạng trên là do việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhiều nơi còn mang tính hình thức, không thực sự có giá trị pháp lý, mang nhiều sắc thái của giải quyết chính sách xã hội. Đặc biệt doanh nghiệp phải làm việc với một quy mô chủ thể (hộ nông dân) quá rộng mà quy mô sản phẩm thì lại manh mún quá nhỏ gây khó khăn cho công tác quản lý hợp đồng. Tác giả đề xuất tiêu thụ nông sản theo hợp đồng thông qua mô hình HTX hoặc kinh tế trang trại. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng không phải là mô hình phù hợp cho tất cả các loại sản phẩm mà tập trung vào một số sản phẩm ít tiêu dùng phổ thông trên thị trường, sản phẩm đòi hỏi đạt được những tiêu chuẩn và quy cách nhất định (Nguyễn Thị Lan Anh, 2014).
Tác giả Hiệp Đức (2009) đề cập đến cơ hội liên kết “ba nhà” cho phát triển nông nghiệp. Ông cho rằng liên kết giữa nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản đều có lợi cho cả ba. Nhà nông cần nhà khoa học để áp dụng khoa học kĩ thuật mới cho năng suất cao, chất lượng lượng tốt và an toàn, từ đó sản phẩm của họ sẽ tiêu thụ dễ dàng hơn với hiệu quả sản xuất cao hơn. Doanh nghiệp muốn liên kết với nông dân để có nguồn cung cấp nguyên liệu sạch và ổn định. Nhà khoa học cần những doanh nghiệp đầu tư để có nguồn kinh phí cho những thí nghiệm của mình. Mối liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp không thể không có sự tham gia của nhà khoa học, họ được coi là cầu nối.
Nguyễn Xuân Dũng (2009) cho rằng liên kết bốn nhà cần phải chặt chẽ. So với yêu cầu phát triển nền sản xuất nông nghiệp bền vững, thì mức độ phát triển của khu vực nông nghiệp chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, dù đã là hội viên của WTO, nước ta vẫn chưa có sự liên kết, đầu tư bài bản cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản giữa nông dân, doanh nghiệp, ngân hàng và các nhà khoa học. Các ngành trong nội bộ khu vực kinh tế nông thôn chưa gắn kết, hỗ trợ nhau phát triển. Có thể thấy rằng, một số chính sách kuyến khích phát triển nông nghiệp, nông sản hàng hóa của Nhà nước chưa đồng bộ, công tác quy hoạch các vùng trọng điểm, vùng động lực và vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa chưa dựa trên nhu cầu thị trường, một số hợp đồng kinh tế giữa nông dân và doanh nghiệp đã được triển khai nhưng thiếu sự hỗ trợ của các nhà khoa học cũng như của các cơ quan quản lý nhà nước... Nhiều hợp đồng kinh tế tiêu thụ sản phẩm đã được ký kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn thiếu chuẩn mực và chưa bình đẳng.
Vũ Trọng Khải (2009)đề cập đến sự bế tắc trong thực hiện liên kết bốn nhà. Một là, khó khăn trong việc ký hợp đồng với hộ nông dân nhỏ lẻ. Với quy mô nhỏ, các nhà nông này có thể dễ dàng tiêu thụ nông sản được sản xuất theo kỹ thuật truyền thống ngay tại chợ quê. Họ không cần liên kết với doanh nghiệp chế biến - tiêu thụ nông sản, họ không có khả năng và không cần áp dụng quy trình và tiêu chuẩn toàn cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm (Global GAP). Còn doanh nghiệp lại không thể ký hợp đồng tiêu thụ nông sản với hàng ngàn hộ nông dân nhỏ lẻ.
Hai là, việc bội tín khi thực hiện hợp đồng. Quyết định 80/2002/QĐ-TTg qui định giá sàn trong quan hệ mua bán giữa nhà nông và doanh nghiệp. Khi giá cả xuống dưới giá sàn thì nông dân bán nông sản cho doanh nghiệp nhưng khi giá nông sản tăng cao nông dân vì lợi ích trước mắt lại bán cho bất kì ai theo giá thị trường. Bản thân doanh nghiệp lại không thể mua theo giá này, hay nói cách khác buộc phải vi phạm cam kết với nông dân, vì các hợp đồng đầu ra của doanh nghiệp đã được ký kết từ trước, nếu tăng giá đầu vào doanh nghiệp sẽ bị lỗ. Như vậy liên kết là một chủ trương đúng của Nhà nước. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại trong quá trình thực hiện do đặc tính của sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, do xung đột về lợi ích giữa các tác nhân, do tác động của thị trường, do tính pháp lý của hợp đồng… cần phải giải quyết để liên kết thực sự hiệu quả, đem lại lợi ích thực sự cho người sản xuất, doanh nghiệp, nhà khoa học và cho toàn xã hội.
PHẦN 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU