Các nhân tố ảnh hưởng đến liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ ngao thương phẩm tại huyện tiền hải, tỉnh thái bình (Trang 36 - 39)

Liên kết trong tiêu thụ sản phẩm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đảm bảo lợi ích của các bên tham gia liên kết đặc biệt là lợi ích của người nông dân. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến liên kết tiêu thụ sản phẩm cả trực tiếp và gián tiếp.

2.1.6.1. Nhận thức của các hộ nông dân sản xuất

Đối với người sản xuất do thiếu trình độ hiểu biết về liên kết, về hợp đồng, trách nhiệm trong liên kết, họ chỉ nhìn những cái lợi ích trước mắt mà không tính đến lợi ích lâu dài. Họ sợ ràng buộc về pháp lý khi ký kết hợp đồng.

Mặt khác, có những hộ sản xuất mặc dù đã ký hợp đồng tiêu thụ với công ty nhưng khi mà nơi nào mua với giá cao hơn họ vẫn bán dẫn tới tình trạng phá vỡ hợp đồng, làm cho các công ty không chủ động được nguyên liệu.

Còn xảy ra hiện tượng công ty tạo điều kiện cho người dân sản xuất bằng cách ứng vốn, mua nguyên liệu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thu mua với giá đảm bảo ổn định, vậy mà vẫn có những trường hợp nông dân không thực hiện đúng cam kết với công ty mà sẵn sàng bán cho đối tượng khác nếu họ trả giá cao hơn.

Ngoài ra sản xuất của hộ vẫn mang tính tự phát, không tập trung, quy mô sản xuất của hộ rất nhỏ, diện tích manh mún, không mang tính tập trung, sản xuất hàng hóa. Hơn nữa tình trạng thay đổi phương thức sản xuất của hộ rất ít, hầu như họ không dám mạnh dạn đầu tư, tư duy trong sản xuất của mình, sợ ảnh hưởng quyền lợi mà họ đang có, sợ rủi ro trách nhiệm khi tham gia liên kết.

Như vậy, nhận thức của hộ nông dân về liên kết sản xuất là rất kém, các lý do trên làm cho việc liên kết còn hạn chế và để liên kết trong sản xuất của hộ được hiệu quả hơn thì cần giải quyết tốt các lý do ảnh hưởng trên.

2.1.6.2. Quy mô sản xuất của các hộ nông dân

Quy mô của các hộ được chia thành quy mô lớn, trung bình và nhỏ dựa theo diện tích mà các hộ nuôi ngao đang tiến hành nuôi thả. Thường thì những hộ có quy mô lớn họ muốn có sự đảm bảo về tiêu thụ nhiều hơn vì số lượng ngao thương phẩm họ tạo ra khá lớn nên họ muốn có sự ràng buộc chặt chẽ hơn, do vậy xu hướng của họ sẽ hướng theo mối liên kết được cho là chặt chẽ nhất. Những hộ sản xuất có quy mô trung bình cũng theo quan điểm này, tuy nhiên một bộ phận có thể theo những mối liên kết khác họ thấy rằng thuận lợi hơn với họ, ho không quá coi trọng sự ràng buộc, với họ giá cả cao vẫn là yếu tố thu hút nhất. Còn những hộ quy mô nhỏ do số lượng ngao thương phẩm họ tạo ra không nhiều nên họ có thể tham gia liên kết hoặc không, họ chỉ quan tâm tới giá cả.

2.1.6.3. Trình độ học vấn và kinh nghiệm của các hộ sản xuất

Trình độ học vấn và kinh nghiệm của các hộ nuôi ngao thương phẩm thường không tương xứng. Những hộ có kinh nghiệm lâu năm thì trình độ học vấn không cao thường thì hết cấp I, những hộ có trình độ học vấn cao hết cấp III thì mới nuôi thả, ít kinh nghiêm. Và hầu hết các hộ nuôi ngao thương phẩm chỉ mới học hết bậc phổ thông, chưa ai qua đào tạo nghề, do vậy, mà hiểu biết của họ về liên kết chưa được sâu và rõ ràng. Điều này khiến cho trình độ học vấn của các hộ ảnh hưởng không nhiều tới mối liên kết. Ngược lại, số năm kinh nghiệm lại ảnh hưởng khá rõ tới mối liên kết, những hộ có kinh nghiệm lâu năm quy mô thường lớn, thường muốn mối liên kết chặt chẽ hơn.

2.1.6.4. Nhận thức của tác nhân thu mua và doanh nghiệp chế biến

Không chỉ các hộ nông dân ảnh hưởng đến liên kết mà các cơ sở thu mua và doanh nghiệp cũng là một trong những nhân tố đó. Một mình người nông dân thì không thể tạo ra sự liên kết, các cơ sở chế biến thu mua sản phẩm ổn định cho người nông dân. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng các cơ sở chế biến ngừng mua hoặc giảm giá lại không thông báo cho nông dân. Cơ sở chế biến trong khi thu mua đôi khi còn gây “ khó dễ” với nông dân…nhất là vào thời điểm chính vụ.

Chế tài mà công ty đưa ra xử phạt các hộ phá vỡ hợp đồng có hiệu lực chưa cao, mới chỉ dừng lại ở phạt tiền nên tình trạng phá vỡ hợp đồng vẫn xảy ra nhất là khi giá hợp đồng thấp hơn giá thị trường.

Sự chủ động phối hợp liên kết phục vụ sản xuất, quy hoạch vùng nguyên liệu của các cơ sở chế biến với các cấp chính quyền địa phương, với hộ nông dân chưa cao.

2.1.6.5. Sự tác động của chính quyền địa phương

Cả hai tác nhân ảnh hưởng trên chỉ quan tâm đến lợi ích và lĩnh vực mà họ tham gia liên kết mà ít quan tâm đến cả quá trình liên kết. Vì vậy ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và hiệu quả của quá trình liên kết. Các chính sách của chính quyền địa phương góp phần thúc đẩy quá trình liên kết diễn ra nhanh hơn, tạo hành lang pháp lý cho quá trình ký kết hợp đồng…

Tuy nhiên, trong thực tế tác nhân chính quyền địa phương ít ảnh hưởng tới liên kết, trong các vấn đề sản xuất, thu mua, các tình trạng tranh chấp xảy ra chính quyền chưa thực sự có vai trò quan trọng để giải quyết.

Vai trò chức năng về trung gian, cầu nối của chính quyền các cấp còn hạn chế do chính sách và do bản thân chính quyền (nhất là chính quyền cấp cơ sở) đã không phát huy và làm tròn trách nhiệm là trọng tài trong việc giải quyết các vấn đề ảnh hưởng tới liên kết. Chính quyền địa phương cơ sở gần như thả nổi tự do các cơ sở chế biến và hộ sản xuất thỏa thuận với nhau trong hợp đồng liên kết.

Chưa xác định rõ ràng về ràng buộc, trách nhiệm, lợi ích giữa các bên tham gia liên kết nên dẫn đến phá vỡ quá trình này, nhất là khi cơ sở chế biến vi phạm hợp đồng. Sự tham gia của các nhà khoa học, nhà kỹ thuật còn hạn chế, ảnh hưởng đến sự gắn liền với hộ sản xuất.

Chính sách chưa thực sự đi sát với người nuôi ngao thương phẩm, còn ở dạng chung chung khiến cho hộ nông dân gặp khó khăn trong khi vận dụng vào liên kết.

Đó là những yếu tố ảnh hưởng cơ bản đến liên kết, chính các yếu tố này đã ảnh hưởng đến quá trình liên kết bền vững trong sản xuất ngao thương phẩm và muốn có một quá trình liên kết bền vững thì cần giải quyết tốt những yếu tố ảnh hưởng trên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ ngao thương phẩm tại huyện tiền hải, tỉnh thái bình (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)