Nội dung nghiên cứu về phát triển chăn nuôi lợn thịt an toàn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển chăn nuôi lợn thịt an toàn trên địa bàn huyện cẩm giàng, tỉnh hải dương (Trang 28 - 32)

Từ các quan điểm về phát triển, phát triển kinh tế, đặc điểm kinh tế kỹ thuật chúng ta hiểu phát triển chăn nuôi là một quá trình lớn lên (tăng tiến) về mọi mặt của quá trình sản xuất trong một thời kỳ nhất định. Là quá trình tăng cường các nguồn lực, các yếu tố sản xuất của các loại hình thức tổ chức sản xuất (hộ, trang trại, doanh nghiệp,…) trong chăn nuôi lợn thịt an toàn về cả số lượng và chất lượng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế đồng thời là quá trình giải quyết hài hòa các mối quan hệ kinh tế trong quá trình sản xuất kinh doanh, phát triển chăn nuôi lợn thịt an toàn. Trong nền kinh tế với nhiều biến đổi và thách thức như hiện nay đề tài nghiên cứu phát triển chăn nuôi lợn thịt an toàn với các nội dung như sau:

2.1.5.1. Phát triển về quy mô đàn lợn thịt an toàn

Mối quan hệ giữa quy mô sản xuất và hiệu quả sản xuất được các nhà kinh tế quan tâm nghiên cứu từ lâu. Nhiều khái niệm xung quanh vấn đề này đã được đưa ra, trong đó đáng lưu ý là lợi thế kinh tế nhờ quy mô và hiệu suất thay đổi theo quy mô. Các khái niệm này xuất phát từ Adam Smith với ý tưởng mong muốn thu lợi nhuận sản xuất lớn hơn từ việc phân công lao động (Samuelson and Nordhalls,2007).

Sự phát triển về quy mô chăn nuôi lợn thịt an toàn bao gồm sự phát triển về không gian địa lý và sự phát triển theo thời gian. Sự phát triển về không gian địa lý là nghiên cứu sự phát triển của hăn nuôi lợn thịt an toàn cũng như các loại hình tổ chức, các phương thức chăn nuôi, đầu tư cho chăn nuôi lợn thịt an toàn qua các năm. Sự phát triển về quy mô đàn lợn thịt an toàn theo thời gian là sự phát triển về số lượng, sản lượng và cơ cấu giữa các loại hình sản xuất, phương thức chăn nuôi và theo nhóm quy mô (QML, QMV, QMN). Từ đó góp phần làm rõ xu hướng phát triển của các loại hình, phương thức, mức đầu tư, liên kết trong chăn nuôi lợn thịt an toàn sẽ giúp thấy được sự phát triển của chăn nuôi lợn thịt an toàn có gắn với sự phát triển chung của kinh tế - xã hội địa phương.

2.1.5.2. Phát triển các hình thức tổ chức và phương thức chăn nuôi lợn thịt an toàn

-Phát triển hình thức tổ chức: Hình thức tổ chức sản xuất là những chủ thể sản xuất hàng hóa tự chủ, tự quyết định và chịu trách nhiệm về kết quả và hiệu quả trong kinh doanh cũng như sự tồn tại của mình trong cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước(Nguyễn Thế Trường, 2003). Sự phát triển chăn nuôi lợn

thịt an toàn theo loại hình tổ chức sản xuất hướng tới sự phát triển theo thời gian của các hộ, các trang trại, doanh nghiệp trong chăn nuôi lợn thịt an toàn, đánh giá xem các loại hình tổ chức nào, loại hình nào sản xuất có hiệu quả và sự phát triển của các loại hình tổ chức chăn nuôi đã tương xứng với tiềm năng, từ đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của các loại hình tổ chức chăn nuôi hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các hình thức tổ chức sản xuất có thể chuyển từ mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ thành các trang trại có quy mô lớn hơn, sản lượng hàng hóa cao hơn.

- Phát triển phương thức chăn nuôi: Phương thức chăn nuôi lợn thịt an toàn có ưu điểm ít sử dụng thuốc thú y và dùng các loại thức ăn là lương thực lên men nên trọng lượng trung bình của con lợn xuất chuồng cao hơn con lợn chăn nuôi theo phương thức truyền thống và cũng do chăn nuôi theo hướng an toàn nên các hộ, trang trại ít phải tốn kém tiền mua thức ăn công nghiệp hơn mà thay vào đó là tự ủ men vi sinh. Bên cạnh đó chăn nuôi theo phương pháp an toàn thường ít có lợn ốm, mắc bệnh hơn nên giảm chi phí thú y phòng chữa bệnh.

2.1.5.3. Phát triển các nguồn lực cho chăn nuôi lợn thịt an toàn

- Phát triển về vốn: là yếu tố vật chất quan trọng tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Vốn sản xuất đứng trên góc độ vĩ mô có liên quan trực tiếp đến tăng trưởng được xem xét dưới dạng vốn vật chất chứ không phải dưới dạng tiền tệ (Vũ Thị Ngọc Phùng, 2006).

Vốn có vai trò quyết định trong quá trình phát triển chăn nuôi lợn thịt an toàn. Nó là điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của các hình thức tổ chức sản xuất trong chăn nuôi lợn thịt an toàn. Là yếu tố quyết định đến mức đầu tư, quy mô trong chăn nuôi lợn thịt an toàn. Trong chăn nuôi lợn thịt an toàn, nghiên cứu vấn đề vốn bao gồm: năng lực vốn, nguồn hình thành, hiệu quả của vốn đầu tư trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, nghiên cứu vốn trong chăn nuôi lợn thịt an toàn cũng đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn cho phát triển chăn nuôi lợn thịt an toàn.

- Cơ sở hạ tầng: Phát triển chăn nuôi lợn thịt an toàn đòi hỏi các hộ gia đình, trang trại phải có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng thiết yếu để phục vụ sản xuất

- Đất đai: Đất đai là yếu tố tích cực của quá trình sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi lợn thịt an toàn nói riêng, là điều kiện vật chất - cơ sở không gian, đồng thời là đối tượng lao động trong chăn nuôi cũng như trong chăn nuôi

lợn thịt an toàn. Thực tế cho thấy trong quá trình phát triển chăn nuôi lợn thịt an toàn thì sự hình thành và phát triển của ngành và các thành tựu khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi đều được xây dựng trên nền tảng cơ bản sử dụng đất. Như vậy, đất đai không những là đầu vào quan trọng đối với phát triển chăn nuôi lợn thịt an toàn mà còn đối với nhiều hoạt động kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp (Nguyễn Văn Song, 2009).

- Lao động: Lao động là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng trong các hoạt động kinh tế nói chung và của quá trình phát triển chăn nuôi lợn thịt an toàn nói riêng (Nguyễn Mậu Dũng, 2011). Do đó, việc phát triển chăn nuôi lợn thịt an toàn với quy mô lớn, đòi hỏi người lao động phải có tích lũy được kinh nghiệm và trình độ khoa học kỹ thuật.

2.1.5.4. Phát triển kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt an toàn

Trong chăn nuôi lợn thịt an toàn, yếu tố khoa học kỹ thuật và công nghệ thể hiện là: Quá trình nhân giống, lai tạo giống, thử nghiệm giống tốt có chất lượng cao và phù hợp với điều kiện chăn nuôi của từng địa phương; Kỹ thuật xây dựng chuồng trại cho đàn lợn; Công nghệ và quy trình chế biến thức ăn cho lợn. Ngày nay, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã trở thành một yếu tố của lực lượng sản xuất. Vì vậy, đầu tư khoa học kỹ thuật chính là phương hướng đầu tư sớm mang lại hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi lợn thịt an toàn, góp phần phát triển chăn nuôi lợn thịt theo chiều sâu.

Đánh giá việc tiếp cận của các hình thức chăn nuôi lợn thịt an toàn với các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, khoa học kỹ thuật mới vào trong chăn nuôi lợn thịt an toàn sẽ giúp ta đánh giá được các hộ chăn nuôi lợn thịt an toàn tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như thế nào. Cùng với đó là đánh giá, tìm ra những bất cập, khó khăn khi tiếp cận với các tiến bộ đó để đưa ra định hướng hiệu quả hơn cho phát triển chăn nuôi lợn thịt an toàn trong tương lai.

2.1.5.5. Phát triển liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn thịt an toàn

Liên kết trong sản xuất: Xu hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua các tổ chức của nông dân càng phổ biến ở trong và ngoài nước. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp đã đạt được nhiều lợi ích hơn các hộ không tham gia (Nguyễn Thị Dương Nga và cs., 2011).

Thông thường các đơn vị sản xuất có quy mô lớn có xu hướng liên kết chặt chẽ với các tác nhân trong ngành hàng/chuỗi giá trị nhằm đảm bảo ổn định đầu vào/đầu ra trong sản xuất. Các hình thức liên kết này khá đa dạng, từ các thỏa thuận miệng, tới các hợp đồng chính thức hoặc thậm chí sáp nhập thành các đơn vị lớn hơn. Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có thể theo chiều ngang, chiều dọc. Xu hướng hiện nay trong sản xuất nông nghiệp là tăng cường liên kết nhằm tăng tính ổn định, sản lượng, chất lượng cho sản phẩm hàng hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Về hoàn thiện cơ cấu tổ chức sản xuất thì tùy với điều kiện cụ thể của địa phương và loại sản phẩm mà hình thức tổ chức sản xuất phù hợp đặc thù, và xét trong thời gian ngắn hạn hoặc dài hạn (Đỗ Kim Chung và cs., 2009).

Phát triển liên kết trong chăn nuôi lợn thịt an toàn cần khuyến khích tổ chức thành từng nhóm, tổ hợp tác, HTX,… để tạo điều kiện về vay vốn ưu đãi đảm bảo cho nhu cầu đầu tư, ký hợp đồng cung ứng đầu vào với số lượng lớn, giá thấp và tiến hành liên kết bao tiêu, chế biến sản phẩm.

Phát triển liên kết trong tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn: Tạo thương hiệu sản phẩm chăn nuôi lợn thịt an toàn uy tín, từng bước bảo hộ sản phẩm thịt lợn an toàn của địa phương, liên kết sản xuất để xây dựng thương hiệu cung ứng ra ngoài thị trường không những trong tỉnh mà còn ngoài tỉnh.

2.1.5.6. Kết quả và hiệu quả chăn nuôi lợn thịt an toàn

Chăn nuôi lợn thịt an toàn là một nghề mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho một bộ phận lớn người dân trong huyện Cẩm Giàng, góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương. Vấn đề nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi lợn thịt an toàn luôn được người dân và các chủ trang trại cũng như các cấp, các ngành, chính quyền địa phương hết sức quan tâm.

Hiệu quả kinh tế: Do hình thức chăn nuôi lợn thịt an toàn có ưu điểm ít sử dụng thuốc thú y và dùng các loại thức ăn là lương thực lên men nên trọng lượng trung bình của con lợn xuất chuồng cao hơn con lợn chăn nuôi theo phương thức truyền thống. Trong khi đó, giá thành cơ sản sản xuất lợn thịt an toàn lại thấp hơn so với hình thức truyền thống khoảng 2.000đ/kg. Do chăn nuôi theo hình thức an toàn thì hộ chăn nuôi, trang trại ít phải tốn kém tiền mua thức ăn công nghiệp hơn mà thay vào đó là tự ủ men vi sinh. Bên cạnh đó chăn nuôi theo phương pháp an toàn con lợn ít ốm, mắc bệnh hơn nên giảm được chi phí thú y phòng chữa bệnh và với tỉ lệ nuôi sống là 96,56%.

Về mặt xã hội: Chăn nuôi lợn theo hướng an toàn đảm bảo đời sống cho người dân tại địa phương được bền vững hơn, với việc đảm bảo về vấn đề nhu cầu về việc làm cũng như thu nhập cho người dân. Trong quá trình chăn nuôi, các hộ gia đình, trang trại lập thành các nhóm chăn nuôi lợn thịt an toàn, sự liên kết hỗ trợ lẫn nhau cả về vốn, con giống, chia sẻ kinh nghiệm…cũng góp phần cho chăn nuôi được hiệu quả hơn. Đàn lợn được chia làm nhiều lứa quanh năm, đảm bảo người dân giảm thiểu được thời gian nông nhàn trong năm.

Bên cạnh đó, với nhiều nguy cơ về chất lượng thực phẩm như hiện nay thì việc tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi an toàn sẽ đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Huyện Cẩm Giàng với quy mô chăn nuôi lợn thịt an toàn đang phát triển trên toàn huyện góp phần đảm bảo cung ứng sản phẩm thịt an toàn cho người dân tại địa phương. Đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng khi mua sản phẩm đó. Chăn nuôi lợn thịt an toàn luôn đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng sản phẩm một cách chặt chẽ nhất, chính vì vậy mà cũng sẽ đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng một cách tốt nhất.

Môi trường: Chăn nuôi lợn thịt an toàn phải đòi hỏi tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống, thức ăn, nguồn nước, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, xử lý chất thải, phòng dịch bệnh trong chăn nuôi, từ đó góp phần nâng cao được chất lượng môi trường sống. Chăn nuôi lợn thịt an toàn sẽ giảm thiểu tối đa phát sinh và bùng nổ dịch bệnh cho đàn lợn. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì nó sẽ giảm thiểu được các dịch bệnh của lợn có thể lây sang người.

An toàn trong chăn nuôi là những biện pháp tổng hợp nhằm bảo vệ vật nuôi và người chăn nuôi không bị tấn công của dịch bệnh, tạo cho đàn vật nuôi có sức đề kháng tốt nhất. Chế độ cách ly, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, quy trình vệ sinh thú y, quy trình phòng trị bệnh, xử lý chất thải trong chăn nuôi, quản lý việc sinh sản đàn gia súc, vận chuyển và giết mổ. Các biện pháp phải được thực hiện đồng bộ. Thực hiện tốt các biện pháp an toàn sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho người chăn nuôi, vật nuôi sẽ đạt được năng suất cao, chi phí sản xuất thấp, giảm thiểu những rủi ro, dịch bệnh, hạn chế việc lây lan dịch bệnh từ vùng này sang vùng khác, từ hộ này sang hộ khác, từ trang trại này sang trang trại khác và cuối cùng tạo ra được những sản phẩm chăn nuôi an toàn cho người sử dụng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển chăn nuôi lợn thịt an toàn trên địa bàn huyện cẩm giàng, tỉnh hải dương (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)