Có rất nhiều yếu tốt ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi lợn thịt an toàn. Trong phạm vi có hạn, luận văn tâp trung nghiên cứu một số yếu tố chủ yếu sau đây:
2.1.6.1. Về cơ chế chính sách
Để phát triển chăn nuôi lợn thịt an toàn hiệu quả thì chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là một trong những yếu tố quan trọng. Chính sách được ban hành từ các Bộ, ngành Trung ương đến địa phương nhằm định hướng, hỗ trợ cho người sản xuất, doanh nghiệp và cũng là những quy định cụ thể, bắt buộc phải tuân thủ trong quá trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Do đó, việc ban hành chính sách một cách đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, chính xác sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển chăn nuôi.
Các chính sách về phát triển chăn nuôi lợn và hoạt động của các cơ quan quản lý nhằm chống nhập lậu thịt lợn từ bên ngoài, cùng với công tác phòng chống dịch bệnh của địa phương… cũng ảnh hưởng quan trọng đến phát triển chăn nuôi lợn thịt. (Nguyễn Ngọc Xuân và Nguyễn Hữu Ngoan, 2014)
Chính sách đất đai phù hợp, ổn định sẽ giúp người nông dân yên tâm đầu tư thâm canh và mở rộng sản xuất. Chính sách hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp cũng góp phần quan trọng. Khi người sản xuất gặp khó khăn, bất ổn trong việc tiếp cận về kỹ thuật, bổ sung nguồn lực về vốn để ổn định sản xuất thì việc đưa ra và thực hiện ác chính sách là hết sức cần thiết. Do đó, việc ban hành cũng như thực hiện tốt các chủ trương chính sách đóng vai trò quan trọng, giúp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh cho các cá nhân và tổ chức kinh tế, tạo nền tảng để phát triển chăn nuôi lợn thịt an toàn.
2.1.6.2. Công tác quy hoạch
Quy hoạch phát triển sản xuất thể hiện chủ trương của địa phương đối với sản xuất. Nguyên tắc để lập và hoàn chỉnh quy hoạch là phát triển sản xuất tập trung theo hướng thâm canh và công nghiệp hóa từ sản xuất đến thu mua và chế biến ở các địa bàn có điều kiện thuận lợi để phát huy tiềm năng lao động, đất đai, khí hậu và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chung và quy hoạch phát triển nông nghiệp của vùng. Quy hoạch phát triển sản xuất là giới hạn cho phép sản xuất còn có thể sử dụng có hiệu quả các nguồn lực sẵn có tại địa phương.
Theo Từ Thái Giang (2012), mức độ ổn định của quy hoạch phát triển tác động đến mức độ ổn định của các vùng sản xuất và mức độ đầu tư của các hộ gia đình và các doanh nghiệp trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Mục đích của quy hoạch là sắp xếp và bố trí lại cho phù hợp với điều kiện sản xuất và tổ chức
sản xuất hợp lý. Quy hoạch phát triển sản xuất dâu tằm bao gồm quy hoạch tổng thể vùng sản xuất và quy hoạch chi tiết hệ thống thu mua, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nội dung quy hoạch cần cụ thể, xác định rõ các vùng đủ điều kiện cho sản xuất, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với quy định hiện hành và trình độ sản xuất, đảm bảo gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ.
2.1.6.3.Năng lực trình độ của cán bộ
Bùi Thị Phương Thảo (2015) nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đã phân tích hệ thống cán bộ được tổ chức từ tỉnh đến xã. Cấp tỉnh có Sở Nông nghiệp và PTNT gồm các chi cục quản lý chuyên ngành và đơn vị sự nghiệp. Cấp huyện có Phòng Nông nghiệp và PTNT chịu sự chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ của Sở, các cơ quan ngành dọc thực thuộc các chi cục quản lý chuyên ngành bao gồm: Trạm Bảo vệ thực vật huyện thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật, Trạm thú y huyện thuộc Chi cục thú y và Hạt kiểm lâm huyện thuộc Chi cục Kiểm lâm, Trạm Khuyến nông- Khuyến lâm trực thuộc UBND huyện và chịu sự quản lý về chuyên môn nghiệp vụ của trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh. Ở cấp xã có cán bộ khuyến nông, nhân viên bảo vệ thực vật, thú y đảm nhận cả nhiệm vụ chuyên ngành.
Đội ngũ cán bộ giữ vai trò đặc biệt trong lĩnh vực hoạt động của bất cứ một tổ chức, một ngành nào và quyết định hiệu quả hoạt động của tổ chức ngành đó. Cán bộ nông nghiệp có nhiệm vụ chủ yếu là: Phổ biến chế độ, chính sách và chuyên môn nghiệp vụ về nông nghiệp. Giúp UBND các cấp hướng dẫn hoạt động đối với hệ thống cung cấp dịch vụ công về nông nghiệp. Hướng dẫn kế hoạch phát triển nông nghiệp hàng năm, hướng dẫn nông dân về quy trình sản xuất, thực hiện các biên pháp kỹ thuật và chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp theo kế hoạch được duyệt. Thực hiện công tác khuyến nông theo quy định. Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình sản xuất, dịch bệnh và công tác phòng chống trên địa bàn. Hà Vũ Sơn và Dương Ngọc Thành (2014) nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới chủ yếu thông qua cán bộ khuyến nông và người quen. Vì vậy, năng lực trình độ của cán bộ có ảnh hưởng rất lớn đến nông nghiệp nói chung và phát triển chăn nuôi lợn thịt an toàn nói riêng.
2.1.6.4. Trình độ nhận thức, hiểu biết của người chăn nuôi lợn thịt an toàn
Lao động là một nhân tố dặc biệt đối với tăng trưởng kinh tế. Lao động vừa là nhân tố tác động đến tổng cung, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng đến
tổng cầu. Ngoài ra, lao động còn có vai trò trong việc sử dụng các yếu tố đầu vào khác của mọi quá trình kinh tế. Khi nói đến lao động người ta thường quan tâm đến khía cạnh phi vật chất của nó, tức là nói đến lao động có kỹ năng, trình độ cao. Vì vậy, phát triển một nguồn lao động có chất lượng để chuyển sự phát triển kinh tế dần theo chiều sâu là một đòi hỏi cấp thiết (Colman and Young, 1994).
Nhận thức của người chăn nuôi lợn thịt an toàn là nhân tố trước nhất phải được chú ý bởi chấp nhận phương thức chăn nuôi truyền thống, trang trại hay gia trại là do ửng xử của các hộ nông dân trước những yêu cầu sản xuất và thị trường. Hộ chăn nuôi phải nhận thức rõ tính ưu việt và hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, yêu cầu của phương thức chăn nuôi đó thì họ mới chủ động thực hiện đúng và đầy đủ quy trình kỹ thuật.
Người chăn nuôi có trình độ học vấn và kỹ năng lao động để tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệp chăn nuôi tiên tiến. Trong chăn nuôi lợn thịt an toàn phải có chuyên môn, kỹ thuật tốt mới dám mạnh dạn áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi đem lại lợi nhuận cao. Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm chăn nuôi lợn thịt an toàn của chủ hộ có vị trí quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công hay thất bại trong chăn nuôi lợn của hộ.
2.1.6.5. Sự hỗ trợ, trợ giúp của các ban ngành
Sự hỗ trợ, trợ giúp của các ban ngành có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với phát triển chăn nuôi lợn thịt an toàn, với đối tượng chủ yếu là người nông dân (có trình độ nhận thức hiểu biết còn hạn chế, nguồn vốn còn hạn hẹp, thiếu thông tin...).
Sự hỗ trợ, trợ giúp của các ban ngành cần quan tâm đến những hộ nông dân còn nghèo đói, gặp rủi ro trong san xuất kinh doanh, hay việc quan tâm giúp đỡ các hộ nông dân giỏi đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh cũng cần sự vào cuộc của các ban ngành liên quan.
Bên cạnh đó các tổ chức liên quan cũng cần phối hợp với các ban ngành để trợ giúp, hỗ trợ hộ nông dân phát triển chăn nuôi lợn thịt an toàn. Chẳng hạn như việc: Hệ thống ngân hàng trợ giúp vốn cho sản xuất; Phối hợp với Chi cục thú y tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cho người chăn nuôi; Tổ chức đào tạo nghề cho người chăn nuôi về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh; Các cơ sở sản xuất, cung cấp thức ăn chăn nuôi đảm bảo đúng tiêu chuẩn.