Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn về tái cơ cấu ngành trồng trọt
2.1.3. Yêu cầu của tái cơ cấu ngành trồng trọt
Một là, gắn với tăng trưởng: Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng hay mở
rộng về sản lượng hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định. Tăng trưởng kinh tế là mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế, được phản ánh qua sự tăng lên về quy mô sản lượng và sản lượng bình quân đầu người của một nền kinh tế. Như vậy có thể hiểu tăng trưởng ngành trồng trọt là sự tăng lên về sản lượng hàng hóa và dịch vụ trong lĩnh vực trồng trọt. Nguồn
gốc của tăng trưởng ngành trồng trọt là sự gia tăng và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực đầu vào cơ bản đối với quá trình sản xuất như vốn, đất đai, lao động và công nghệ. Mặt khác, để đảm bảo cung cấp đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của dân cư ngày càng tăng, nguyên liệu phát triển cho công nghiệp, vốn và ngoại tệ cho tái sản xuất mở rộng và tích lũy ban đầu để đầu tư phát triển các ngành kinh tế khác, các ngành, các lĩnh vực trong trồng trọt phải không ngừng gia tăng quy mô sản lượng, nghĩa là tăng trưởng (Nguyễn Văn Phát, 2004).
Hai là, gắn với phát triển nông nghiệp bền vững: Phát triển trồng trọt bền
vững luôn là mục tiêu phấn đấu của nhiều quốc gia bà là một quá trình biến đổi lâu dài theo xu hướng ngày càng hoàn thiện. Phát triển trồng trọt bền vững có ý nghĩa rộng lớn, bao hàm cả bốn mục tiêu cơ bản là: tăng trưởng kinh tế; thay đổi về cơ cấu kinh tế; tiến bộ về xã hội; cải thiện về môi trường tự nhiên, đảm bảo cân bằng sinh thái. Và chỉ khi nào đồng thời đạt hiệu quả cao ở cả bốn mục tiêu này thì ngành trồng trọt mới được xem là phát triển bền vững. Hiện nay, hầu hết các nhà kinh tế học coi chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một trong những nội dung trụ cột phản ánh mức độ phát triển của một nền kinh tế. Có nhiều quốc gia đạt mức tăng trưởng nông nghiệp rất cao nhưng vẫn còn một bộ phận lớn người dân sống ở nông thôn có thu nhập dưới mức nghèo đói. Đây là hệ quả của sự chuyển dịch thiếu cân đối giữa các ngành kinh tế, giữa các thành phần kinh tế, giữa các vùng lãnh thổ của nền kinh tế đó. Mặt khác, sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế có thể kéo theo sự khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi, khiến cho các nguồn tài nguyên bị kiệt quệ, làm phá vỡ cân bằng môi trường sinh thái hặc cùng với tăng trưởng là sự bất bình đẳng về kinh tế, chính trị và nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp bị hạ thấp hoặc mất đi, dẫn tới cơ cấu xã hội bị đảo lộn và bất ổn định. Tuy nhiên, nếu chỉ nhấn mạnh đến công bằng xã hội, bền vững môi trường tự nhiên sẽ dẫn tới phát triển dàn trải giữa các ngành và giữa các vùng, dẫn tới tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu diễn ra chậm, không đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Vì thế, để đảm bảo hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài, nhiều nước chọn con đường phát triển toàn diện thông qua tăng trưởng kinh tế nhanh đi đôi với nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế (Nguyễn Văn Phát, 2004).
Ba là, phải xuất phát từ tín hiệu của thị trường: Phát triển ngành trồng trọt toàn diện với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững thì nhất thiết phải dựa trên cơ
sở kinh tế hàng hóa gắn với thị trường. Chỉ có như vậy mới khắc phục được xu hướng tự phát, tự cung, tự cấp, phân tán nhỏ lẻ trong sản xuất trồng trọt và để nhằm phát triển trồng trọt nước ta hiện nay. Sản xuất hàng hóa đặt ra yêu cầu, sản xuất sản phẩm nào, số lượng bao nhiêu, chất lượng và chủng loại ra sao phải do thị trường quyết định, không phải do khả năng đất đai, lao động, khí hậu, kinh nghiệm của người sản xuất quyết định. Thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt vừa phải theo cơ chế thị trường, vừa đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng cần chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả thể hiện bằng giá trị, lợi nhuận đồng thời trú trọng đáp ứng yêu cầu về xã hội. Về cơ bản tái cơ cấu ngành trồng trọt là một quá trình đổi mới, nhằm tạo ra “cú huých” lớn thúc đẩy ngành đạt được một diện mạo mới một ngành trồng trọt hiện đại, tiên tiến, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững. Để làm được điều này, đổi mới trong quản lý phải được thực hiện đầu tiên, trong đó đổi mới căn bản và toàn diện về chiến lược, mục tiêu, tầm nhìn của ngành là vấn đề then chốt (Nguyễn Văn Phát, 2004).
Bốn là, phải gắn với hiệu quả kinh tế và xã hội: Một cơ cấu kinh tế hợp lý
phải là cơ cấu đảm bảo hiệu quả kinh tế và xã hội cao. Trong điều kiện kinh tế thị trường, sản xuất chỉ có thể tồn tại được khi sản phẩm có khả năng cạnh tranh, hay nói cách khác sản xuất phải đạt hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không phải bao giờ cũng thống nhất với hiệu quả xã hội. Do vậy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trồng trọt không chỉ tính đến hiệu quả về mặt kinh tế mà còn phải tính đến hiệu quả về mặt xã hội, phải được đo lường bằng các chỉ tiêu tổng hợp, cả về kinh tế và xã hội (Nguyễn Văn Phát, 2004).
Năm là, phải gắn với nền kinh tế mở và hội nhập quốc tế: Chuyển dịch cơ
cấu kinh tế ngành trồng trọt phải phù hợp với xu hướng hội nhập và mở cửa với thế giới và khu vực. Yêu cầu trên là cơ sở để hình thành nên các giải pháp xây dựng cơ cấu kinh tế ngành trồng trọt hợp lý trong giai đoạn hiện nay (Nguyễn Văn Phát, 2004).
Sáu là, phải gắn với công bằng xã hội: Cùng với phát triển công nghiệp
và dịch vụ ở nông thôn, chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt phải gắn với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu- nghèo ở nông thôn, giữa nông thôn và thành thị (Nguyễn Văn Phát, 2004).
Bảy là, phải kết hợp giữa truyền thống và hiện đại: Quá trình tái cơ cấu ngành trồng trọt ở nước ta hiện nay, một mặt phải kế thừa những kinh nghiệm truyền thống như nông nghiệp lúa nước, kinh nghiệm thâm canh cây trồng, giống cây đặc sản..., mặt khác phải tiếp cận với xu hướng hiện đại của thế giới và khu vực, thực hiện phương châm “đi tắt đón đầu”, nhanh chóng ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và quy trình công nghệ tiên tiến vào trồng trọt (Vương Đình Huệ, 2013).
Tám là, phải gắn với mục đích tăng trưởng kinh tế với phân công lao động nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp và dịch vụ ở khu vực này
Chín là, gắn với quy hoạch, chiến lược và mục tiêu tái cơ cấu của huyện,
vùng và của cả nước: Trồng trọt trên địa bàn huyện là một bộ phận của nền nông
nghiệp cũng như nền kinh tế nói chung của huyện, của vùng và cả nước. Do đó tái cơ cấu ngành trồng trọt trên địa bàn phải gắn với tái cơ cấu của vùng và của cả nước về mục tiêu, phương hướng, giải pháp (Nguyễn Văn Phát, 2004).
Mười là, gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.