Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn về tái cơ cấu ngành trồng trọt
2.2. Cơ sở thực tiễn về tái cơ cấu ngành trồng trọt
2.2.2. Kinh nghiệm về tái cơ cấu ngành trồng trọt ở Việt Nam
2.2.2.1. Kinh nghiệm về tái cơ cấu ngành trồng trọt tại Bắc Ninh
Ngày 18 tháng 11 năm 2014 UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định số: 1203/QĐ-UBND Quyết định Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo Quyết định số 899/QĐ-TTg này 10 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Quyết định này thì ngành trồng trọt được tái cơ cấu theo định hướng sau: Mục tiêu phát triển bền vững cần phải được áp dụng xuyên suốt giữa các ngành và các vùng. Trong chiến lược phát triển dài hạn từng ngành, lĩnh vực cần quan tâm đến cả ba khía cạnh “kinh tế”, “xã hội” và “môi trường”.
Định hướng tái cơ cấu trong một số lĩnh vực cụ thể như sau:
Tập trung phát triển sản xuất hàng hóa thành các vùng sản xuất quy mô đủ lớn, sử dụng công nghệ cao gắn với bảo quản chế biến, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng máy móc công nghệ hiện đại, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Tiếp tục duy trì tỷ lệ lúa lai để đảm bảo An ninh lương thực; đồng thời phát triển lúa hàng hóa chất lượng cao để nâng cao giá trị gia tăng. Phát triển mạnh sản xuất rau màu, hoa cây cảnh, cây công nghiệp theo hướng tăng diện tích, năng suất và chất lượng sản phẩm (UBND tỉnh Bắc Ninh, 2014).
Về sản xuất lúa gạo: Sản xuất lúa gạo một mặt để đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh nhưng đồng thời cần nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Ở những vùng có điều kiện thuận lợi, cần khuyến khích áp dụng phương pháp canh tác mới, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật để giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả sử dụng sản phẩm phụ của sản xuất lúa gạo (rơm, rạ, trấu,.) (UBND tỉnh Bắc Ninh, 2014).
Tập trung cải tạo bộ giống lúa theo hướng đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao và phù hợp với chế biến vào sản xuất. Cơ cấu giống lúa chuyển dịch theo hướng giảm diện tích sử dụng các giống lúa năng suất, chất lượng thấp xuống dưới 30%, tăng diện tích sử dụng các giống có năng suất, chất lượngcao đạt trên 70%. Đặc biệt chú trọng quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung, quy mô lớn, nhất là ở những địa phương đã dồn điền đổi thửa và xây dựng nông thôn mới để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện cơ giới hoá vào các khâu canh tác, thu hoạch và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật mới (UBND tỉnh Bắc Ninh, 2014).
Về sản xuất ngô: Tập trung khai thác tối đa lợi thế các vùng đất bãi. Đến năm 2020 ổn định diện tích 3.000 ha (Nguyễn Thị Hòa, 2014).
Các loại cây có củ (sắn, khoai lang, dong riềng.): Tập trung chủ yếu tại các vùng không thuận lợi tưới tiêu, phấn đấu đến năm 2020 ổn định diện tích khoảng 800ha, sản phẩm chủ yếu phục vụ chăn nuôi hộ gia đình, diện tích còn lại chuyển đổi sang phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Các loại cây công nghiệp ngắn ngày: Theo Nguyễn Thị Hòa (2014) tại đề án Phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2015-2020 việc phát triển cây công nghiệp hàng năm có giá trị hàng hóa cao.
Mở rộng tối đa sản xuất rau ở những nơi có điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh sản xuất rau vụ đông với nhiều chủng loại đa dạng, phong phú, đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trong tỉnh, một phần bán ra tỉnh ngoài và phục vụ xuất khẩu.
2.2.2.2. Kinh nghiệm tái cơ cấu ngành trồng trọt tỉnh Hưng Yên
Cùng với cả nước trong giai đoạn đổi mới, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế tỉnh Hưng Yên đã có Quyết định số 1854/QĐ-UBND ngày 12 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc Phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Theo quyết định thì ngành trồng trọt trên địa bàn tỉnh Hưng Yên cũng được tái cơ cấu theo hướng như sau: Tái cơ cấu trồng trọt gắn với tái cơ cấu chăn nuôi, phát triển sản xuất theo quy mô lớn, tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường đầu tư phát triển công nghệ sau thu hoạch theo hướng hiện đại, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; tập trung phát triển các loại cây trồng có thế mạnh phát triển hàng hóa, phục vụ công nghiệp chế biến, thúc đẩy tăng trưởng (UBND tỉnh Hưng Yên, 2014).
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, (2014) việc tái cơ cấu ngành trồng trọt tỉnh Hưng Yên tập trung phát triển theo các nội dung chủ yếu sau:
Cây lúa: Giữ ổn định về diện tích và sản lượng lúa; khuyến khích chuyển
đổi diện tích lúa kém hiệu quả,...chuyển sang trồng cây hàng năm khác, không làm biến dạng đất lúa. Tiếp tục phát triển mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa theo hướng cánh đồng mẫu để ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đầu tư cơ giới hóa vào các khâu sản xuất,...Đến năm 2015, diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh duy trì khoảng 76.200ha (đến 2020 là 70.000ha) tập trung trên địa bàn các huyện Kim Động, Khoái Châu, Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ,... Tập trung cải tạo giống lúa để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị; đến năm 2020, năng suất bình quân trên 66,5 tạ/ha/vụ, sản lượng đạt khoảng 465.000 - 500.000 tấn, phấn đấu tỷ lệ lúa chất lượng cao chiếm trên 60%, tỷ lệ lúa lai chiếm khoảng 20-25% diện tích (UBND tỉnh Hưng Yên, 2014).
Cây Ngô: Phát triển, mở rộng diện tích theo hướng gắn với phát triển chăn
nuôi gia súc. Sử dụng các giống mới và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng; mở rộng diện tích ngô theo hướng thâm canh trên đất lúa. Đến năm 2020, diện tích ngô tẻ khoảng 8.500ha, diện tích ngô nếp khoảng 2.500 ha, tập trung chủ yếu tại một số xã của các huyện Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ, thành phố Hưng Yên (UBND tỉnh Hưng Yên, 2014).
Cây Chuối: Mở rộng diện tích trồng trên vùng đất bãi, đất trồng cây hàng
năm,.. .thay thế một số cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp (UBND tỉnh Hưng Yên, 2014).
Rau các loại: Tập trung vào phát triển sản xuất rau theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), rau công nghệ cao. Diện tích bố trí khoảng 10.000
ha (vụ Đông từ 6.500-7.000ha), sản lượng cây rau đậu, thực phẩm các loại đạt khoảng 250.000 tấn, tập trung ở một số xã thuộc huyện Yên Mỹ, Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Thành phố Hưng Yên; phấn đấu các vùng chuyên canh rau được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, trong đó có từ 50-100 ha đạt chứng nhận sản xuất theo GAP (UBND tỉnh Hưng Yên, 2014).
Cây ăn quả: Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên (2014) áp dụng quy
trình Vietgap trong thâm canh cây ăn quả; trước mắt ưu tiên triển khai trên diện tích trồng nhãn, cây có múi,... nhằm cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn khi đưa ra thị trường (UBDN tỉnh Hưng Yên, 2014).
Cây Nhãn, Vải: Giữ ổn định 3.000 ha trồng nhãn, trong đó xây dựng vùng
sản xuất nhãn hàng hóa tập trung, gắn với cải tạo vùng nhãn gốc hiện có và một số vùng phụ cận; địa bàn phát triển tập trung chủ yếu ở một số xã của thành phố Hưng Yên và các huyện Tiên Lữ, Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi.; nhất là vùng nhãn gốc ở Hồng Nam, Hồng Châu và Quảng Châu (TP Hưng Yên), nhãn muộn ở Hàm Tử, Đông Kết, Bình Minh (Khoái Châu). Giữ ổn định diện tích vải lai ở huyện Phù Cừ mở thêm một số diện tích ở Tiên Lữ, Ân Thi (UBDN tỉnh Hưng Yên, 2014).
Cây có múi: Giữ ổn định diện tích cây ăn quả có múi đến năm 2015 với
diện tích 2.500 ha, sản lượng 30.760 tấn (đến năm 2020, diện tích đạt 3.000 ha, sản lượng 51.300 tấn). Áp dụng kỹ thuật thâm canh và công nghệ bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị. Tập trung phát triển ở các địa phương, như: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Kim Động và thành phố Hưng Yên (UBND tỉnh Hưng Yên, 2014).
Hoa, cây cảnh: Đến năm 2020, diện tích khoảng 1.600ha, tập trung ở một
số xã của Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Văn Lâm, Thành phố Hưng Yên. Thành lập các tổ, nhóm, hội để cùng sản xuất và tiêu thụ; xây dựng một số mô
hình “Làng sinh vật cảnh’ ở Văn Giang và một số địa phương khác trong tỉnh;
xây dựng nhãn hiệu tập thể Quất cảnh Văn Giang (UBND tỉnh Hưng Yên, 2014). 2.2.3. Bài học kinh nghiệm đối với tái cơ cấu ngành trồng trọt
Qua nghiên cứu về kinh nghiệm thực tiễn của một số quốc gia và địa phương ở trong nước đã cho thấy, tái cơ cấu ngành trồng trọt tại mỗi quốc gia, mỗi địa bàn khác nhau thì quan điểm, tầm nhìn, chiến lược và giải pháp được áp dụng cũng có sự khác biệt. Hệ thống lại các kinh nghiệm thực tiễn, có thể rút ra bào học kinh nghiệm về tái cơ cấu ngành trồng trọt như sau: Thứ nhất, tái cơ cấu
ngành trồng trọt cần phải quan tâm đến sự thay đổi trong nội bộ ngành. Thực hiện tái cơ cấu không chỉ là một quá trình tăng và giảm cơ cấu của ngành này so với ngành kia, mà tái cơ cấu phải dựa trên thế mạnh, lợi thế của địa bàn để thay đổi như: Thế mạnh về đất đai, khí hậu hay thế mạnh về giống cây trồng đã có từ trước, ... Trong đó, có thể hướng theo chuyên một vài sản phẩm, song cũng có thể đa dạng về sản phẩm. Tuy nhiên, các sản phẩm trồng trọt có thế mạnh không có nghĩa sẽ được đầu tư gia tăng về tỷ trọng, mặt khác có thể giảm tỷ trọng, song về giá trị sản xuất vẫn ở mức cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường, kinh nghiệm ở Thái Lan đã cho thấy điều này. Thứ hai, kinh nghiệm quốc tế và từ các địa phương cho thấy, tái cơ cấu ngành trồng trọt không thể tách rời khoa học kỹ thuật và công nghệ. Ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào trồng trọt là con đường ngắn nhất để gia tăng năng suất cây trồng, thông qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của ngành, từ đó thúc đẩy cơ cấu ngành theo hướng hợp lý hơn. Ngoài ra khoa học công nghệ không những chỉ xuất hiện trong khâu sản xuất mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với cả khâu bảo quản và chế biến, bởi thông qua các khâu này, có thể nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm trồng trọt. Thứ ba, từ thực tiễn thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt tỉnh Hưng Yên cho thấy, sản xuất phải hướng tới liên kết và hợp tác hay phát triển theo quy mô lớn. Một trong những trở ngại đối với sản xuất trồng trọt hiện nay là chi phí sản xuất cao, sản xuất manh mún nhỏ lẻ không tạo được nhãn hiệu, thương hiệu tập thể, do vậy sản phẩm nông nghiệp thường có giá trị thấp. Để tạo ra sản phẩm tập thể, hay hướng tới sản xuất quy mô lớn, việc sản xuất theo “lợi thế quy mô” sẽ giảm được chi phí, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt, thúc
đẩy ngành trồng trọt phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại. Thứ tư,
tái cơ cấu ngành trồng trọt là quá trình lâu dài, đòi hỏi trong thực hiện phải kiên trì, bền bỉ và có nguồn đầu tư lớn. Do đó cần phải triển khai từng bước vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Mặt khác, Nhà nước nên có chính sách để thu hút khu vực tư nhân cùng tham gia thực hiện, bỏ vốn, để từ đó góp phần gia tăng được nguồn lực hỗ trợ cho triển khai tái cơ cấu ngành, kinh nghiệm từ Thái Lan và Bắc Ninh đã cho thấy rõ điều này. Thứ năm, tái cơ cấu ngành trồng trọt là quá trình có quy mô rộng, tromng thực hiện tái cơ cấu còn phải quan tâm tới nhiều vấn đề như: chính sách khuyến khích, cơ chế quản lý, hạ tầng phục vụ sản xuất, ... Do đó, trong thực hiện phải ưu tiên công việc phù hợp, để từ đó có những giải pháp phù hợp và hịp thời. Hệ thống từ kinh nghiệm của các nước và một số tỉnh trong nước đã cho thấy điều này (Nguyễn Hoàng Sa, 2014).
2.2.4. Các nghiên cứu có liên quan
Ngày 10-6-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó đề án cũng nêu rõ việc tái cơ cấu ngành trồng trọt còn gặp nhiều khó khăn, tỷ trọng của ngành trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn. Khi triển khai thực hiện các tỉnh, thành phố đã đều có đề án riêng cho phát triển của từng địa phương phù hợp với điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội của địa phương mình.
Ngày 13.05.2014, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hanh Quyết định số 1006/QĐ-BNN-TT về việc Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt năm 2014 - 2015 và giai đoạn 2016-2020.
Ngày 21/2/2014 Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có bài viết đăng trên báo điện tử của TW Đảng đã đề xuất một số nội dung và giải pháp cần thiết, cấp bách, góp phần nghiên cứu tiếp tục đổi mới căn bản và đồng bộ về chiến lược, thể chế và tổ chức trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26-NQ/TW khóa X của Ban Chấp hành Trung ương và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được phê duyệt.
Tóm lại, tái cơ cấu ngành trồng trọt đây là một vấn đề mới rất bức thiết trong quá trình Việt Nam đang tiến hành thực hiện các cam kết khi ra nhập WTO và hiệp định TPP đang đặt ra hiện nay. Là chủ chương lớn của Đảng và nhà nước, đang trong quá trình triển khai và thực hiện từ trung ương đến cơ sở . Trong khi đó các nghiên cứu về lý luận và thực tiễn còn nhiều yếu tố chưa đánh giá sâu sắc. Các nghiên cứu liên quan đến đề tài còn nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề lý luận. Công tác tổng kết thực tiễn quá trình tái cơ cấu ngành trồng trọt hàng năm được các bộ ngành quan tâm rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai.
Đối với huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào liên quan đến tái cơ cấu ngành trồng trọt. Do đó, để thực hiện đề tài “Nghiên cứu tái cơ cấu ngành trồng trọt huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang” trong bối cảnh hiện nay sẽ cung cấp cơ sở khoa học cho chính quyền huyện Tân Yên trong việc lựa chọn các giải pháp phù hợp, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt của Bộ nông nghiệp phát triển nông thôn.
PHẦN 3. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 3.1. ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN HUYỆN TÂN YÊN 3.1. ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN HUYỆN TÂN YÊN
3.1.1. Đặc điểm tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lý
Tân Yên là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, diện tích tự nhiên 20.763,37 ha. Phía Bắc giáp huyện Yên Thế và huyện Phú Bình- tỉnh Thái Nguyên, phía Đông giáp huyện Lạng Giang, phía Tây giáp huyện Hiệp Hoà, phía Nam giáp huyện Việt Yên và thành phố Bắc Giang. Huyện cách thành phố Bắc Giang 15 km theo tỉnh lộ 398, huyện Sóc Sơn- Hà Nội 30 km theo tỉnh lộ 295, thành phố Thái Nguyên 40 km theo tỉnh lộ 294.
Huyện có 22 xã và 2 thị trấn. Dân cư ở rải rác trong các thôn, xóm nhỏ. Huyện có 5 tuyến đường tỉnh chạy qua (Đường 298, 294, 295, 297 và 398); phía Đông có sông Thương là tuyến đường thuỷ quan trọng của huyện.
Hình 3.1. Bản đồ hành chính huyện Tân Yên