Kinh nghiệm phát triển chăn nuôilợn thịttheo mô hình liên kết của một

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển chăn nuôi lợn thịt theo mô hình liên kết trên địa bàn thị xã sơn tây, thành phố hà nội (Trang 34 - 39)

Phần 1 Mở đầu

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.3. Kinh nghiệm phát triển chăn nuôilợn thịttheo mô hình liên kết của một

một số địa phương ở Việt Nam

Hiện nay, chăn nuôi lợn thịt theo mô hình liên kết ở Việt Nam đã được triển khai khá phổ biến tại các địa phương như khu vực Đông Nam Bộ (điển hình là tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh), khu vực Bắc Trung Bộ (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh), đồng bằng Sông Hồng (Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh) và khu vực Miền núi Phía Bắc (Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Yên Bái, …). Nhìn chung tại các tỉnh có thể phát triển chăn nuôi lợn thịt theo mô hình liên kết đều là các địa phương có lợi thế thuận tiện về giao thông, có quỹ đất và quy hoạch phát triển chăn nuôi và đặc biệt là tình hình KTXH khá phát triển.

Để phát triển chăn nuôi lợn thịt theo mô hình liên kết, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo một số ngân hàng phối hợp với các công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn trên địa bàn tỉnh tiên hành hỗ trợ cho những người chăn nuôi lợn thịt theo hướng trang trại công nghiệp (trong đó có các hộ chăn nuôi theo mô hình liên kết) bằng cách hỗ trợ phần lãi suất ngân hàng khi mua TACN của các công ty này. Khi người chăn nuôi lợn thịt mua TACN của một công ty thì sẽ ký xác nhận vào hoá đơn bán hàng, sau đó phía công ty mang hoá đơn đến ngân hang và được ngân hàng thanh toán, số tiền này chính là phần vốn ngân hàng cho người chăn nuôi đó vay, tiền lãi suất của khoản vay này được chính quyền tỉnh hỗ trợ một phần.

Đây là một cách làm hay để hỗ trợ cho phát triển chăn nuôi lợn thịt bởi những lý do sau: một là người chăn nuôi được vay vốn một cách nhanh chóng và thuận tiện, đúng thời điểm khi cần; hai là việc sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích; ba là giảm gánh nặng về vốn cho những người chăn nuôi lợn thịt; bốn là do mua trực tiếp của công ty nên giá mua TACN hạ hơn vì không thông qua các tác nhân trung gian trong kênh phân phối; năm là nhanh chóng chuyển dịch từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo kiểu công nghiệp, trang trại tập trung từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kiểm soát dịch bệnh và thuận tiện trong quản lý.

Với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ lại thành lập Hiệp hội chăn nuôi lợn Đông Nam Bộ, người chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp ở khu vực này tham gia và trở thành thành viên của Hiệp hội, họ đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động của Hiệp hội, họ được chia sẻ các thông tin về chăn nuôi mà Hiệp hội có như: dự báo về sản lượng và giá cả trong nước và khu vực; các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi lợn, … Hiệp hội thay mặt các thành viên để dàm phán ký kết các thoả thuận, hợp đồng mua bán lớn về đầu vào và đầu ra. Một điểm khá quan trọng là khi thị trường xảy ra hiện tượng bán phá giá thì Hiệp hội có trách nhiệm tìm hiểu thông tin và đứng ra khởi kiện đơn vị bán phá giá.

Với Hà Tĩnh thì tỉnh hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn thịt thông qua việc hỗ trợ về đào tạo kỹ thuật cho người chăn nuôi, xây dựng hạ tầng phục vụ các khu chăn nuôi tập trung (như điện, đường gia thông, nước, cơ sở giết mổ tập trung, xử lý chất thải), hỗ trợ việc xây dựng thị trường tiêu thụ thông qua các chuỗi sản phẩm và hỗ trợ thông tin cho người chăn nuôi. Hà Tĩnh được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đánh giá là tỉnh đứng đầu cả nước trong việc hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp nói chung trong đó có chăn nuôi lợn thịt, chính vì vậy một vài năm trở lại đây sản xuất chăn nuôi tại Hà Tĩnh có được những thành công đáng kể.

Nhìn chung, các địa phương phát triển chăn nuôi lợn thịt theo mô hình liên kết đa số có sự thuân tiện về giao thông, có thị trường tiêu thụ, có tiềm lực về tài chính để hỗ trợ cho người chăn nuôi và trình độ kỹ thuật của người chăn nuôi khá cao vì chăn nuôi theo hướng công nghiệp (trang trại tập trung).

Thực tiễn sản xuất cho thấy hiện nay đang tồn tại một số hình thức liên kết theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi lợn thịt cụ thể như sau:

- Liên kết với doanh nghiệp (chăn nuôi gia công): với hình thức liên kết này các doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm; người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và nhận tiền công theo hợp đồng ký kết. Các doanh nghiệp điển hình triển khai mô hình này là: Công ty C.P Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn DABACO, Công ty TNHH Thái Dương, Công ty Emivest, Tổng công ty Khoáng sản Thương mại Hà Tĩnh…

Hình thức liên kết này được triển khai ở một số địa phương như: Hà Nội, Yên Bái, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước…

Với liên kết chăn nuôi gia công, các chủ trang trại hầu hết đều có lãi do không phải lo về đầu ra và giá cả, sau một thời gian các chủ trang trại chăn nuôi đều học hỏi và tiếp cận được với các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến áp dụng trong sản xuất khi hết hợp đồng gia công.

- Liên kết chăn nuôi - tiêu thụ: liên kết giữa các trang trại chăn nuôi và thị trường tiêu thụ là các siêu thị, nhà hàng, chợ và các bếp ăn tập thể.

Chuỗi liên kết này được phát triển nhiều tại các tỉnh, thành như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định…

- Liên kết chăn nuôi - tiêu thụ thực phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc:

Đây là chuỗi điển hình nhất hiện nay và được triển khai tại các tỉnh tham gia dự án LIFSAP tại các tỉnh/TP như Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Cao Bằng, Thanh Hoá, Nghệ An, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Lâm Đồng. Liên kết được xây dựng bao gồm các hộ chăn nuôi theo quy trình GAHP, các cơ sở giết mổ và các chợ. Sản phẩm sản xuất đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó Hà Nội cũng đã xây dựng thành công chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ thực phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc GreenFood Hà Nội: chuỗi liên kết có 6 đơn vị tham gia, gồm Công ty CP sản xuất và thương mại Hoàn Dương với nhà máy thức ăn Thái Way, Công ty TNHH sản xuất giống gia cầm Thuỵ Phương, Công ty CP chăn nuôi Tiên Phương, Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông - Sơn Tây; Công ty thực phẩm giết mổ, chế biến Vinh Anh; Công ty thực phẩm giết mổ chế biến gia cầm Lan Vinh. Sáu đơn vị này góp vốn thành lập Công ty Cổ phần cộng đồng GreenFood Hà Nội. Đây là mô hình chuỗi khép kín cung cấp đầy đủ cho các trại chăn nuôi từ thức ăn có chất lượng, giá hợp lý, cung cấp con giống, các cơ sở giết mổ công nghiệp và hệ thống cửa hàng tiện ích. Hiện có 50 trại chăn nuôi lợn với tổng đàn 1.500 lợn nái và 15.000 lợn thịt/lứa. Sản phẩm của chuỗi được phân phối tại 8 cửa hàng, 5 siêu thị, 12 trường học và bệnh viện, 25 bếp ăn tập thể trên địa bàn Thủ đô.

Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch 3F được tổ chức bởi Công ty Cổ phần thực phẩm sạch 3F với tiêu chí xây dựng thương hiệu thực phẩm sạch dựa trên hệ thống khép kín từ chăn nuôi trang trại- sơ chế- chế biến đến bàn ăn. Các trang trại vệ tinh thành viên của Công ty gồm 200 trang trại gà lớn nhỏ và hệ thống 15 trang trại lợn rừng và trại giống gốc 750 nái (6.000 đến 10.000 con lợn thương phẩm) kết hợp khu chế biến thực phẩm đóng gói thực phẩm sống (đã qua sơ chế)

và thực phẩm chín (đã qua chế biến) với công suất 3 tấn lợn/ngày + 2.000 con gà/ngày + 100.000 quả trứng/ngày. Hệ thống phân phối tại hơn 100 siêu thị, 250 cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định… Mới đây, Công ty đang mở rộng hệ thống tiêu thụ tại Đà Nẵng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh…. và đã được nhận chứng chỉ ISO 9001-2000 và HACCP của tổ chức TQSI (Úc). Các sản phẩm thực phẩm được sản xuất trên quy trình khép kín, sử dụng thức ăn có nguồn gốc tự nhiên, tự canh tác theo tiềm năng vùng miền, sử dụng công nghệ vi sinh trong nâng cao chất lượng thức ăn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là đưa vào ứng dụng các sản phẩm thảo dược dùng để nâng cao sức đề kháng, cải tạo chất lượng thịt, trứng thơm ngon dần thay thế hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh (không sử dụng kháng sinh trong quá trình chăn nuôi). Kiểm soát chặt chẽ toàn bộ hệ thống từ con giống, thức ăn, vệ sinh thú y, giết mổ chế biến và đặc biệt là tổ chức hệ thống phân phối (nhà hàng, siêu thị, đại lý, trường học) và hệ thống bán lẻ trực tiếp Quê Việt.

Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng liên kết giữa Vissan và hộ chăn nuôi lợn theo VietGAHP, chuỗi khép kín từ sản xuất chăn nuôi lợn GAHP đến giết mổ sạch và tiêu thụ thịt lợn có chứng nhận GAHP đến tay người tiêu dùng.

Các chuỗi liên kết theo hướng này sẽ tạo ra sự khác biệt của sản phẩm chăn nuôi GAHP đối với các sản phẩm thông thường khác, người tiêu dùng dễ nhận biết và lựa chọn các sản phẩm mong muốn, thông qua hình thức tuyên truyền đối với sản phẩm an toàn cũng góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Giá cả sản phẩm cũng sẽ có sự khác biệt đối với các sản phẩm thông thường nên góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

- Liên kết chăn nuôi 4 nhà (Cơ quan quản lý nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp, Doanh nghiệp sản xuất thức ăn, người chăn nuôi và doanh nghiệp tiêu

thụ sản phẩm): chuỗi liên kết này đang được thực hiện tại Hà Nam với hình thức

hoạt động cụ thể: Cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý mọi hoạt động của chuỗi; người chăn nuôi sử dụng thức ăn chăn nuôi giá ưu đãi của doanh nghiệp và vay vốn ưu đãi của ngân hàng; ngân hàng cho người chăn nuôi vay vốn ưu đãi hoặc bảo lãnh cho người chăn nuôi mua thức ăn chăn nuôi trả chậm của doanh nghiệp; doanh nghiệp cung ứng thức ăn cho người chăn nuôi theo giá đại lý và tiêu thụ sản phẩm chất lượng cho người chăn nuôi. Hình thức tiêu thụ sản phẩm vừa là bán buôn, bán lẻ và bao tiêu theo hợp đồng.

- Liên kết Chăn nuôi – Giết mổ - Bán buôn: Loại hình liên kết sản xuất theo chuỗi Chăn nuôi – Giết mổ - Bán buôn được triển khai tại Long An. Đây là chuỗi trong một huyện, liên xã và phục vụ tiêu dùng trong huyện. Trại chăn nuôi liên kết với cơ sở giết mổ và hộ bán buôn để tiêu dùng sản phẩm lợn thịt với quy mô 1.500 con lợn thịt/năm (năm 2015).

2.2.4. Thực trạng phát triển chăn nuôi lợn thịt theo mô hình liên kết ở thành phố Hà Nội

Ở Hà Nội, việc chăn nuôi lợn thịt theo mô hình liên kết đã được hình thành từ những năm cuối của thế kỷ 20, sau đó phát triển mạnh cho đến nay. Đi tiên phong trong việc liên kết chăn nuôi lợn thịt phải nói đến Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (một công ty của Thái Lan), hình thức liên kết được công ty này áp dụng là liên kết dọc, sau đó xuất hiện thêm Công ty Cổ phầnTập đoàn Dabaco, công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Thái Dương, Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Nông thôn (RTD) … cũng thực hiện việc liên kết trong chăn nuôi lợn thịt trên địa bàn Hà Nội.

Nhìn chung những địa phương có chăn nuôi lợn thịt theo hướng trang trại, công nghiệp phát triển thường là các vùng ngoại thành, trung du có quỹ đất rộng, bên cạnh đó phải được quy hoạch của cấp có thẩm quyền và vận dụng tốt cơ chế chính sách như huyện Thạch Thất, Ứng Hoà, Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Đông Anh, …

Hà Nội là thành phố phát triển mạnh về chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn thịt, với số trang trại chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư lên đến 835 trại, chính vì vậy Hà Nội là địa phương duy nhất trong cả nước thành lập Trung tâm Phát triển chăn nuôi của thành phố (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) để giúp lãnh đạo thành phố tư vấn phát triển lĩnh vực chăn nuôi cũng như thay mặt thành phố quản lý về lĩnh vực này.

Trong những năm gần đây tốc độ phát triển trang trại chăn nuôi ngoài khu dân cư của thành phố Hà Nội tăng rất nhanh, điều này được thể hiện qua bảng 2.1 dưới đây.

Bảng 2.1. Biến động về số trang trại chăn nuôi lợn thịt trên địa bàn TP Hà Nội

ĐVT: Trang trại

Chỉ tiêu 2011 2012 2013 2014 2015

Tổng số trại 558 617 669 728 835

Chăn nuôi theo mô hình liên kết 98 114 127 142 151

- CP 91 85 76 71 67

- Dabaco 5 13 21 29 32

- RTD 0 3 7 11 15

- Japfa 2 8 15 19 22

- Thái Dương 0 5 8 12 15

Nguồn: Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội

Qua bảng 2.1 cho thấy số trang trại chăn nuôi lợn thịt tập trung ngoài khu dân cư của thành phố Hà Nội có xu hướng tăng lên qua các năm, từ 558 trại năm 2011 lên 835 tại năm 2015.Như vậy, tốc độ phát triển chăn nuôitheo hướngtrang trại, công nghiệp ngày một chiếm ưu thế, điều này hoàn toàn phù hợp với Chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung cũng như định hướng phát triển chăn nuôi của Hà Nội nói riêng. Song song với sự gia tăng của trang trại chăn nuôi lợn tập trung ngoài khu dân cư thì số lượng các trang trại tham gia vào mô hình liên kết của các hộ cũng tăng lên qua các năm, cụ thể năm 2011 toàn thành phố Hà Nội chỉ có 98 trại nhưng đến năm 2015 đã có 151 trại, điều này cho thấy phát triển chăn nuôi lợn thịt ở thành phố Hà Nội đang trong giai đoạn phát triển mạnh.

Cũng qua bảng 2.1 cho thấy công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam có số trang trại liên kết theo xu hướng giảm dần, ngược lại với xu thế của công ty CP thì Công ty Cổ phầnTập đoàn Dabaco, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Thái Dương, Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Nông thôn (RTD)lại có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên trong cơ cấu thị trường này thị phần của công ty CP vẫn là cao nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển chăn nuôi lợn thịt theo mô hình liên kết trên địa bàn thị xã sơn tây, thành phố hà nội (Trang 34 - 39)