Liên kết trong sản xuất kinh doanh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển kinh tế ngành trồng trọt trên địa bàn huyện quảng uyên, tỉnh cao bằng (Trang 87 - 89)

Có thể thấy rằng các hình thức liên kết trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh ngành trồng trọt giữa các tác nhân là những pháp nhân độc lập rất đa dạng, chủ yếu bao gồm các hình thức với các nội dung cơ bản sau:

 Hợp đồng bằng văn bản (Hợp đồng chính thống)

Liên kết theo hợp đồng là quan hệ mua bán chính thức được thiết lập giữa các tác nhân trong việc mua nguyên liệu hoặc bán sản phẩm. Hợp đồng là “sự thỏa thuận giữa nông dân và các cơ sở chế biến hoặc tiêu thụ sản phẩm nông sản về việc tiêu thụ sản phẩm trong tương lai và thường với giá đặt trước”. Đây là hình thức kinh tế hợp tác trực tiếp, quan hệ giữa hai bên bị ràng buộc bởi hợp đồng, do đó nó có tính ổn định hơn. Quan hệ hợp tác trên cơ sở hợp đồng được thực hiện dưới hai hình thức: Hợp đồng trên cơ sở cá nhân và hợp đồng trên cơ sở nhóm.

 Hợp đồng miệng (Thỏa thuận miệng)

Hợp đồng miệng là các thỏa thuận không được thể hiện bằng văn bản giữa các tác nhân cam kết cùng nhau thực hiện một số hoạt động, công việc nào đó. Hợp đồng miệng cũng được các bên thống nhất về số lượng, chất lượng, giá cả, thời hạn và địa điểm giao nhận hàng... Cơ sở của hợp đồng miệng là niềm tin, độ tín nhiệm, trách nhiệm cam kết thực hiện giữa các tác nhân tham gia hợp đồng.

Hợp đồng miệng thường được thực hiện giữa các tác nhân có quan hệ thân thiết (họ hàng, bàn bè, anh em ruột,...) hoặc giữa các tác nhân đã có quá trình hợp tác, liên kết sản xuất - kinh doanh với nhau mà trong suốt thời gian hợp tác luôn thể hiện được nguồn lực tài chính, khả năng tổ chức và trách nhiệm giữ chữ tín với các đối tác. Tuy nhiên, hợp đồng miệng trong thực tế thường chỉ là các thỏa thuận trên nguyên tắc về số lượng, giá cả, điều kiện giao nhận hàng hóa.

Liên kết giữa các tác nhân trong sản xuất kinh doanh ngành trồng trọt (liên kết giữa các Nhà: Nhà nông, Nhà nước, Nhà khoa học và doanh nghiệp) có ý nghĩa vai trò rất quan trọng, mục đích cuối cùng là giúp Nhà nông (đối tượng chủ yếu, quan trọng nâng cao kết quả, hiệu quả sản xuất, giảm và tránh rủi ro trong sản xuất kinh doanh.

Thực tế ở địa bàn nghiên cứu cho thấy về các tác nhân tham gia liên kết bao gồm: Nhà nông nguồn lực có hạn, trình độ nhận thức hiểu biết còn hạn chế; Nhà nước thiếu vắng các HTX dịch vụ nông nghiệp nên gánh nặng đặt vào các cơ quan chuyên môn như phòng nông nghiệp, khuyến nông, bảo vệ thực vật; Nhà khoa học tham gia còn rất hạn chế; Doanh nghiệp chủ hầu hết (100%) là doanh nghiệp quy mô nhỏ. Như vậy, với đặc điểm các tác nhân tham gia liên kết như vậy phản ánh phần nào điều kiện, nguồn lực, thực trạng liên kết trong ngành trồng trọt ở địa bàn còn hạn chế, thiếu tính liên kết, sự liên kết chưa thực sự hiệu quả và bền vững:

- Đối với cây lúa và ngô: Việc liên kết chủ yếu là giữa các hộ nông dân trong học hỏi nhau về chăm sóc cây trồng, khâu đầu tư giống và phân bón có sự liên kết giữa các hộ với Nhà nước thông qua các cơ quan chuyên môn địa phương, việc tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn thiếu sự hỗ trợ trợ giúp của các tác nhân.

- Đối với cây mía: được đầu tư phát triển từ những năm 1997 đến nay. Cây mía được cho khá thích hợp và có khả năng phát triển ở địa bàn. Trong sản xuất kinh doanh mía ở địa bàn có tác nhân doanh nghiệp (công ty cổ phẩn mía đường Cao Bằng) tham gia. Việc tham gia của công ty cổ phần mía đường Cao Bằng vào quá trình sản xuất kinh doanh giúp cho sản xuất kinh doanh mía của các hộ nông dân khá ổn định (ngoại trừ mấy năm gần đây do giá mía đường biến động mạnh nên bị ảnh hưởng). Việc liên kết mà chủ yếu là liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp diễn ra khá tốt, liên kết chủ yếu diễn ra ở tất cả các nội dung liên kết (liên kết về giống, phân bón, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và liên kết trong việc bao tiêu tiêu thụ sản phẩm).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển kinh tế ngành trồng trọt trên địa bàn huyện quảng uyên, tỉnh cao bằng (Trang 87 - 89)