4.1.5.1. Phát triển về giống
Thời vụ và giống có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và hiệu quả sản xuất cây vụ đông. Việc lựa chọn giống gì để đạt được hiệu quả kinh tế cao luôn là mối quan tâm hàng đầu của người sản xuất trên địa bàn huyện.
Sản xuất cây vụ đông ở huyện Gia Viễn sử dụng nhiều loại giống khác nhau, nhập về từ nhiều nguồn trong thời gian qua. Do đó dẫn đến việc kiểm soát chất lượng giống khó, giống không được xác nhận nên dẫn đến thoái hoá nhanh, dễ nhiễm bệnh (nhất là bệnh mốc sương và bệnh ghẻ bột); hao hụt nhiều trong quá trình vận chuyển; sản phẩm lẫn giống, khó khăn cho tiêu thụ, làm giá bán chênh lệch; người tiêu thụ chưa có thói quen chon mua khoai tây có chất lượng cao để ăn giống như chọn mua gạo vì vậy chưa khuyến khích được nhiều nông dân trồng giống tốt có chất lượng cao.
Về nguồn cung giống: Theo kết quả khảo sát cho thấy nguồn cung cấp giống của các nông hộ chủ yếu từ những người sản xuất khác ở địa phương với quy mô diện tích lớn chiếm tỷ lệ 64%, từ các HTX nông nghiệp với 22%, từ các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn chiếm 8%, số ít các nông hộ tự sản xuất để làm nguồn giống chiếm 6%. Thể hiện tại biểu đồ 4.1.
Biểu đồ 4.1. Cơ cấu nguồn cung giống cây vụ đông tại các hộ điều tra
Có thể thấy đối với huyện Gia Viễn cũng như các địa phương trồng cây vụ đông khác, để có thể cải thiện sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt cung cấp ra thị trường các cơ sở thu mua, cần phải có sự quan tâm đúng mức đến thị trường về giống, đó không chỉ là yếu tố về số lượng mà còn cả chất lượng của các cơ sở kinh doanh giống trên địa bàn.
4.1.5.2. Phát triển về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất
Nhằm giúp người nông dân nắm bắt được những khoa học kỹ thuật để áp dụng vào trong sản xuất, hàng năm UBND huyện đã kết hợp với trạm khuyến nông huyện tổ chức những lớp tập huấn và chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới... đưa những quy trình sản xuất mới đem lại giá trị kinh tế cao vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế.
Kỹ thuật canh tác mới được sử dụng rộng rãi như kỹ thuật màng phủ đất nhằm hạn chế cỏ dại, tiết kiệm nước và phân bón, giảm tác hại của mưa, rét, giảm công lao động; việc cơ giới hoá trong nông nghiệp, nhất là khâu làm đất, bơm nước, trừ cỏ dại, vận chuyển đã làm giảm lao động, hạ giá thành sản phẩm; việc bón các chế phẩm sinh học, phân NPK tổng hợp đã được phổ cập thay thế việc bón phân đơn trước đây, đồng thời với việc sử dụng phân sinh học, phân phun lá, các chất điều hoà sinh trưởng, giảm tổn thất hạ giá thành sản phẩm, tạo tiền đề cho CNH- HĐH nông nghiệp nông thôn.
Bảng 4.9 tổng hợp kết quả điều tra tình hình tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật đã được tổ chức trên địa bàn huyện tại thời điểm năm 2016.
Bảng 4.9. Tình hình tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật của các hộ sản xuất cây vụ đông trong vùng điều tra năm 2016
TT Chỉ tiêu
Xã Gia Thắng Xã Gia Tiến Xã Gia Phương Số hộ CC (%) Số hộ CC (%) Số hộ CC (%) 1 Tổng số hộ 40 100,0 40 100,0 40 100,0 2 Số hộ tham gia tập huấn 30 75,0 32 80,0 26 65,0 3 Số hộ không tham gia 10 25,0 8 20,0 14 35,0
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu điều tra, (2016)
Người sản xuất tham gia các lớp đào tạo tập huấn kỹ thuật của huyện tổ chức được trang bị những kiến thức cơ bản về sản xuất cây vụ đông, trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành, vận dụng vào phát triển sản xuất tại gia đình. Tuy nhiên, một bộ phận lao động nông nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về việc tham gia tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn trong sản xuất và phát triển kinh tế gia đình. Người sản xuất chủ yếu có trình độ học vấn thấp nên tiếp thu kiến thức chậm. Sau đào tạo chưa mạnh dạn đầu tư vào sản xuất theo mô hình sản xuất hàng hoá, dịch vụ nông nghiệp.